Các môn võ thuật: Từ "mỏ vàng" SEA Games 32 đến "mỏ" gì ở ASIAD 19?
Nhóm các môn võ thuật một lần nữa khẳng định giá trị "mỏ vàng" khi đóng góp 68 tấm HCV, tương đương 50% tổng số HCV của đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tại SEA Games 32 vừa qua. Đây cũng là tỷ lệ đóng góp HCV vào thành tích chung của đoàn cao nhất trong 5 kỳ SEA Games trở lại đây.
Nhưng để lại phia sau vinh quang SEA Games, chỉ ít tháng tới đây thôi các môn võ thuật sẽ bước vào đấu trường lớn hơn rất nhiều, cả về quy mô lẫn đẳng cấp, trình độ, sự khốc liệt, đó là ASIAD 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc) diễn ra từ ngày 23-9 tới 8-10.
Tại kỳ ASIAD năm 2018 trên đất Indonesia, các môn võ đóng góp 2 HCV, 10 HCB và 10 HCĐ vào thành tích chung của đoàn TTVN (5 vàng, 15 bạc 18 đồng). Tính ra, các môn võ đã chiếm tới 58% tổng số huy chương của đoàn TTVN.
Và cho tới khi sau này VĐV điền kinh Quách Thị Lan được thông báo đôn lên nhận HCV nội dung 400m rào ASIAD do VĐV về nhất dính doping, thực tế ngay tại thời điểm ASIAD 2018 diễn ra, TTVN có 4 tấm HCV thì 2 trong số đó do các VĐV môn võ đóng góp, tương ứng tỷ lệ 50%.
Nhưng nhìn đi cũng phải nhìn lại, cả 2 tấm HCV cùng 10 tấm huy chương bạc đồng khác của võ thuật Việt Nam đến từ môn pencak silat (Nguyễn Văn Trí, Trần Đình Nam), môn võ chỉ xuất hiện bởi Indonesia là chủ nhà đăng cai Á vận hội 2018.
Năm nay sẽ không có silat, trong khi wushu, taekwondo, karate, kurash, boxing, jujitsu - các môn từng mang về huy chương 5 năm trước vẫn nằm trong chương trình thi đấu. Thành tích tốt nhất của nhóm môn võ này tại ASIAD 2018 là 3 HCB và 2 HCĐ đến từ wushu, 1 HCB của karate, cùng 4 tấm HCĐ chia đều cho các môn còn lại.
Với những gì thể hiện ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp trong 2 năm qua, và thành tích thi đấu riêng lẻ ở các giải châu lục cũng như thế giới, có thể khẳng định việc tìm kiếm HCĐ hay HCB với nhóm môn võ kể trên (cùng judo, vật) vẫn là hoàn toàn khả thi.
Nhưng tất nhiên mục tiêu của TTVN là tấm HCV và câu hỏi đặt ra là liệu môn võ nào sẽ hoàn thành mục tiêu đó?
Đầu tiên, với nhóm môn có kỹ năng thi đấu cơ bản khá tương đồng là: vật, judo, jujitsu và kurash. Dù Việt Nam đã thống trị hầu hết các môn này ở đấu trường SEA Games nhưng rõ ràng ở sân chơi châu lục là câu chuyện hoàn toàn khác.
Sự vượt trội vẫn nằm ở những cường quốc như Nhật Bản, Mông Cổ, Iran hay các nước khu vực Trung Á. Vậy nên việc tranh chấp HCV ở nhóm môn này có thể nói gần như không tưởng.
Với Karate hay Taekwondo, Việt Nam đang sở hữu những võ sỹ từng vô địch châu Á, giành huy chương thế giới hay đã tham dự Olympic như Hoàng Thị Mỹ Tâm, Nguyễn Thị Ngoan, Trương Thị Kim Tuyền...
Nhưng bước ra sân chơi châu lục ASIAD cũng có nghĩa phải đối đầu những võ sỹ đẳng cấp hàng đầu thế giới từ Nhật, Hàn Quốc, Iran hay thậm chí Thái Lan. Để chạm vào tấm HCV cần nỗ lực, phong độ tuyệt vời và cả sự may mắn cũng như tính toán hợp lý lựa chọn hạng cân thi đấu.
Có lẽ, nếu phải chọn ra cái tên thì đấy sẽ là võ sỹ trẻ Hoàng Thị Mỹ Tâm, người đã 2 năm liên tiếp có HCV karate châu Á và mới lần đầu tiên vô địch SEA Games cách đây hơn 2 tuần.
Trong khi đó, ở môn boxing, niềm hy vọng HCV có thể coi là sáng giá nhất: võ sỹ Nguyễn Thị Tâm lại dính chấn thương rất đen đủi tại SEA Games 32, sau khi giành HCB giải boxing vô địch thế giới ở Ấn Độ hồi cuối tháng 3. Hiện Nguyễn Thị Tâm vẫn chờ kết quả kiểm tra y tế chính xác để từ đó có kế hoạch chữa trị, hồi phục chấn thương rách dây chằng đầu gối được dự báo khiến cô phải nghỉ dài.
Không còn Nguyễn Thị Tâm, người từng giành HCĐ ASIAD 2018, boxing Việt Nam sẽ gửi gắm hy vọng vào tay đấm từng dự Olympic Nguyễn Văn Đương và có thể là gương mặt kỳ cựu Hà Thị Linh vừa giành HCV SEA Games.
Thực tế, nhìn nhận sòng phẳng thì wushu với nội dung biểu diễn (taolu) xem ra có cơ hội tranh chấp vàng với cái tên kỳ cựu Dương Thúy Vi. Cô gái vàng của wushu Việt Nam đã có đủ bộ sưu tập huy chương từ khu vực, châu lục đến thế giới.
Tại kỳ ASIAD 2014 Thúy Vi từng giành HCV nội dung sở trường kiếm thuật - thương thuật, và đấy cũng là "tấm HCV cứu giá" cho đoàn TTVN bởi 35 tấm huy chương còn lại đều chỉ là bạc và đồng. Đến kỳ Á vận hội gần nhất 2018 ở Indonesia Thúy Vi có thêm 1 HCĐ thương thuật.
Nhưng với nội dung biểu diễn chấm điểm, ý chí chủ quan của trọng tài quyết định tất cả và cũng phải nói thêm rằng Thúy Vi vừa bước qua tuổi 30, trong khi độ tuổi lý tưởng đỉnh cao phong độ cho những VĐV taolu thường... không vượt quá 24-25 tuổi.
Chắc chắn, đây sẽ là kỳ ASIAD khó khăn nhất với Thúy Vi, nếu phải gánh trọng trách tìm kiếm HCV. Và tất nhiên cũng sẽ là kỳ Á vận hội gian nan với các môn võ nói chung và cả đoàn thể thao Việt Nam dù chỉ tiêu tổng thể đặt ra khá dè dặt, chỉ từ 3-5 tấm HCV.
--->>> Các môn võ tại SEA Games 32: Mỏ vàng thật chứ không phải... "vàng mắt"