Nghịch cảnh điền kinh Việt Nam mất vàng hàng loạt SEA Games 32, nhận số HCB kỷ lục chưa từng có

thứ ba 16-5-2023 9:02:57 +07:00 0 bình luận
Điền kinh Việt Nam chính thức mất ngôi nhất toàn đoàn trở lại tay người Thái Lan sau 3 kỳ Đại hội liên tục dẫn đầu. Số lượng huy chương bạc mà điền kinh Việt Nam giành được ở SEA Games 32 trở thành con số kỷ lục.

Môn điền kinh SEA Games 32 bắt đầu từ 6/5/2023 với hai nội dung marathon (chạy 42,195km) và đi bộ (20km) tại Siem Reap, trước các nội dung trong sân vận động diễn ra đầy hấp dẫn tại Phnom Penh từ 8-12/5/2023.

Hụt mục tiêu khi không thể hoàn thành số lượng HCV cần thiết, điền kinh Việt Nam chính thức về nhì sau đoàn Thái Lan sau 3 kỳ SEA Games liên tiếp lật đổ được quốc gia siêu cường điền kinh Đông Nam Á.

Lịch sử đối đầu điền kinh Thái Lan và Việt Nam

Bắt đầu tính từ kỳ SEA Games 1977 tại Kuala Lumpur (Malaysia) đến tận kỳ Đại hội năm 2015 ở Singpore, điền kinh Việt Nam chưa bao giờ là đối trọng của Thái Lan trong cuộc đua toàn đoàn. Quốc gia này thống trị ngôi nhất toàn đoàn nhiều kỳ, trong đó số lượng thông kê được từ năm 2001 đến 2015 thì Thái Lan luôn ngự trị ngôi số 1.

Bắt đầu tính SEA Games 2017 ở Malaysia, điền kinh Việt Nam lần đầu lật đổ được Thái Lan và đó trở thành điểm sáng chói trong cuộc đua giành huy chương (đặc biệt là HCV) để bắt đầu một thời kỳ đổi ngôi mới.

Ở SEA Games 2017, điền kinh Việt Nam giành 34 huy chương, trong đó có tới 17 HCV, con số không tưởng của các tuyển thủ Việt Nam, vượt qua Thái Lan chỉ giành được 9 HCV năm đó. Đây là sự tiến bộ mang tính cách mạng khi trước đó ở Singapore 2015, Việt Nam mới có 11 HCV, còn Thái Lan vẫn có 17 tấm.

Điền kinh Thái Lan đã lấy lại ngôi số 1 toàn đoàn từ tay Việt Nam sau 3 kỳ bị đứng dưới

Ngoài số HCV vượt trội, Việt Nam đã tận dụng rất tốt cơ hội trong các cuộc đối đầu để biến cơ hội từ đồng (9), bạc (13) thành vàng (17). Các cô gái Việt Nam giữ trọng trách giành tới 13/17 tấm HCV ở SEA Games 2017.

Đến Philippines năm 2019, SEA Games 30 này cũng ghi dấu ấn mạnh mẽ của điền kinh Việt Nam khi vị trí số 1 tiếp tục được duy trì. Việt Nam một lần nữa vượt lên người Thái về cả số huy chương lẫn HCV để dẫn đầu thêm một kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á nữa. Với 38 huy chương gồm 16 HCV, 12 HCB và 10 HCĐ, điền kinh dẫn đầu thuyết phục Thái Lan, đoàn có 35 huy chương (12, 11, 12).

Và tới kỳ SEA Games 31 trên sân nhà năm ngoái, điền kinh Việt Nam có cú bướt phá mạnh mẽ khi giành tới 44 huy chương, đặc biệt lập kỷ lục 22 HCV, 14 HCB và 8 HCĐ. Dĩ nhiên, Thái Lan vẫn xếp thứ hai với 31 huy chương (12, 11, 8).

Và bước ngoặt ở kỳ SEA Games 32

Đến với Campuchia, điền kinh Việt Nam đã nắm được thực lực và giảm chỉ tiêu, chỉ còn từ 14-18 HCV để tiếp tục giữ ngôi nhất toàn đoàn 4 kỳ SEA Games liên tiếp. Tuy nhiên, những tính toán chỉ luôn trên giấy tờ, còn thực tế chiến trường mới là thực tại.

Việt Nam giành tới 40 huy chương, nhưng số HCV chỉ còn 12, và đặc biệt là bạc lên đến… 20 tấm (HCĐ 8). Đây là kỳ Đại hội đầu tiên mà điền kinh Việt Nam giành HCB nhiều đến vậy. Nó cũng chứng tỏ cơ hội cận kề với những tấm HCV đã bị đánh rơi nhiều đến thế nào.

Mục tiêu ban đầu cần từ 14-18 HCV để giữ ngôi nhất toàn đoàn trên thực tế có thể hoàn thành, nếu điền kinh Việt Nam không trượt những nội dung tưởng chừng như chắc chắn nhưng lại… hỏng ăn.

Cụ thể là những tấm HCV nằm trong dự kiến đã không thành gồm: 400m nữ của Nguyễn Thị Huyền (thua VĐV Malaysia),1500m nam của Lương Đức Phước (thua VĐV nhập tịch Thái Lan), Phước cũng lỡ cơ hội giành HCV khi bất ngờ bị VĐV Chhun Bunthorn của chủ nhà Campuchia đánh bại đầy đáng tiếc, Nguyễn Tiến Trọng mất HCV nhảy xa nam, Bùi Thị Thu Thảo ở nhảy xa nữ (thua VĐV Indonesia)…

Nguyễn Thị Huyền dù để tuột tấm HCV 400m được dự đoán, nhưng vẫn kịp xuất sắc có HCV 400m rào và 4x400m tiếp sức nữ

Trên thực tế, năm nay điền kinh Thái Lan cũng sa sút ở khá nhiều nội dung. Thần đồng Puripol Boonson dính chấn thương và bỏ lỡ cơ hội bảo vệ HCV chạy 100m, 200m, 4x100m nam cùng đội Thái Lan, nhưng rất may, họ có ngay “thần đồng” khác là Soraoat Dapbang, người đã thay thế tuyệt vời cho Boonson để giành HCV 3 nội dung trên.

VĐV nhập tịch Joshua Atkinson năm ngoái làm mưa làm gió trên đường chạy 400m (và cả 4x400m hỗn hợp), 800m đột nhiên thi đấu sa sút và không có thành tích nổi bật gì. Và dù chỉ giành 29 huy chương các loại, nhưng với 16 HCV, 8 HCB và 5 HCĐ, Thái Lan đã chính thức đòi lại vị trí số 1 toàn đoàn ở môn điền kinh.

Thực trạng không thể phủ nhận

Trước khi bước vào SEA Games 32, điền kinh Việt Nam e dè hơn khi có đến 5 VĐV từng đoạt HCV, HCB ở SEA Games 31 dính doping. Không có lực lượng mạnh nhất, điền kinh Việt Nam đã mất đi một số nội dung có thể giành thêm vàng.

Bên cạnh đó, việc các quốc gia khác, đặc biệt là Malaysia có sự đầu quân mạnh của một số VĐV nhập tịch, kèm thêm Singapore có những nhân tố xuất sắc… nên đã giành một số HCV quan trọng.

Không còn lợi thế sân nhà, điền kinh Việt Nam đã thi đấu đầy nỗ lực, nhưng đáng tiếc là có quá nhiều nội dung về nhì một cách ngỡ ngàng, thậm chí không thành tích gì. Ví dụ, hai nội dung chạy 5000m và 10.000m nam, dù không còn Nguyễn Văn Lai, nhưng Đỗ Quốc Luật được kỳ vọng rất lớn nhưng vẫn không thể vượt qua chính mình và cả đối thủ đều rất mạnh.

Đỗ Quốc Luật (giữa) chưa thành công tại SEA Games năm nay, sau khi đàn anh Nguyễn Văn Lai đã chia tay Đại hội

Điểm sáng của điền kinh Việt Nam năm nay vẫn là vai trò lớn của các nữ tuyển thủ. Nguyễn Thị Oanh giành trọn bộ 4 HCV cá nhân (1500m, 3000m chướng ngại vật, 5000m và 10.000m nữ); Nguyễn Thị Huyền có HCV 400m rào, bảo vệ thành công 4x400m tiếp sức nữ; Nguyễn Linh Na bảo vệ HCV 7 môn phối hợp; đội chạy 4x400m hỗn hợp nam nữ đả bại Thái Lan để lấy lại vị thế, các nội dung chạy 3000m chướng ngại vật nam, 800m nữ, 100m rào nữ… hoàn thành chỉ tiêu.

Ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục thể TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, nhận xét về môn điền kinh ngay sau khi kết thúc thi đấu: “Điền kinh chỉ đạt 12 HCV, trong khi chỉ tiêu đặt ra là 14 tấm. Xét về góc độ số lượng thì không đạt chỉ tiêu, nhưng điền kinh xuất hiện nhiều gương mặt trẻ lần đầu tham dự SEA Games. Chúng ta có những điểm sáng ném lao, đẩy tạ, các VĐV đi theo diện xã hội hóa nhưng giành HCB.

Năm nay, các nước khác thành tích năm ngoái tương đối thấp, nhưng tới kỳ này đã có sự tiến bộ. Và dù đặt mục tiêu 14, chỉ đạt 12 HCV là điều thất vọng. Nhưng nhìn toàn cục chúng ta có quyền tin tưởng vào định hướng đầu tư”.

Tấn Nguyên
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội