Top 5 khoảnh khắc ấn tượng nhất SEA Games 32
Sau hơn 20 ngày tranh tài SEA Games 32 đã chính thức khép lại bằng lễ bế mạc vô cùng ấn tượng, như lời tạm biệt nhẹ nhàng mà đáng nhớ của nước chủ nhà SEA Games 32.
SEA Games 32 đã kết thúc, nhưng những dư âm của kỳ đại hội này vẫn sẽ đọng lại trong lòng người hâm mộ. Sau đây, hãy cùng điểm lại 5 khoảnh khắc ấn tượng nhất của SEA Games 32:
Cú đúp HCV không tưởng của Nguyễn Thị Oanh
Chiều nay ngày 9-5 lịch sử điền kinh SEA Games đã ghi nhận kỳ tích có một không hai. Tại sân Morodok, chỉ trong vòng hơn 20 phút, Nguyễn Thị Oanh đã lập kỳ tích khi tham dự 2 nội dung 1.500m rồi đến 3.000m vượt chướng ngại vật và đều vô địch cả hai.
Ở cuộc đua 1.500m, Nguyễn Thị Oanh chỉ mất 4 phút 16 giây 85 để cán đích thành công. Thông số này bỏ xa thành tích người về nhì gần 8 giây. Dù chưa tốt bằng SEA Games năm ngoái (4 phút 14 giây 98) nhưng cũng dễ hiểu bởi đây mới chỉ một nửa thử thách không tưởng với Oanh ỉn chiều nay.
Ngay sau khi về đích 1.500m, Nguyễn Thị Oanh chỉ kịp lấy khăn lau mồ hôi rồi nhanh chóng đi vào đường hầm chuẩn bị cho nội dung diễn ra ngay sau đó là 3.000m vượt chướng ngại vật.
Và khi cô gái bé hạt tiêu của điền kinh Việt Nam trở lại đường đua chuẩn bị thi đấu, cô đã nhận được tràng vỗ tay khen ngợi. Thậm chí, sự phấn khích của CĐV, truyền thông báo chí lên tới đỉnh điểm khi Oanh "ỉn" băng băng một mình về đích trên đường chạy 3.000m vượt chướng ngại vật.
Hơn 20 phút, 2 cuộc đua, gần như không có thời gian hồi sức nhưng kết quả chung cuộc không thay đổi, 2 tấm HCV cự ly 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Nguyễn Thị Oanh vừa lập kỳ tích, chinh phục thử thách không tưởng trong lịch sử SEA Games. Châu lục và thế giới chắc chắn cũng sẽ phải nhắc đến kỳ tích khó tin này.
Bou Samnang - Hiện tượng trên đường đua 5000m
Khoảnh khắc Bou Samnang vừa chạy vừa khóc nức nở dưới cơn mưa để hoàn thành chặng đua của mình tại trên đường chạy 5.000m nữ là một trong những hình ảnh đẹp nhất của kỳ SEA Games 32. Dù VĐV nước chủ nhà đã bị các VĐV khác bỏ xa ngay từ vòng chạy đầu tiên, cô vẫn kiên trì để hoàn thành nốt phần thi của mình.
Vào thời điểm các VĐV khác đã về đích và chỉ còn một mình Bou Samnang trên đường chạy, trời đổ mưa to. Hình ảnh Samnang kiên trì về đích dưới trời mưa tầm tã đã trở thành một biểu tượng của tinh thần thể thao tại SEA Games 32.
Nỗ lực của Bou Samnang đã được truyền thông khu vực và thế giới ca ngợi. Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng xúc động và quyết định tặng thưởng 10.000 USD cho Bou Samnang.
Jonathan Tan giành quyền tham dự Olympic Paris 2024
Ở kỳ Đại hội năm nay, Singapore vẫn là quốc gia thống trị trên đường đua xanh với 47 bộ huy chương giành được sau 6 ngày tranh tài (22 HCV, 16 HCB và 9 HCĐ). Đảo quốc sư tử cũng trở thành quốc gia đầu tiên cán mốc 1000 huy chương vàng tại SEA Games.
Jonathan Tan là một trong những kình ngư nổi bật nhất của đội tuyển bơi Campuchia. Bên cạnh tấm HCV, VĐV sinh năm 2001 đã chính thức giành tấm vé tới Olympic 2024 sau khi về đích ở đường bơi 50m tự do nam với thành tích 21,91 giây, vượt chuẩn Olympic là 21,96 giây.
Jonathan Tan (sinh năm 2002) là vận động viên bơi lội nổi tiếng người Singapore. Dù tuổi đời còn rất trẻ, anh chàng đã sở hữu hàng loạt thành tích "khủng" và được khán giả nước nhà kỳ vọng sẽ thay thế Joseph Schooling để trở thành niềm tự hào mới của bơi lội Singapore.
Jessa Khan đòi lại vị trí số 1 Jiujitsu Đông Nam Á
Đẳng cấp của Jessa Khan khiến cô dễ dàng có được tấm huy chương vàng SEA Games đầu tiên vào năm 2019 tại Philippines. Tuy nhiên, ở kì SEA Games 31 tại Việt Nam, Jessa Khan đã vượt quá 240 gram so với trọng lượng thi đấu cho phép ở hạng cân 48kg, qua đó bị loại tư cách thi đấu. Đây được xem là sự cố đáng tiếc nhất của thể thao Campuchia trong kì SEA Games 31.
Trở lại SEA Games 32, Jessa Khan sẽ thi đấu ở hạng cân 52kg hai nội dung Gi (có võ phục) và No-gi (không võ phục). Cô được kì vọng là cái tên dẫn đầu trong số các vận động viên mang thành tích cao nhất cho đoàn thể thao Campuchia ở kì đại hội đầu tiên diễn ra trên quê hương mình.
Ngày 7/5, Khan đã đánh bại võ sỹ Meggie Ochoa ở nội dung Newaza No-Gi hạng cân 52kg để giành tấm HCV trước sự cổ vũ của đông đảo CĐV chủ nhà. Võ sỹ mang 3 dòng máu đã không thể giấu nổi niềm hạnh phúc khi một lần nữa giành tấm HCV SEA Games. Mới chỉ trước đó vài hôm, Jessa Khan đã nhận thất bại ở những phút cuối cùng trong trận chung kết hạng dưới 52kg Gi.
Carlos Yulo tận hưởng phần thi cùng những người đồng đội
Chàng trai Manila 23 tuổi cao chỉ 1,5m từng 6 lần vô địch thế giới môn thể dục dụng cụ đã bảo vệ thành công vị trí số 1 nội dung toàn năng ở SEA Games 32. Đây là kỳ SEA Games thứ ba liên tiếp, tấm HCV toàn năng thuộc về Carlos Yulo, một trong số ít ngôi sao thể thao đẳng cấp thế giới tranh tài.
Tuy nhiên, nội dung đồng đội mới là điều đặc biệt nhất đối với cá nhân Yulo:
"Có một sự khác biệt rất lớn so với phần thi cá nhân. Bầu không khí của toàn đội khiến tôi cảm thấy vô cùng phấn khích, tôi thực sự yêu thích cảm giác này.
Ban đầu, tôi đã hết sức lo sợ. Thậm chí, chân tôi còn run bần bật nhưng thật may là tôi đã kiểm soát được. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi thực hiện thành công phần thi của mình."
Những thành viên trong đội tuyển thể dục dụng cụ Philippines không chỉ là những người đồng đội, mà còn là những người anh em thân thiết.
"Chúng tôi không chỉ đơn thuần là một đội," Juancho Miguel Eserio chia sẻ: "Chúng tôi giống như một gia đình, tất cả đều coi nhau như những người anh em. Chúng tôi đã gắn bó với nhau khi mới lên 7 tuổi."