Kerber thất bại tại Roland Garros: "Số 1" phải tầm sư học đạo?
Thay đổi lớn về phong cách đã giúp Kerber vươn tới đỉnh cao ở mùa giải năm ngoái, và giờ là lúc cô cần tiếp một sự biến chuyển tương tự để duy trì ngôi vị của mình.
Bất ngờ là một trong những yếu tố khiến thể thao trở nên khó đoán thu hút hơn. Nếu chỉ xét khía cạnh đó, vòng 1 Roland Garros đã thực sự hấp dẫn với cú sốc mang tên Angelique Kerber.
Đối mặt với tay vợt hạng 40 thế giới Ekaterina Makarova, Kerber đã lập nên kỷ lục không hề mong muốn với việc trở thành hạt giống số 1 đầu tiên trong lịch sử Roland Garros (kể từ Kỷ nguyên Mở) bị loại ngay ở vòng 1.
Vẫn biết Makarova không phải thử thách dễ chịu khi từng lọt vào bán kết Australian Open và US Open đơn nữ, vô địch đôi nữ Roland Garros và US Open cùng tấm HCV đánh đôi ở Olympic 2016, song việc Kerber gác vợt với tỷ số cách biệt 2-6, 2-6 vẫn là nỗi thất vọng lớn.
Thế nhưng với nhiều người, trong đó có lẽ bao gồm chính Kerber, đây là kết quả mà cô đã lường trước. Trước giải đấu, tay vợt số 1 thế giới từng chia sẻ: “Mọi người biết đất nện không phải mặt sân sở trường của tôi, bản thân tôi cũng thấy không có cảm giác tốt nhất trên mặt sân này”.
Quả thực, Kerber có bước chạy đà không tốt trước thềm Roland Garros. Ở 3 giải gần nhất, Kerber đều không thể đi quá vòng 3. Thậm chí tại Stuttgart và Rome, tay vợt người Đức còn thất bại ngay trận đầu tiên. Xa hơn nữa tại Roland Garros năm ngoái, Kerber cũng bị loại ở vòng 1.
Phong độ bất ổn cùng phần nào đó tâm lý “chưa đánh đã thua” khiến Kerber tiếp tục có một kỷ niệm buồn tại Paris. Sau trận đấu với Makarova, Kerber còn để lại nỗi lo lớn hơn khi người hâm mộ gần như không thấy sự bền bỉ vốn có của cô, thay vào đó là hình ảnh nhạt nhoà với tinh thần chấp nhận những gì đang diễn ra.
Trong 6 game đầu tiên, Makarova dễ dàng lấy 5 game. Sang set 2, Kerber cũng mất liền 2 break để đối thủ người Nga dẫn 3-0. Dù ít nhiều nỗ lực trở lại nhưng những sai lầm liên tiếp và việc phung phí cơ hội khiến Kerber gục ngã với tổng cộng 25 lỗi tự đánh hỏng (gần bằng số điểm winner của Makarova) và chỉ tận dụng được vỏn vẹn 2/16 cơ hội giành break (tỷ lệ 13%).
Lý giải thất bại, Kerber cho: “Tôi không thể trượt như ý. Di chuyển là điểm mạnh của tôi, nhưng sân đất nện luôn đem đến cảm giác khác biệt so với các mặt sân khác. Tôi luôn cảm thấy mình chậm 1 bước chân”.
Kể từ đầu năm tới nay, Kerber chưa có được danh hiệu nào và mới vào chung kết 1 giải đấu với phong độ kém xa năm ngoái khi cô giành 2 Grand Slam. Nhiều ý kiến cho rằng một phần nguyên nhân Kerbe đánh mất mình do ngôi vị số 1 thế giới với những áp lực và kỳ vọng vô hình. Vấn đề tương tự cũng đang xảy ra với Andy Murray.
“Tôi đang chơi thứ tennis kém chất lượng và phải làm gì đó thay đổi. Sắp tới sẽ là những tháng ngày khó khăn và đầy thử thách”, Kerber nói sau khi năm thứ 2 liên tiếp dừng bước ở vòng 1 Roland Garros.
Chưa rõ Kerber sẽ làm gì trong thời gian tới, còn theo Boris Becker – HLV cũ của Novak Djokovic, người có thể giúp tay vợt 29 tuổi lấy lại phong độ là cựu số 1 Steffi Graf.
“Nếu có ai từng rơi vào hoàn cảnh tương tự với những sức ép và gánh nặng của vị trí số 1, đó chắc hẳn là Steffi”, Becker đánh giá: “Những lời khuyên của cô ấy luôn hữu dụng và không bao giờ lỗi thời. Angie cần một động lực mới và có thể tìm thấy ở Steffi. Sự kết hợp giữa 2 tay vợt nữ xuất sắc nhất của Đức sẽ rất tuyệt vời”.
Quan điểm của Becker là giải pháp Kerber hoàn toàn có thể cân nhắc. Cô không cần phải sa thải HLV Torben Beltz, người đã nâng tầm lối chơi của mình, mà vẫn hợp tác với Graf như một cố vấn. Thực tế vào tháng 3 năm ngoái, Kerber cũng từng dành thời gian tập luyện cùng huyền thoại đồng hương, người đã giữ kỷ lục 22 Grand Slam trong thời gian dài trước khi để Serena Williams vượt qua.
Sau Roland Garros sẽ là mùa sân cỏ với giải đấu quan trọng nhất tại Wimbledon. Với Kerber, cô còn hơn 1 tháng nữa để tìm cách giải quyết những vấn đề hiện tại trước khi sẵn sàng tại All England Club, nơi cô đang là đương kim á quân.
Video Kerber thất bại trước Makarova ở vòng 1 Roland Garros: