Chuyện tiền thưởng một trời một vực đang làm khó các tay vợt trẻ
Trong khi các giải Grand Slam tăng mạnh tiền thưởng thì ở những giải đấu thấp hơn, sồ tiền nhận được của mỗi tay vợt sau mỗi cuộc thi đấu gần như không thay đổi trong thời gian dài.
US Open 2017 sẽ trở thành giải đấu quần vợt đầu tiền có tổng số tiền thưởng vượt mốc 50 triệu USD. So với năm 2016, tiền thưởng đã tăng thêm 4 triệu USD (khoảng 9%), trong đó vòng đấu loại tăng mạnh nhất với gần 3 triệu USD (49,2%).
Chỉ cần vào đến vòng 1, tay vợt đó cũng sẽ bỏ túi 50.000 USD. Ở 3 giải Grand Slam còn lại, tiền thưởng cho tay vợt bại trận ở vòng 1 cũng không hề thấp, ở Australian Open, Roland Garros và Wimbledon lần lượt là 36.000 USD, 40.700 USD và 45.350 USD.
Gần đây, ATP thông báo tiền thưởng cho Masters 1000 và ATP 500 sẽ tiếp tục tăng thêm 50% và 54% trong năm 2018, còn các giải ATP 250 chỉ tăng thêm gần 6% so với năm nay.
Thực tế việc thưởng lớn như vậy vẫn chỉ tập trung ở những giải đấu hàng đầu. Còn điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát, tiền thưởng của hệ thống Challenger Tour thậm chí còn giảm khoảng 25% trong 6 năm qua.
Trong khi tiền thưởng của US Open tăng hơn 400% kể từ năm 1990 thì các tay vợt tham dự giải Challenger gần như chỉ nhận khoản thưởng không đổi từ năm 1993. Nếu bị loại sớm ở những vòng đầu tiên, số tiền tay vợt thi đấu ở giải Challenger nhận được chỉ khoảng 500-1.000 USD.
“Để dư ra một khoản tiền sau giải, bạn ít nhất cũng phải vào đến bán kết”, tay vợt từng đứng hạng 35 thế giới Benjamin Becker nói: “Nên nhớ rất nhiều giải Challenger không hỗ trợ chi phí, bạn phải tự bỏ tiền di chuyển, ăn ở và những dịch vụ khác”.
Sự chênh lệch lớn về tiền thưởng giữa giải lớn và giải nhỏ, giữa những trận đầu tiên và các vòng xa hơn đang tạo ra một số hệ quả. Điển hình như tại Wimbledon vừa qua, không ít tay vợt tảng lờ chấn thương đã gặp từ trước để bước ra sân thi đấu và lĩnh thưởng.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng tiền thưởng thấp ở vòng ngoài sẽ khiến quần vợt giảm bớt sự thu hút và động lực với những tay vợt trẻ. Khi mà những “cựu binh” vẫn đang thống trị làng quần vợt, cơ hội để những tay vợt có tiềm năng thể hiện là không nhiều.
Theo tính toán của Hiệp hội Quần vợt Anh, chi phí để đào tạo một tay vợt từ lúc 5 tuổi cho đến 18 tuổi mất hơn 300.000 USD. Trong khi đó, Liên đoàn Quần vợt quốc tế (ITF) ước tính chi phí hàng năm cho một tay vợt nam và nữ chuyên nghiệp khoảng 40.000 USD chưa kể tiền thuê HLV.
Vì thế, sự hỗ trợ từ gia đình, nhà tài trợ hay liên đoàn quốc gia ngày càng trở nên quan trọng, song các chuyên gia cũng lo ngại điều này có thể khiến tay vợt trẻ gặp gánh nặng tâm lý, áp lực khi tập luyện cũng như thi đấu.
Trong cuộc khảo sát gần đây với hơn 7.500 tay vợt trên khắp thế giới, ITF phát hiện chỉ có gần 6% tay vợt nữ và 5% tay vợt nam nói rằng số tiền thưởng từ việc thi đấu đủ giúp họ trang trải các chi phí trong sự nghiệp.
Rõ ràng khoảng cách lớn về tiền thưởng, thu nhập giữa các tay vợt hàng đầu và phần còn lại là vấn đề quần vợt không thể xem nhẹ, bởi khi đó những tiêu cực có thể xuất hiện. Không nói đâu xa, 3 trận đấu tại Wimbledon 2017 đang bị điều tra vì có dấu hiệu dàn xếp tỷ số.
Trong thời gian tới, BTC Grand Slam, ATP, WTA và cả ITF có lẽ sẽ cần ngồi lại với nhau để đưa ra một lộ trình tăng thưởng hợp lý và đồng đều hơn giữa các hệ thống giải đấu, thay vì chỉ tập trung vào những tour đấu hàng đầu - nơi mà những tay vợt đủ quyền tham dự vốn đã thuận lợi hơn về tài chính so với các đồng nghiệp khác chỉ thường thi đấu ở những giải nhỏ.
Theo thống kê của ATP, tay vợt số 1 Việt Nam Lý Hoàng Nam hiện có 19.538 USD tiền thưởng ở cả nội dung đơn và đôi. Gần đây tại giải Thái Lan F3 Futures thuộc hệ thống Men's Futures, Hoàng Nam đã giành chức vô địch đơn và được thưởng 2.160 USD.
Tay vợt 20 tuổi hiện vẫn đang nhận được sự đầu tư toàn diện từ đơn vị Becamex và rõ ràng nó giúp ích rất nhiều để Hoàng Nam đi khắp nơi thi đấu tích lũy kinh nghiệm, điểm số.