Bi hài chuyện giặt giũ ở Australian Open
Một trường hợp như vậy mới xảy ra tại Australian Open khi cây vợt người Pháp là Caroline Garcia sau khi nhận túi đồ mang đi giặt của mình mới phát hiện ra rằng, đồ bên trong thuộc về cây vợt người Australia là Daria Gavrilova.
“Những chuyện như vậy vẫn xảy ra luôn tại một giải đấu,” Garcia cho biết. “Đôi lúc, đấy là thảm họa thực sự.”
Không quá lời nếu ví rằng, các giải quần vợt, đặc biệt là Grand Slam, giống như một ngôi làng nhỏ trong 3 tuần liền mỗi năm. Hàng đoàn xe chở các cây vợt và quan chức, những quán café mọc lên phục vụ đồ ăn và nước giải khát, hàng trăm cơ quan truyền thông thành lập các đại bản doanh.
Cùng với đó là dịch vụ giặt đồ cho các cây vợt. Chẳng hạn như ở Australian Open, phụ trách đội giặt giũ là Emily Martin, người đã có 15 năm phục vụ các cây vợt. Nhiệm vụ của họ là lấy đồ trong phòng thay với mỗi túi đều có in tên của cây vợt trên đó, ba lẫn mỗi ngày và đưa ra xe tải rồi hướng về một địa điểm cách đó 30 phút.
“Họ bắt đầu từ lúc 6 giờ sáng và kết thúc công việc lúc 8-9 giờ tối,” Martin chia sẻ. “Đây giống như một nhà máy và quần áo đều giặt bằng dây chuyền công nghiệp.”
Ở 4 giải Grand Slam, dịch vụ giặt đồ cho các cây vợt là miễn phí, ban tổ chức tự trả, nhưng điều này không có nghĩa là không có sai sót. Đồ đạc mất, hỏng hoặc nhầm sang túi của cây vợt khác vẫn thường xảy ra. Theo Maria Sharapova, chỉ 45 phút và cô đã nhận về hai chiếc quần lót không phải là của mình. Thay vào đó là những chiếc quần da báo của một cây vợt nam nào đó.
Trong trường hợp này, túi đồ sẽ được gửi trả lại cho Martin và đội của bà. Họ sẽ phải rà soát lại danh sách để tìm xem đã nhầm ở khâu nào và cố gắng trả đúng đồ cho các cây vợt.
Thậm chí, vật dụng thất lạc đôi khi là chai nước, điện thoại, thẻ tín dụng hay hộ chiếc mà một vài cây vợt đã bỏ quên trong túi đồ của mình.
Dĩ nhiên, thường thì mỗi cây vợt có từ 6-8 bộ đồ để thay khi tham dự một giải Grand Slam. Đây là những bộ đồ được nhà tài trợ trang phục cung cấp trong hai tuần thi đấu. Nhìn qua thì số lượng có vẻ nhiều nhưng trong một ngày nóng nực như ở Australian Open, một cây vợt có thể phải thay 2-3 bộ trong một trận đấu.
Điều này cũng giải thích tại sao phần lớn đều cần tới dịch vụ giặt đồ và số còn lại là không. Chẳng hạn như cây vợt người Mỹ là Denis Kudla, xếp hạng 69 thế giới, tự làm điều đó chỉ đơn giản vì anh thấy không cần tới dịch vụ bên ngoài. Hay ở những giải nhỏ thuộc hệ thống Challenger không bao giờ có một dịch vụ như vậy và các cây vợt hoặc là tự giặt, hoặc là nhờ khách sạn phục vụ nếu như họ sẵn sàng bỏ ra 10 USD cho một chiếc áo và 5 USD cho một chiếc quần.
Theo thống kê thì ở một giải Grand Slam như Australian Open, trung bình mỗi ngày có 180 túi đồ cần giặt và trong khoảng 3 tuần là 16-22 tấn đồ.
Và công việc của Martin và đội của bà chỉ thực sự dễ thở vào ngày cuối cùng, khi họ chờ hai túi đồ của các cây vợt lọt vào chung kết của giải nam.
Vậy còn hai chiếc quần lót da báo của nam đã chui vào túi của Sharapova? Theo Martin, họ đã tìm thấy đúng chủ nhân của những chiếc quần này và cũng tìm lại được hai chiếc quần thất lạc của cây vợt người Nga.