Khám phá bí ẩn sân đất nện: Kiếm tiền từ bụi đỏ
Thể thao thời hiện đại phải gắn liền với thương mại hóa, đó là điều khó tránh khỏi. Và trong bài toán kinh doanh, một sự kiện thể thao có thành công hay không phụ thuộc vào “lời lãi” khi kết thúc giải đấu. Roland Garros cũng không nằm ngoài quy luật đó và ban tổ chức giải Grand Slam trên sân đất nện ở Paris ngày càng làm ăn phát đạt giống như 3 giải Grand Slam khác trong mùa giải!
Đó là lý do vì sao những tay vợt tham dự Roland Garros mỗi năm lại nhận số tiền thưởng cao hơn và năm này lại phá kỷ lục năm khác.
Roland Garros là giải Grand Slam “nhỏ bé” nhất nếu xét về quy mô của tổ hợp sân đấu hay các hoạt động dịch vụ. Nhưng cứ nhìn con số mà Liên đoàn quần vợt Pháp (FFT) thu về sau mỗi năm thì đủ biết mọi việc suôn sẻ như thế nào. Năm ngoái, Chủ tịch của FFT, Gilbert Ysern, cho biết doanh thu dự kiến tại Roland Garros 2014 là khoảng 210 triệu euro, trong đó có tới hơn 17 triệu euro bản quyền truyền hình. Con số thực tế có lẽ có hơn rất nhiều. Và minh chứng là Roland Garros cuối cùng cũng sẽ có mái che và những sân đấu có sức chứa lớn hơn, dù ban tổ chức sẽ phải bỏ ra khoảng hơn 400 triệu euro để xây dựng.
Cũng như những giải Grand Slam khác, người ta biến Roland Garros trở thành “cỗ máy” kiếm tiền hàng năm, chứ không đơn thuần chỉ là giải đấu để những ngôi sao tennis trình diễn. “Làng Roland Garros” được xây dựng từ năm 1979, mỗi năm mang về hàng chục triệu euro nhờ cho thuê gian hàng buôn bán và dịch vụ.
Và tất nhiên, một giải Grand Slam như Roland Garros không cần phải mời mọc quảng cáo mà những thương hiệu sẽ tự cạnh tranh nhau để được xuất hiện tại đây. Để màu xanh đặc trưng của mình xuất hiện ở mọi sân đấu tại Roland Garros, Ngân hàng quốc gia Paris – BNP Parisbas mỗi năm phải chi ra 20 triệu Euro cho FFT tính từ năm 1973. Và hãng xe Peugeot phải đáp ứng mọi nhu cầu đi lại của quan chức và các tay vợt tại Roland Garros từ năm 1984.
Trang phục ở Roland Garros cũng mang lại những bản hợp đồng béo bở cho FFT. Hãng Adidas là nơi bỏ ra kinh phí để xây dựng toàn bộ khu nhà hàng cho các tay vợt và cung cấp trang phục cho đội ngũ nhặt bóng cũng như nhân viên phục vụ. Còn trọng tài và thành viên ban tổ chức sẽ mặc đồ Lacoste.
Người ta có thể nghĩ những hạt bụi chẳng đáng giá gì trong cuộc sống này, nhưng ở Paris, người ta đã biết cách biến những hạt bụi đỏ trở thành “kim tiền”!
Roland Garros 2015 tiếp tục phá kỷ lục tiền thưởng trong lịch sử với tổng cộng 28 triệu euro, tăng hơn 3 triệu euro so với một năm trước. Nhà vô địch đơn nam và đơn nữ nhận 1,8 triệu euro mỗi người, tăng 150 nghìn euro so với năm 2014. Mọi tay vợt tham dự từ vòng loại cho tới vòng đấu chính đều có mức tiền thưởng cao hơn Roland Garros 2014.
LY NA