Nhà vô địch Vương Thị Huyền: Biến nỗi đau mất mát thành sức mạnh trên sàn đấu
Hình ảnh xúc động nhất đối với người hâm mộ sau khi chứng kiến Vương Thị Huyền đoạt huy chương Vàng SEA Games 30 môn cử tạ hạng 45kg chính là nữ lực sỹ này đã bật khóc nức nở trong phòng chuyên môn của nhà thi đấu.
Nhưng đằng sau giọt nước mắt hạnh phúc ấy lại là niềm xót thương khi Vương Thị Huyền nghĩ về cha mẹ mình, những người không được thấy khoảnh khắc đăng quang của cô khi cả hai đều đã qua đời.
Chia sẻ trong buổi talkshow với Webthethao.vn tại Philippines, Vương Thị Huyền cho biết, 2 ngày sau khi đoạt HCV SEA Games, cảm xúc trong cô vẫn dâng trào bởi không nghĩ mình sẽ đạt được thành tích cao nhất này.
Vương Thị Huyền trò chuyện với Webthethao.vn tại Philippines
Vương Thị Huyền lần đầu tiên tham dự SEA Games là năm 2011, nhưng khác với khi ấy được mẹ ra đón ngày trở về thì bây giờ cô thiếu vắng cả cha lẫn mẹ.
Tám năm trước, khi Huyền mới trở về Hà Nội sau 3 ngày phép thì mẹ đổ bệnh phải nằm viện rồi qua đời. Đến SEA Games này, cô lại phải nén nỗi đau để tập luyện và sang Philippines thi đấu khi người cha vừa ra đi mãi mãi.
Ngày nghe tin bố mất, Huyền rất buồn, nhưng cô muốn đáp lại sự kỳ vọng của thầy cô dành cho mình bấy lâu nay bằng cách nỗ lực tập luyện để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ Đại hội thể thao khu vực.
Vương Thị Huyền nén nỗi đau mất cha để thi đấu tại SEA Games
Ngày còn sống, bố là động lực để Huyền cố gắng và cô cũng luôn là niềm tin của bố. Đối với cô, niềm vui lớn nhất chính là khi được thấy bố cười. Bây giờ ông không còn nữa để được nhìn thấy thành công của đứa con gái bé nhỏ.
Huyền kể rằng, dấu mốc tạo bước ngoặt cho sự nghiệp chính là chiếc HCV Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014, thành tích cao nhất của mình, bởi trước đó cô chưa bao giờ vô địch ở các giải trẻ. Đó chính là động lực để Huyền phấn đấu cho những mục tiêu tiếp theo.
Vương Thị Huyền đã có được thành công lớn nhất trong sự nghiệp
Từ một cô bé tập lớp võ cổ truyền ở Bắc Giang, Huyền được giới thiệu lên Hà Nội để làm quen với môn thể thao hoàn toàn mới. Kỷ niệm khi ấy là lần đầu tiên xa nhà, vào những ngày giáp tết, cô bé Huyền đêm nào cũng khóc vì nhớ nhà.
Đối với Vương Thị Huyền, điều nuối tiếc nhất là để tuột mất huy chương Olympic 2016 do mắc lỗi kỹ thuật. Nhưng bây giờ, chiếc HCV SEA Games 30 đã trở thành minh chứng cho thành quả của sự quyết tâm và nỗ lực mà cô theo đuổi bấy lâu nay.