Các môn võ tại SEA Games 32: Mỏ vàng thật chứ không phải... "vàng mắt"
Nhóm các môn võ thuật vẫn được nhìn nhận là "mỏ vàng" của đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) ở SEA Games 32 dù phải đối mặt nhiều thách thức, vấn đề phức tạp. Nhưng việc đóng góp tới 50% tổng số HCV cho đoàn quả thực mang đến bất ngờ.
Thực tế trước thềm SEA Games 32 đã có nhiều dự báo rằng một số môn võ khả năng sẽ rơi vào cảnh "vàng mắt tìm HCV", sau kỳ đại hội bùng nổ trên sân nhà 1 năm trước. Có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn tới dự báo ảm đạm này.
Từ việc chủ nhà Campuchia chỉ cho phép các đoàn thể thao trong khu vực đăng ký tối đa 70% nội dung thi đấu ở các môn võ thuật đối kháng, đến việc nhập tịch tràn lan các võ sỹ nước ngoài, cắt bỏ vô tội vạ nhiều nội dung hạng cân thi đấu, hay ghép nội dung thi chỉ tính 1 bộ huy chương...
Tất cả, được cho là sẽ ảnh hưởng đáng kể tới thành tích của nhóm môn võ thuật, bên cạnh yếu tố chủ quan là nhiều đội tuyển võ thuật cũng đang trong giai đoạn thay máu lực lượng.
Được biết, trước thềm SEA Games 32 nhóm các môn võ thuật đặt chỉ tiêu khiêm tốn giành từ 45-55 tấm HCV. Để so sánh, tại đại hội trên sân nhà 1 năm trước các môn võ đã giành tới 85 tấm HCV, đóng góp 41,5% tổng số HCV của đoàn TTVN. Nhìn vào đó có thể thấy mục tiêu đặt ra dè dặt nhường nào.
Tuy vậy, những gì diễn ra sau đó trên đất Campuchia lại mang đến những kết quả hoàn toàn khác, theo chiều hướng tích cực hơn rất nhiều.
Thật vậy! Tính đến tấm HCV "khóa sổ thành tích" đoàn TTVN ở ngày thi đấu cuối cùng 16-5 do võ sỹ kickboxing Nguyễn Hoàng mang về, tổng cộng 13 môn võ thuật đã giành tới 68 HCV.
Con số rất đẹp này, thật thú vị khi đúng bằng 50% tổng số HCV của đoàn TTVN và tất nhiên khỏi phải nói tầm quan trọng của nó khi chúng ta lần đầu tiên giành ngôi nhất toàn đoàn, vượt Thái Lan, ở một kỳ đại hội tổ chức ở quốc gia khác.
Với tỷ lệ đóng góp tới 50% tổng số HCV, đây cũng là tỷ lệ cao nhất mà nhóm các môn võ đóng góp vào thành tích chung của đoàn TTVN trong 5 kỳ SEA Games trở lại đây, tính từ đại hội 2015 trở lại đây.
Việc các môn võ vượt xa chỉ tiêu HCV dè dặt ban đầu cho thấy nỗ lực, quyết tâm vượt bậc cùng ý chí, bản lĩnh và tinh thần thi đấu tuyệt vời của các VĐV, võ sỹ và HLV.
Trong số 13 môn võ thuật, có tới 7 môn vượt chỉ tiêu HCV ban đầu (Vật, Karate, Judo, Kun Bokator, Kun Khmer, Wushu, Silat), 5 môn đảm bảo chỉ tiêu (Boxing, Taekwondo, Jujitsu, Vovinam, Kickboxing). Chỉ có võ gậy (Arnis) đạt thứ hạng khiêm tốn với 2 HCV sau khi giành 8 HCV ở giải tiền SEA Games còn ở kỳ đại hội 2019 cũng từng giành 4 HCV.
-->>> Bà mẹ hai con dân tộc Tày Hà Thị Linh giành HCV boxing SEA Games 32
Cũng trong nhóm môn võ thuật, Việt Nam dẫn đầu SEA Games 32 ở các môn Judo (8 HCV, 10), Karate (6 HCV, 12) và Vật (13 HCV, 18). Trong đó cần lưu ý rằng judo và vật nằm trong hệ thống thi đấu Olympic, ASIAD.
Ngoài ra cũng phải nhắc đến việc ở các môn Kun Bokator, Kun Khmer, Kickboxing hay Vovinam thì các đội tuyển của Việt Nam chỉ chịu xếp sau nước chủ nhà Campuchia, với "nguyên nhân đặc thù đại hội" khi nước chủ nhà vẫn thường nhận được ưu ái, đặc biệt ở các nội dung thi võ thuật biểu diễn.
Rõ ràng, với thành tích vượt xa mong đợi, các môn võ một lần nữa khẳng định giá trị "mỏ vàng" của thể thao Việt Nam ở đấu trường thể thao lớn nhất khu vực - SEA Games. Hy vọng đây sẽ là tiền đề quan trọng để các đội tuyển võ thuật nhắm tới thành tích cao hơn nữa khi được tham gia tranh tài ở ASIAD 19 tới đây tại Hàng Châu (9/2023), hay tìm kiếm những suất dự Olympic Paris 2024.
-->>> Sinh nhật Vàng của Dương Thúy Vi và "ân huệ" từ bông hồng Wushu