Tranh cãi về quốc tịch của Andy Murray: Thân này không thể xẻ làm đôi!
Là Anh hay Scotland cũng được miễn là thành công
Thực tế thì đây không phải là lần đầu tiên chủ đề Murray là cây vợt Anh hay Scotland được đề cập tới. Càng không khi trước và trong giai đoạn anh chuẩn bị và thi đấu ở chung kết Davis Cup. Bởi Anh và Scotland đều muốn anh khoác lên người những lá cờ của họ và khẳng định anh là của họ, dù tất cả biết rõ anh là một người Scotland thực thụ và biết rõ quần vợt là một môn thể thao cá nhân.
Thế nhưng, nếu quần vợt là một môn thể thao cá nhân và Murray có quyền lựa chọn anh sẽ thi đấu vì Scotland hay vì Anh? Phản ứng đầy cảm xúc của Murray trong các trận đấu ở Davis Cup lại cho thấy đội tuyển có một ý nghĩa như thế nào đối với anh. Thực tế, quốc gia của anh là một khái niệm mơ hồ - anh là một người Scotland nhưng anh từng phản đối Scotland độc lập, trước khi cho biết sẽ ủng hộ chiến dịch Scotland độc lập trước cuộc trưng cầu hồi năm ngoái nếu như anh bỏ phiếu. Và lúc này đây, anh đang cùng đội tuyển quần vợt Vương quốc Anh bước vào trận chung kết lớn nhất kể từ năm 1936.
Không còn là cuộc đối đầu giữa Scotland với Anh. Chỉ đơn giản là Murray đang được tận hưởng niềm vui của tinh thần đồng đội một lần nữa. Nói gì thì nói, năm 2015 này cũng đánh dấu 10 năm kể từ ngày anh ra mắt ở Davis Cup và ở tuổi 18, anh và David Sherwood đã có trận thắng trước cặp đôi được đánh giá cao hơn là Jonathan Erlich và Andy Ram của Israel. Kể từ đó, việc anh không chọn đánh đôi một phần là vì vướng bận với lịch thi đấu của ATP tour, một phần vì những đồng đội đã không cho thấy được một thái độ chuyên nghiệp như của anh.
Mọi chuyện chỉ thay đổi vào năm 2010 khi Hiệp hội quần vợt Anh (LTA) chỉ định Leon Smith là đội trưởng đội tuyển Davis Cup Vương quốc Anh. Đó là một quyết định vô cùng khôn ngoan bởi trong một thể thức thi đấu mà một cây vợt đẳng cấp có thể đưa cả đội tuyển tiến xa, thật dễ dàng nếu người đội trưởng đó hòa hợp với ngôi sao của họ. Và Smith thì từng huấn luyện cho Murray từ năm 11-15 tuổi và thế là đủ để tất cả biết rõ mối quan hệ của họ là chặt chẽ như thế nào.
Kể từ đó, những thành viên của đội tuyển Vương quốc Anh trở nên chuyên nghiệp hơn và tất cả họ đều học hỏi được nhiều điều từ việc tập cùng, ăn ngủ cùng với nhà vô địch Wimbledon năm 2013. Và sự hết mình của Murray với Davis Cup giống như nguồn động viên cho những ai muốn tìm kiếm vinh quang cùng với anh. Vì thế, dù chẳng ai từng một lần nghe đến Dan Evans, James Ward và Kyle Edmund, ít nhất họ cũng đã cùng Murray lọt vào chung kết Davis Cup, một trong những giải quần vợt uy tín nhất và lâu đời thế giới. Nó ra đời sớm hơn Australian Open tới 5 năm khi năm 1900, nhà vô địch của Mỹ là Dwight Davis tổ chức một cuộc thi giữa các cây vợt trẻ xuất sắc của Mỹ (Davis là một trong số đó) và những cây vợt nổi tiếng của Vương quốc Anh. Davis đã nhờ một thợ bạc làm cho chiếc Cúp hình chiếc bát đựng salad có khắc dòng chữ “International Lawn Tennis Challenge”. Và anh đã chơi trận đấu đầu tiên vào ngày 8/8/1900 khi đánh bại Ernest Black của Vương quốc Anh.
Chẳng bao lâu sau, tất cả đã biết đến Davis Cup. Khi người Anh chiến thắng năm 1903 và được quyền tổ chức giải năm 1904, người Mỹ không thể vượt bờ Đại Tây Dương được. Vì thế, các cây vợt của Pháp và Bỉ được mời thay thế. Bỉ giành quyền gặp Anh ở chung kết. Tuy nhiên, người Anh thắng 5-0 tại Wimbledon và tính ra, người Bỉ đã phải đợi 111 năm để phục thù ở Davis Cup.
Thắng thua không do màu cờ quyết định
Đối với nhiều cây vợt, Davis Cup là danh hiệu cao quý nhất sau các giải Grand Slam (Wimbledon, Australian, French và US Open). Chẳng hạn như khi Thụy Sĩ vô địch vào năm ngoái, Davis Cup là danh hiệu duy nhất còn thiếu trong bộ sưu tập của Roger Federer và cũng như vậy, nếu Murray chiến thắng, anh cũng sẽ có cảm giác tương tự. Thậm chí sẽ còn đặc biệt hơn vì đội tuyển Vương quốc Anh là đội tuyển-một người. Điều này là không sai nhưng cũng chẳng có gì là mới. Bjorn Borg một mình giúp Thụy Điển giành Davis Cup năm 1975, tương tự như vậy là Boris Becker cho đội tuyển Đức năm 1988 và 1989, Michael Stich cho Đức năm 1993, Pete Sampras với Mỹ năm 1995, và Ivan Ljubicic với Croatia năm 2005. Hay nếu trở về những năm 1930 khi vương quốc Anh lần cuối cùng giành Davis Cup, Fred Perry cũng đóng vai trò như Murray bây giờ. Mặc dù vậy, tất cả họ đều cần ít nhất một cây vợt hỗ trợ tốt.
Và giờ là tiếng nói lịch sử. Nếu người Anh có thể chờ nhà vô địch Wimbledon tới 77 năm kể từ Perry năm 1936 đến Murray năm 2013, họ cũng sẽ có cảm giác tương tự ở Davis Cup trong 79 năm qua. Đúng hơn, năm 1978, đội tuyển Vương quốc Anh với Buster Mottram, John Lloyd, David Lloyd và Mark Cox cũng đã lọt vào chung kết nhưng họ gặp phải đội tuyển Mỹ có John McEnroe. Kể từ đó, họ không qua nổi vòng 1 dù Tim Henman và Greg Rusedski ở đỉnh cao phong độ, chưa nói gì đến việc có mặt ở chung kết.
Vì thế, thành tích của Murray và đội tuyển Vương quốc Anh cho đến giờ là rất lớn. Nếu Murray có thể bổ sung chiến thắng ở Davis Cup vào tấm HCV Olympic, các danh hiệu US Open và Wimbledon, anh chắc chắn sẽ vượt qua Perry để trở thành cây vợt Vương quốc Anh vĩ đại nhất.
Sau cùng thì ý nghĩ Murray là người Anh khi anh thắng và người Scotland khi anh thua là không tồn tại sau công bố mới đây của Ben Dickson từ trường đại học Stirling ở… Scotland. Bởi dù báo chí Scotland nhắc đến Murray như là người Scotland nhiều gấp hai lần khi nhắc anh là người Anh hay báo chí Anh luôn nhắc Murray là người Scotland, còn báo lá cải xem anh là người Anh, không gì có thể thay đổi được kết quả các trận đấu.
Andy Murray sinh ở Glasgow, Scotland và từng được CLB bóng đá Rangers mời tập luyện nhưng anh từ chối để tập trung cho sự nghiệp quần vợt. Điều thú vị là dù mang trong mình dòng máu Scotland hay khoác lên người chiếc áo của đội tuyển Vương quốc Anh, thành công mà cây vợt số 2 thế giới có được là nhờ những tháng ngày tập luyện ở Barcelona. Murray đã vô địch US Open năm 2012, Wimbledon năm 2013 và giành HCV Olympic 2012.