Federer, Nadal trở thành huyền thoại nhờ… tập môn thể thao khác
Thay vì tập trung rèn luyện quần vợt từ khi còn nhỏ, Roger Federer hay Rafael Nadal đều chơi những môn thể thao khác và điều đó đã tạo nên sự khác biệt.
Để trở thành tay vợt xuất sắc nhất thế giới, nhiều ý kiến cho rằng VĐV đó cần được tập luyện với trái bóng từ lúc còn là cô cậu bé. Tuy nhiên, quan điểm này cũng không thật chính xác, đặc biệt với trường hợp của hai tượng đài Federer và Nadal.
Hãy nhìn vào Roger Federer, người được coi là tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử quần vợt. Federer không chơi tennis cho đến năm 8 tuổi. Thời điểm đó, những môn thể thao Federer tập luyện là cầu lông, bóng rổ và cricket.
Mẹ của Federer là người khuyến khích anh chơi nhiều môn thể thao trong khi còn là trẻ con, điều mà Federer đánh giá đã giúp anh phát triển toàn diện hơn: “Tôi cũng quan tâm nhiều môn thể thao khác, đặc biệt là những môn bóng”.
Tương tự Federer, cậu nhóc Rafael Nadal cũng hoạt động cả tay lẫn chân khi vừa chơi cả tennis lẫn bóng đá. “Vua đất nện” người Tây Ban Nha từng là tiền đạo thi đấu cho đội trẻ địa phương vô địch một giải cấp quốc gia.
Video Nadal thể hiện kỹ năng chơi bóng:
Thời điểm đầu, Nadal thực tế còn dành nhiều thời gian chơi bóng hơn quần vợt và từng đắn đo trong việc phải lựa chọn một môn thể thao để theo đuổi. Theo người chú Toni Nadal, Rafa không tập trung hoàn toàn cho tennis trước 12 tuổi.
“Khi Rafa 4-5 tuổi,cậu ấy dành 2 ngày/tuần đến câu lạc bộ và đá bóng. Cậu ấy luôn tỏ ra thích bóng đá hơn”, Toni trong một bài phỏng vấn với New York Times: “Cho đến năm 12 tuổi, Rafa dành thời gian cho bóng đá nhiều hơn quần vợt”.
Federer, Nadal hay cả ĐKVĐ Roland Garros, Jelena Ostapenko – một vũ công trước khi trở thành một tay vợt chuyên nghiệp, là những ví dụ ủng hộ cho luận điểm các tay vợt nói riêng và VĐV nói chung nên kết hợp nhiều môn thể thao khi còn nhỏ để mở rộng thêm kỹ năng.
Theo các chuyên gia của Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC), HLV và gia đình không nên tập trung cho con em chỉ tập trung một môn nào đó từ quá sớm. Nói cách khác, “chuyên môn hoá” một môn ngay từ đầu vì như vậy sẽ “hạn chế sự phát triển và khả năng vận động cũng như sự tư duy, phản xạ”.
Ngoài ra, một nghiên cứu của tổ chức AMSSM về sức khoẻ và thao tại Mỹ còn chỉ ra rằng: những đứa trẻ chỉ tập một môn thể thao có nguy cơ tích tụ và dính chấn thương cao hơn 50% so với thông thường.
Dĩ nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ. Điển hình là trường hợp của chị em nhà Williams khi cả Venus và Serena đều được ông bố, Richard, định hướng và cho tập luyện quần vợt từ rất sớm. Điều này cho thấy sự thành công còn phụ thuộc vào tố chất cá nhân và môi trường, sự trưởng thành mỗi VĐV.
Tuy nhiên, cựu HLV của Hiệp hội quần vợt chuyên nghiệp Mỹ (USPTA), tiến sĩ Nichole LaVoi tin rằng đó chỉ là số hiếm: “Có khoảng 0,001% số VĐV mà con đường thành công của họ giống như Serena, Venus hay Tiger Woods. Phần đông những đứa trẻ khác tương tự kiểu vậy nhưng không thể được như họ”.
Video Jelena Ostapenko thể hiện khả năng khiêu vũ: