Djokovic bị Úc trục xuất, không bảo vệ ngôi vô địch tại giải tennis Australian Open 2022
Trưa chiều ngày 16/1/2022, Tòa án Liên bang ở Úc vừa bác đơn kháng cáo của Novak Djokovic về vụ bị trục xuất lần 2 ngay trước thềm Australian Open 2022. Phán quyết này có nghĩa tay vợt tennis nam số 1 thế giới sẽ không bảo vệ ngôi vô địch tại Úc mở rộng năm nay. Tuy nhiên, chính phủ Úc chưa cho biết Djokovic có bị cấm vào Úc 3 năm hay không.
Ước tính có hơn 83.000 người đã theo dõi quá trình tố tụng được Tòa án Liên bang phát trực tiếp vào lúc 11 giờ sáng. Được biết ban tổ chức Australian Open 2022 vừa đôn tay vợt Ý Salvatore Caruso lên trám chỗ Djokovic. Caruso hiện xếp hạng 150 thế giới, được đặc ân như "kẻ thua cuộc may mắn".
Djokovic cho biết anh "vô cùng thất vọng với phán quyết của Tòa án khi bác đơn xin xem xét lại của tôi về quyết định hủy visa của Bộ trưởng, đồng nghĩa với việc tôi không thể ở lại Úc và tham gia Australian Open”.
Nhưng lần này, Djokovic tuyên bố anh sẽ hợp tác với chính phủ. Tay vợt Serbia khẳng định: "Tôi tôn trọng phán quyết của Tòa án và tôi sẽ hợp tác với các cơ quan hữu quan liên quan đến việc tôi rời khỏi đất nước này".
Djokovic cũng kêu gọi mọi người hãy tập trung vào Úc mở rộng, thay cho vụ hộ chiếu của anh. Anh tâm sự: "Tôi không thoải mái khi tuần qua, mọi tập trung đều dồn vào tôi và tôi hy vọng rằng giờ đây, tất cả chúng ta có thể tập trung vào giải đấu (Úc mở rộng) mà tôi yêu thích. Tôi muốn chúc các tay vợt, các quan chức giải đấu, nhân viên, tình nguyện viên và người hâm mộ tất cả những điều tốt đẹp nhất tại giải đấu".
Sau khi các luật sư của chính phủ Úc cho rằng Djokovic sẽ trở thành một "biểu tượng" cho những người chống chính sách tiêm vaccine COVID-19, 3 thẩm phán cấp cao - chánh án James Allsop, chánh án Anthony Besanko và chánh án David O'Callaghan - nhất trí quyết định tay vợt Serbia không có căn cứ để chống lại lệnh trục xuất của Bộ trưởng Di trú Alex Hawke.
Chánh án Allsop cho biết ông xem Djokovic như "một ngôi sao thể thao mang tính biểu tượng đang nêu một tấm gương không nên để người khác noi theo". Ông tiết lộ: "Có một ví dụ được Bộ trưởng đưa vào trong quyết định này là nếu Djokovic vô địch Australian Open như từng làm trong quá khứ, anh ta sẽ trở thành tấm gương (chống tiêm vaccine) cho những người hâm mộ tennis trẻ và không quá trẻ".
Trước đó vào chiều thứ Sáu 14/1/2022, ông Hawke đã sử dụng quyền lực của mình để trục xuất Djokovic, bất chấp phán quyết của tòa án tuần trước có lợi cho tay vợt Serbia. Số 1 tennis nam thế giới được yêu cầu phải chứng minh trước tòa rằng ông Hawke đã hành động phi lý hoặc bất hợp lý về mặt pháp lý trong việc lựa chọn sử dụng quyền lực của mình.
Toàn bộ lý do cho quyết định trục xuất Djokovic sẽ được đưa ra trong những ngày tới. Quyết định nhất trí của các thẩm phán có nghĩa trong vòng vài giờ, Djokovic phải đáp chuyến bay trở lại Dubai, nơi cách nay gần 2 tuần anh đón chuyến bay của hãng Emirates đến Úc. Đồng thời, Djokovic cũng chịu trách nhiệm thanh toán các chi phí của chính phủ cho các thủ tục pháp lý.
Hiện là cố vấn Bộ trưởng, chính trị gia Stephen Lloyd tiết lộ nguyên nhân khiến Úc quyết tâm trục xuất Djokovic: "Bất kể như thế nào, anh ta bị xem như ủng hộ chống tiêm chủng". Ông Stephen Lloyd cũng lưu ý tỷ lệ tiêm chủng ở quê hương Serbia của Djokovic thấp hơn hẳn so với Úc, chứng tỏ ảnh hưởng xấu của tay vợt tennis này. Tại Úc, tỷ lệ tiêm chủng hiện đạt 92,5%. Ở Serbia, chưa đến 50% người được tiêm mũi 2. Do đó, Bộ trưởng lo ngại để Djokovic vào Úc sẽ tăng số người chống tiêm chủng ở xứ chuột túi.
Dẫn đầu đoàn luật sư của Djokovic, Nick Wood SC bác bỏ cáo buộc cho rằng tay vợt này "nổi tiếng về lập trường chống tiêm chủng". Luật sư này cho rằng Bộ trưởng chịu ảnh hưởng về những bình luận chống tiêm vaccine của Djokovic vào tháng 4/2020, nhưng tin tưởng đó không phải cơ sở phù hợp.
Các luật sư của Djokovic khẳng định tay vợt này "không phải chuyên gia (y tế)" nên chỉ muốn làm điều tốt nhất cho cơ thể, đồng thời tại tòa, Bộ trưởng chưa từng yêu cầu anh xác nhận quan điểm hiện nay về việc tiêm chủng. Ông Wood kết luận: “Bộ trưởng không được phép hủy bỏ thị thực dựa trên suy diễn không có bằng chứng từ trí tưởng tượng của ông ấy".
Tuy nhiên, ông Stephen Lloyd cho rằng quyết định của Bộ trưởng không dựa vào suy nghĩ của Djokovic, mà căn cứ vào ảnh hưởng của anh với công chúng Úc. Ông Stephen Lloyd phân tích: "Mọi người luôn sử dụng các vận động viên trình độ cao để thúc đẩy các ý tưởng. Cho dù Djokovic muốn hay không, mối liên hệ của anh ấy với vấn đề tiêm chủng luôn tồn tại".
Sau khi liệt kê một loạt ví dụ về việc Djokovic vi phạm quy định phòng chống COVID-19, ông Stephen Lloyd cáo buộc tay vợt Serbia là người "có tiền sử phớt lờ các biện pháp phòng chống dịch. Bộ trưởng cho rằng sự hiện diện của anh ấy ở Úc sẽ khuyến khích mọi người bắt chước sự coi thường rõ ràng của anh ấy đối với các biện pháp phòng chống bệnh".
Nhóm pháp lý của chính phủ cho biết những lý do trên thuộc phạm vi quyền hạn của Bộ trưởng để thực hiện quyền hủy bỏ thị thực. Đội ngũ pháp lý của Djokovic phải chứng minh quyết định này không hợp lý, hợp tình hay hợp pháp. Dù ông Wood đánh giá việc hủy visa của Bộ trưởng là "ác ý", họ không thể chỉ đơn giản lập luận rằng quyết định "tốt hơn" là cho phép anh ta ở lại.