"Đằng sau cây vợt" hay mặt tối của tennis
Quần vợt có vẻ ngoài thật hào nhoáng. Những cây vợt sáng bóng. Những sân đấu tuyệt đẹp, Wimbledon có cả sự hiện diện của Hoàng gia. Australian Open hoặc US Open có giải thưởng thật hào phóng. Nhưng mới đây trên trang Instagram, một tài khoản được thiết lập với cái tên "Đằng sau cây vợt" đã cho thấy hóa ra, quần vợt còn có những mặt tối của nó.
Những mẩu chuyện kể trên "Đằng sau cây vợt" bộc lộ hết tất cả gam màu tối của tennis thông qua lời kể của chính người trong cuộc. Qua đó, người hâm mộ cảm nhận rõ những vất vả của các tay vợt khi đối mặt từ chứng rối loạn tiêu hóa, trầm cảm cho tới chấn thương nặng và khủng hoảng tài chính chỉ để nhằm vươn tới đỉnh cao.
Người chủ xị "Đằng sau cây vợt" cũng có thể xem như một nạn nhân của quần vợt: Tài năng Mỹ 23 tuổi Noah Rubin hiện đứng ngay ngoài rìa Top 200 thế giới. Hồi 18 tuổi, anh từng vô địch đơn nam Trẻ Wimbledon. Sở dĩ sáng lập "Đằng sau cây vợt" là do anh thấy các đồng nghiệp chịu rất nhiều áp lực, trầm cảm là bệnh phổ biến nhất, chưa kể còn nghiện rượu và chất kích thích... nên cần có nơi để giải tỏa.
Bên cạnh đó, ngoài cảm giác cô đơn và khó chịu do thất bại liên tục, các tay vợt còn bị 11 tháng thi đấu tàn phá cơ thể. Noah Rubin phân tích: "Nếu không vào được Top 50 (thứ hạng được vào thẳng vòng đấu chính các Grand Slam) thì mọi người đều cố gắng giành càng nhiều điểm càng tốt. Vậy là họ phải chơi quá nhiều. Điều đó chỉ khiến họ tự làm tổn thương mình nhiều hơn."
Noah Rubin còn cho biết là dù hiện nay tiền thưởng ở các giải tăng lên nhiều, nhưng thật ra thì những người ngoài Top 100 hầu như không hòa vốn khi dự giải do chi phí đi lại, ăn ở và thuê ban huấn luyện - nhu cầu cuối cùng này thường vượt ngoài tầm với của những tay vợt mới vào nghề.
Đồng thời, anh còn lo lắng cho quần vợt đang có xu thế lụi tàn vì những trận hay nhất trong năm thường ở các chung kết Grand Slam, nhưng thường kéo dài 5 set nên các fan trẻ tuổi có thể không đủ kiên nhẫn để ngồi xem trọn vẹn 4-5 giờ.
Có không ít tay vợt đã vào mục "Đằng sau cây vợt" để chia sẻ nỗi niềm với nhau. Một trong số đó là tay vợt nữ 20 tuổi người Anh Katie Swan hạng 233 thế giới. Katie Swan chia sẻ rằng cô từng mong năm 2019 sẽ khác sau năm 2018 đầy đau thương với 1 thành viên trong đội ngũ mất vợ do ung thư và bạn trai của cô suýt chết do sốt rét, khiến cô mất rất nhiều thời gian cho cuộc sống đời thường.
Madison Keys, tay vợt nữ 24 tuổi người Mỹ từng vào chung kết US Open thú nhận cô từng phải chống lại chứng rối loạn ăn uống khi còn nhỏ. Để giảm cân, cô phải sống với 3 thành 100 calo mỗi ngày. Cô đã sống như vậy gần 2 năm nên không bất ngờ khi từng bị trầm cảm.
"Tôi hoàn toàn gạt bỏ bạn bè và mẹ ra khỏi cuộc sống của mình. Tôi cảm thấy mình như đeo mặc nạ để vượt qua từng ngày, hy vọng không ai hỏi tôi đang làm gì. Tôi trở thành siêu hoang tưởng do muốn giữ bí mật về việc giảm cân mà không muốn ai lo lắng," Madison Keys nhớ lại. Đến khi nhận ra hành động của mình chỉ là tổn thương người thân, Madison Keys tìm cách kiểm soát việc ăn uống và mở lòng ra với mọi người.
Về phần tay vợt 25 tuổi người Mỹ Jared Hiltzik đang có hạng 498 thế giới, anh chia sẻ khó khăn tài chính mà gia đình phải chịu để anh thỏa mãn đam mê quần vợt. Anh cho biết mẹ mình bị ung thư 3 lần trong lúc anh lớn lên và tự hỏi không biết cha mẹ có hạnh phúc hơn không nếu anh không chơi quần vợt.
"Họ đã hy sinh tất cả để 2 anh em tôi chơi quần vợt," Jared Hiltzik viết. "Tôi còn nhớ lúc về nhà khi mới là sinh viên năm nhất, chứng kiến gia đình luôn gặp khó khăn tài chính. Có lúc tôi rời nhà hẳn 6 giờ, ngồi trong xe mình ở bãi đậu xe chỉ để biết khóc nức nở do chẳng hiểu tại sao lại xảy ra chuyện này."
Hiện 21 tuổi, tay vợt Nga Andrey Rublev từng vươn tới hạng 31 thế giới và nay đứng thứ 38. Năm ngoái anh bị căng dây thần kinh ở lưng dưới nên không thể thi đấu trong 3 tháng. Anh thú nhận: "Đó là thời gian cực kỳ khó khăn khiến tôi trầm cảm. Tôi sinh ra để thi đấu, vậy mà bây giờ lại không thể. Đó là thời khắc bắt đầu bị trầm cảm."
Về phần Sachia Vickery - cô gái Mỹ 24 tuổi, quần vợt khiến cô cô đơn và túng quẫn. "Tôi có một hành trình rất khó khăn để đi đến hôm nay. Mẹ tôi di cư từ Guyana vào năm 1987 để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn. Khi tôi lớn lên, mẹ đang làm cùng lúc 3 công việc, nhưng bất chấp tất cả, bà vẫn duy trì cho tôi chơi quần vợt. Tôi buộc phải quen với việc đi thi đấu một mình. Và tôi phải thắng để có tiền dự giải đấu tiếp theo."
Hiện xếp hạng 166 thế giới sau kh từng vươn lên hạng 73, Sachia Vickery tiết lộ cô từng rơi vào đường cùng trước lúc giành chiến thắng ở giải vô địch Mỹ lứa 18 trên mặt sân cứng ở cả đơn lẫn đôi vào năm 2013.
"Nhờ đó tôi được đặc cách dự US Open ở cả đơn lẫn đôi," Sachia Vickery giải thích. "Trước trận chung kết, tôi thậm chí không đủ tiền để ăn bữa sáng. Tôi thử gọi điện về nhà cho mẹ để tìm biện pháp, nhưng điện thoại bị cắt vì nhà tôi chưa thanh toán hóa đơn.
Tôi lại không dám nói với ai do sợ bị gọi là "cô gái da đen tội nghiệp" hay "mục tiêu làm từ thiện". Tôi lo lắng tới mức đã nằm lì trong phòng tắm trước lúc thi đấu vì nếu thua, rất có thể sự nghiệp của tôi sẽ chấm dứt.
Sau khi chiến thắng, tôi được các HLV USTA, nhân viên và người hâm mộ... chúc mừng. Tôi bỗng tự nghĩ nếu họ biết trước đó 2 giờ tôi còn nằm khóc và tự hỏi tại sao không có ai đến giúp tôi. Tôi là tay vợt trẻ xuất sắc thứ 5 thế giới lúc đó, nhưng lại không đủ tiền mua bữa sáng ăn trước trận chung kết."