Bỏ Roland Garros, sao tennis Naomi Osaka vẫn không được đối xử đặc biệt ở Wimbledon!
Sau khi bỏ giải Roland Garros 2021 do không muốn dự họp báo bởi lo sợ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần, Naomi Osaka nhiều khả năng vắng mặt ở Wimbledon diễn ra từ 28/6-11/7 do BTC giải thông báo không vì sự việc ở Pháp Mở rộng mà có sự chiếu cố đặc biệt dành cho tay vợt nữ số 2 thế giới.
Trước đó, tay vợt Nhật trưởng thành tại Mỹ giải thích nguyên nhân cô không muốn họp báo do bị trầm cảm từ lúc vô địch US Open 2018. Dù vậy, cô vẫn bị BTC Roland Garros 2021 phạt tiền và BTC 4 giải Grand Slam đe dọa cấm thi đấu.
Xem ra BTC 4 Grand Slam kiên quyết không thay đổi thái độ với Naomi Osaka nên dù tên cô vẫn có trong danh sách dự Wimbledon, sao nữ này có dự Grand Slam sân cỏ hay không thì cần chờ vài ngày tới mới biết.
Nếu Naomi Osaka quyết định ở nhà thì miễn bàn, nhưng nếu cô muốn tới Anh thì cần biết rằng BTC Wimbledon sẽ không dành cho cô bất cứ sự đối xử đặc biệt nào, nghĩa là tay vợt này vẫn buộc phải dự họp báo như mọi đồng nghiệp khác khi thi đấu.
BTC Wimbledon giải thích: "Thay đổi nên đến qua lăng kính duy trì một sân chơi công bằng, bất kể thứ hạng hay trạng thái. Chúng tôi dự định làm việc cùng với các tay vợt, các BTC Tour, các phương tiện truyền thông và cộng đồng quần vợt rộng lớn hơn để tạo ra những cải tiến có ý nghĩa."
Trước việc BTC Wimbledon không có ý định nhượng bộ với Naomi Osaka, truyền thông Anh tin rằng khả năng cô dự Grand Slam sân cỏ ngày càng giảm.
Cùng lúc đó, có thông tin WTA sẽ bảo lưu vị trí số 2 thế giới của Naomi Osaka nếu cô không thi đấu trong hơn 8 tuần.
Một chút an ủi cho Naomi Osaka là Ủy ban Olympic quốc tế IOC tuyên bố không buộc VĐVphải dự họp báo tại Olympic Tokyo 2020 trên quê hương cô.
Tokyo 2020 sẽ là lần đầu Naomi Osaka dự Olympic và cô được xem như niềm hy vọng vàng của chủ nhà Nhật.
Khi biết tin Naomi Osaka bỏ Roland Garros do không chịu được áp lực từ truyền thông, cựu sao Boris Becker lo lắng thế giới tennis sẽ mất tài năng này vĩnh viễn: "Cô ấy không thích ứng nổi áp lực khi đối mặt truyền thông, nhất là lúc thua trận. Vậy là không ổn. Tôi ghét truyền thông, tôi không thích nói chuyện với nhà báo, nhưng tôi vẫn phải chịu đựng.
Nay cô ấy bảo rằng cô ấy bỏ giải Roland Garros do không thích ứng được điều đó. Tôi đang tự hỏi rằng nếu cô ấy không thể đối mặt với truyền thông tại Paris, vậy cô ấy cũng không thể đối mặt với truyền thông ở Wimbledon, cô ấy cũng không thể đối mặt với truyền thông tại US Open. Tôi cảm thấy sự nghiệp của cô ấy đang bị đe dọa nghiêm trọng do các vấn đề về sức khỏe tâm thần."
Judy Murray - mẹ của sao tennis Anh Sir Andy Murray - cho biết bà thông cảm với Naomi Osaka và hiểu được tại sao cô lo sợ khi đối mặt truyền thông. Bà cho biết ngay hồi 19 tuổi, Sir Andy đã phải tham dự khóa học cách ứng xử trong phòng họp báo, nhưng không phải tay vợt nào cũng có điều kiện tài chính để làm điều giống vậy.
“Hầu hết tất cả những vận động viên từng phải khốn đốn với chứng trầm cảm hoặc lo lắng đều nói rằng điều đó xảy ra khi họ trở thành nổi tiếng, lúc họ lên đến đỉnh cao," bà Judy Murray viết trên một tờ nhật báo hàng đầu của Anh. "Họ tuyệt đối sợ truyền thông, mặc dù trả lời phỏng vấn là một phần của việc trở thành VĐV hàng đầu.
Sợ đối mặt với báo chí, sợ bị vấp bởi một câu hỏi lắt léo, sợ bị troll trên mạng xã hội, sợ mất quyền riêng tư; những yếu tố buộc phải đối mặt trong công việc này là một nguyên nhân gây căng thẳng đang bị xem nhẹ.
Bạn biết có bao nhiêu người trẻ tuổi có thể thoải mái trò chuyện hoặc bị tra hỏi trong một phòng đầy người lạ lớn tuổi? Thật khó cho bất kỳ VĐV trẻ nào, đặc biệt là với các cô gái. Họ nhìn lên và thấy hàng chục người đàn ông trung niên - những người mà họ không quen biết mà lại còn thiếu hiểu biết về trò chơi.
Khi bạn bước vào phòng phỏng vấn, có rất nhiều cạm bẫy tiềm ẩn. Nếu vừa giành chiến thắng, bạn rất phấn khích và cảm giác có nguy cơ vuột mất sự thoải mái cùng hạnh phúc, lại còn chuốc lấy rắc rối.
Nhưng nếu vừa thua, tình hình càng tệ hơn. Bạn có nhiều khả năng trở nên khó chịu hoặc căng thẳng trước một câu hỏi khiêu khích. Và tất cả chúng ta đều biết rằng sự tức giận, sợ hãi, thù hận cùng những lời đàm tiếu sẽ tạo nên những câu chuyện hấp dẫn!".
Đón xem trực tiếp Giải quần vợt Roland Garros 2021 trên HTV.