Quyết tâm tìm độc lập của xứ Catalan: Barca & Tây Ban Nha nổi phong ba
18 tháng đầy biến số
Vào Chủ nhật 27/9 vừa qua, bên ủng hộ ly khai Tây Ban Nha đã chiếm ưu thế trong cuộc bỏ phiếu bầu của nghị viện Catalan. Các đảng chủ trương độc lập như Junts pel Si chiếm 40% số phiếu và 62 ghế trong nghị viện Catalan, còn CUP giành 10 trong tổng số 135 ghế. Như vậy, dù với chỉ hơn 90% số phiếu bầu hợp lệ nên giành được chưa tới 48% tổng số phiếu bầu của cử tri nhưng dựa vào số ghế áp đảo trong nghị viện, hai đảng này cho rằng họ có quyền đơn phương tuyên bố độc lập khỏi TBN trong vòng 18 tháng.
Tuy nhiên, chính quyền trung ương ở Madrid khẳng định sẽ ngăn chặn tiến trình này. Vì nếu tách khỏi TBN, Catalan có thể tạo hiệu ứng domino cho các xứ Basque và Galicia cũng đang có phong trào đòi độc lập. Đấy là chưa kể các vùng nói tiếng Catalan như quần đảo Balearic và Valencia sẽ không ngại sắm vai “nổi dậy”. Nhưng theo đánh giá của quốc tế, khả năng thành công của Madrid không thấp, vì người Catalan rõ ràng chưa nhất trí về việc có nên tách khỏi TBN hay không.
Một khi Catalan ly khai
Nhưng giả sử như Catalan ly khai thành công, đấy chính là ngày La Liga phải loại cả Barcelona lẫn Espanyol cùng một loạt CLB nhỏ của xứ này đang đá ở các giải hạng Nhì và hạng Ba… Chủ tịch La Liga, Javier Tebas vừa xác nhận viễn cảnh ấy khi tuyên bố: “Nếu TBN bị chia tách, La Liga cũng phải giống vậy. Bởi lẽ, làm gì có chuyện xứ Catalan giành độc lập mà CLB của họ còn muốn dự giải của LĐBĐ TBN”. Còn suy nghĩ khác mà Tebas ắt hẳn chưa tiện nói: “Cực khó đảm bảo an ninh cho các trận đấu liên quan tới Barca, nhất là ở Nou Camp”.
Đồng thời, thật khó tin cả Barca lẫn Espanyol còn có mặt mũi nào để xin được ở lại La Liga. Tuy nhiên, toan tính học đòi Monaco cũng rất khó, cho dù Xavier Trias -Thị trưởng thành phố Barcelona từng kiến nghị đội nhà chuyển tới Ligue 1. Đơn giản vì ngay cả khi được Pháp đón nhận, Barca nhiều khả năng phải xuất phát từ hạng đấu thấp hơn. Hiện còn có ý tưởng để Barca sang Premier League, nhưng như vậy, mọi trận đấu có liên quan tới Barca đều vừa là cực hình đối với chính họ, đồng thời cũng là ác mộng với mọi đối thủ do phải vượt biển đá.
Ảnh hưởng đối với “Bò tót”
Tất nhiên, mất Barca cũng chưa hẳn là chuyện tốt đối với bóng đá TBN. Trước hết là La Liga do không còn El Clasico huyền thoại. Tổn thất này chắc chắn sẽ tác động tới giá bán bản quyền truyền hình trong tương lai. Song song đó, không có Barca nghĩa là La Liga mất một “đại tướng” ở Champions League, ảnh hưởng tới số suất dự giải này. Ngoài ra, La Liga chẳng khác nào mất một chân trong cuộc đua 100m tranh quyền trở thành giải VĐQG giàu có và hấp dẫn nhất hành tinh với Premier League.
Catalan ly khai cũng có nghĩa sức mạnh của tuyển TBN giảm rất nhiều. Vì chẳng phải ngẫu nhiên mà khi bình luận về ngôi VĐTG đầu tiên của xứ sở “đấu bò” năm 2010, huyền thoại Pháp Eric Cantona từng tuyên bố: “TBN chưa vô địch World Cup. Mới có Catalan làm được điều đó”. Giờ đây, khi buộc phải chọn lại ĐTQG, các cầu thủ Catalan thật khó có thể tiếp tục khoác áo các nhà ĐKVĐ châu Âu trong bầu không khí như hiện nay. Thậm chí chưa cần Catalan chính thức ly khai, cuộc bỏ phiếu cuối tuần qua chắc chắn đang khiến ban huấn luyện TBN cảm thấy khó thở trên đường tới EURO 2016.
Barca tổn thất thế nào
Về phần Barca, tổn thất cũng rất lớn do mất hẳn khoản thu nhập lớn lao từ bản quyền truyền hình của La Liga. Đấy là chưa kể khi phải đá ở giải VĐQG bèo nhèo của xứ Catalan, Barca còn có thể giữ lại bao nhiêu nhà tài trợ và NHM hiện nay? Chất lượng đội bóng chắc chắn cũng phải rớt thê thảm do thật khó tin rằng các ngôi sao hàng đầu thế giới như Neymar và Luis Suarez còn sẵn lòng thi đấu ở giải VĐQG mà suốt mùa có lẽ chỉ được đúng 2 trận đáng xem, khi Barca gặp Espanyol.
Ngoài ra, vì xứ Catalan còn phải xin và chờ UEFA công nhận là thành viên, Barca có nguy cơ vắng bóng ở Champions League một thời gian, đồng nghĩa với việc mất thêm tài trợ, bản quyền truyền hình cùng hàng loạt lợi nhuận khác. Lại thêm tác động từ giải VĐQG có tầm quá thấp, ngày mà Barca trở lại đấu trường châu lục chưa hẳn đơn giản như Man Utd thường được rèn giũa ở Premier League mà vẫn chịu không nổi PSV Eindhoven. Bởi lẽ, hiện vẫn còn nợ nần chồng chất, Barca sắp phải đối mặt với bài toán gần như không thể giải quyết được để vừa giảm nợ, vừa duy trì lực lượng như hiện nay. Điều này giải thích tại sao mới đây, tân Chủ tịch Josep Maria Bartomeu vừa tuyên bố Barca trung lập trong chiến dịch đòi ly khai TBN của người Catalan.
Minh Châu