Rafael Nadal và di sản còn mãi từ chú Toni
Khoảnh khắc nhận chiếc cúp danh dự từ BTC US Open cho những đóng góp giúp Rafael Nadal lần thứ 3 lên ngôi tại New York có lẽ là hình ảnh cuối của Toni Nadal ở một giải đấu lớn. Vì trên lý thuyết, US Open vừa qua là Grand Slam cuối cùng của Toni trên cương vị HLV chính cho người cháu Rafa.
Toni và Rafael Nadal đã trở thành bộ đôi độc nhất trong thế giới tennis hiện đại. Ông Toni là người chú và cũng là giáo viên đầu tiên của Rafael, dạy cậu bài học đầu tiên năm 3 tuổi tại hòn đảo quê nhà Mallorca. Toni đã dẫn dắt cậu cháu trai suốt 28 năm qua để rồi giờ đây, Rafa luôn được nhắc đến như một trong những tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại.
Gần 3 thập kỷ gắn bó với 1 HLV là việc làm không tưởng từ Nadal. Nhìn sang đại kình địch Roger Federer, đó là hành trình bước tới đỉnh cao hoàn toàn khác với vô số HLV: Peter Carter, Peter Lundgren, Tony Roche, Jose Higueras, Paul Annacone, Stefan Edberg và giờ là Ivan Ljubicic cùng Severin Luthi.
Không riêng Federer, hầu hết các tay vợt đều từng làm việc với nhiều HLV khác nhau, ở những giai đoạn khác nhau, đôi khi nằm ngoái lý do chuyên môn, mà vì muốn tạo ra làn gió mới, một động lực mới. Nhưng Toni và Rafael vẫn ở đó, sát cánh cùng nhau nếm trải vinh quang và cũng không ít đắng cay.
“Những gì Rafa đạt được trong sự nghiệp không phải do công lao của cá nhân tôi”, ông Toni nói: “Đó là bởi gia đình, không có gì hơn thế”.
Quả thực, ngoài truyền thống thể thao trong gia đình, đúng là sẽ khó khăn hơn khi sa thải chú của mình so với những HLV khác bên ngoài. Một điều thú vị khác là Rafa không hề trả lương trực tiếp cho Toni, nguồn kinh phí này tới từ công ty gia đình (vốn đã rất thịnh vượng trước khi Rafa trở thành ngôi sao) được điều hành bởi Sebastian, bố của Rafa.
Với một nền tảng vững chắc, ông Toni đã toàn tâm toàn ý sử dụng vai trò và kiến thức của mình để định hình, kiến tạo nên không chỉ “tay vợt Rafael Nadal” mà còn là “con người Rafael Nadal”. Nếu Nadal trên sân đấu sau tuổi 31 vẫn đuổi theo từng pha bóng với khao khát chẳng hề giảm đi so với độ tuổi đôi mươi, đó là bởi tính cách bên cạnh tài năng.
Đấy là điều ông Toni đã dày công xây dựng cho Rafa. Không quan trọng Rafa đã giành bao nhiêu danh hiệu Roland Garros hay các danh hiệu lớn khác, sau tất cả những chiến thắng luôn có chỗ để cải tiến, để làm tốt hơn nữa.
“Kể cả khi Rafa đã chơi rất tốt, tôi luôn nghĩ liệu chúng tôi có thể làm gì để cậu ấy xuất sắc hơn nữa”, vị HLV 58 tuổi chia sẻ: “Khả năng phát triển là yếu tố phân biệt con người với các loài động vật còn lại. Đó là điều tôi muốn Rafa hiểu rõ, luôn luôn tìm cách cải thiện và nâng cấp bản thân”.
Những lời khuyên từ người chú sẽ không còn thường xuyên xuất hiện trực tiếp với Rafa khi ông Toni quyết định sẽ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và tập trung quản lý học viện quần vợt của Nadal ở Manacor.
Trước khi chia tay, Toni đã mang về ban huấn luyện Carlos Moya, tay vợt số 1 thế giới đầu tiên xuất thân từ Mallorca. Như để làm an lòng Rafael, Toni từng khẳng định nếu Moya không đủ khả năng, bản thân ông sẽ chưa rời vai trò HLV chính ngay sau mùa giải này.
“Dẫn dắt một tay vợt từ khởi điểm lên đến đỉnh cao là điều hiếm thấy trong thể thao chứ không riêng gì tennis”, Moya phát biểu tại US Open 2017: “Người quan trọng nhất trong sự nghiệp của Rafa là Toni, nhưng tôi hiểu giờ là thời điểm ông ấy muốn dành sự tập trung cho nhiều công việc khác”.
Dù đâu đó vẫn còn những cảm xúc không vui, năm 2017 vẫn là một trong những mùa giải thành công nhất của Rafael Nadal. Vượt qua nhiều nghi ngại sau chấn thương cổ tay, tay vợt 31 tuổi đã vô địch 2 Grand Slam sau 3 trận chung kết và thống trị mùa đất nện.
“Chung kết US Open không phải trận đấu cuối của tôi cùng Toni”, Rafa nói: “Tôi sẽ tiếp thói quen tập luyện cũ. Toni không đi đâu xa cả, ông ấy chỉ ở cách nhà của tôi có 100m và sẽ làm việc tại học viện, nơi tôi có thể gặp ông ấy thường xuyên”.
Toni Nadal sẽ không còn xuất hiện ở khu vực dành cho người nhà và HLV các tay vợt trong mùa giải tới, nhưng với Rafa, đó không phải là điều quan trọng nhất.
“Trên tất cả, Toni là chú của tôi. Điều duy nhất tôi có thể làm, giống như cả sự nghiệp, đó là nói lời cảm ơn vì mọi thứ ông ấy đã làm”, Rafa chia sẻ.
Video Nadal vượt qua Anderson để đăng quang US Open 2017: