Cảm phục trước tay vợt khuyết tật với điểm số đầu tiên của ATP
Alex Hunt chỉ là tay vợt xếp hạng 49 của quần vợt New Zealand, song với cả thế giới ATP Tour, anh là tay vợt thuộc hạng độc nhất hiện nay!
Ở giải F1 Men’s Futures đang diễn ra tại Guam tuần này, tay vợt 23 tuổi Alex Hunt đã có trận thắng chuyên nghiệp đầu tiên khi vượt qua Christopher Cajigan với tỷ số… 6-0, 6-0 chỉ trong vòng 48 phút thi đấu.
Không phải điều gì quá đặc biệt khi một tay vợt có được chiến thắng tại một giải đấu thuộc hệ thống Men’s Futures, cũng không phải chuyện hiếm khi tay vợt thua cuộc không giành nổi 1 game nào. Thế nhưng với Alex Hunt và cả ATP, đó lại là trận đấu cực kỳ ý nghĩa.
Bởi Hunt là một tay vợt khuyết tật! Với 1 điểm giành được sau trận thắng vừa qua, anh đã có được điểm số đầu tiên trên BXH ATP, đồng nghĩa với một thứ hạng chính thức trong làng quần vợt chuyên nghiệp.
Sinh ra với cánh tay trái chỉ còn một nửa và phải sử dụng cánh tay giả, nhưng Hunt chưa bao giờ để khiếm khuyết đó dập tắt đam mê quần vợt vốn đã tồn tại trong gene của anh.
“Cả gia đình tôi chơi quần vợt, bởi vậy tôi được làm quen với trái banh nỉ từ khi còn là một đứa trẻ”, Hunt chia sẻ: “Tôi bắt đầu chơi năm lên 3 và dành tình yêu cho môn thể thao này từ đó”.
Khi còn thi đấu ở giải trẻ, thứ hạng cao nhất Hunt đạt được là vị trí 795 thế giới trước khi nhận học bổng quần vợt của trường cao đẳng Saint Mary ở Mỹ. Tay vợt 23 tuổi vừa tốt nghiệp vào tháng 5 vừa qua và giải F1 Futures ở Guam mới là giải đấu chuyên nghiệp thứ 2 của anh sau F1 Thailand Futures.
“Tôi theo đuổi tennis vì giấc mơ của tôi là giành thật nhiều điểm số trên BXH và đi khắp thế giới để chơi môn thể thao mình đam mê”, Hunt nói: “Tôi cũng muốn cho những người khuyết tật thấy rằng không gì là không thể”.
Đáng chú ý khi Hunt không có HLV riêng cũng như nhà tài trợ nào: “Điều đó khiến tôi càng phải cố gắng tận dụng từng trận đấu để quan sát, học hỏi những tay vợt khác. Tôi cũng hoàn toàn tự bỏ tiền túi để thi đấu”.
Nhằm khắc phục khó khăn về tài chính, Hunt thậm chí đã lên mạng kêu gọi mọi người ủng hộ mình để anh có tiền trang trải các chuyến đi, ăn nghỉ, phí tham dự cũng như vợt, giày thi đấu. Trong khi chờ sự trợ giúp từ bên ngoài, Hunt đã nghĩ ra cách giảm bớt chi phí thi đấu rất sáng tạo.
“Tôi vẫn giữ liên lạc với bạn bè trong 4 năm học ở Mỹ”, Hunt cho biết anh thường nhờ những người bạn tại trường cũ Saint Marry hiện sinh sống khắp nơi cho… ở cùng khi du đấu: “Bạn phải tận dụng mọi mối quan hệ và giảm thiểu chi phí hết sức có thể. Thật tốt khi tôi có những người bạn tuyệt vời ở khắp nơi”.
Giờ đây, giấc mơ lớn nhất của Hunt là ngày nào đó được thi đấu tại Grand Slam dẫu biết hành trình phía trước còn vô vàn khó khăn. Nhưng quan trọng hơn, Hunt mong muốn hình ảnh của anh sẽ tạo thêm động lực cho tất cả mọi người để vượt qua những thử thách trong cả thể thao và cuộc sống.
“Tôi hy vọng mình có thể truyền cảm hứng cho các em nhỏ hoặc những người khuyết tật khác. Các bạn không việc gì phải lo lắng, các bạn có thể sống một cuộc sống bình thường”, Hunt bộc bạch.
Video tay vợt khuyết tật Alex Hunt tập luyện