Tay vợt Lee Duck-Hee và hành trình biến đôi tai điếc thành vũ khí

thứ sáu 30-12-2016 23:41:38 +07:00 0 bình luận
Nghịch cảnh lấy đi khả năng nghe của Lee Duck-hee, nhưng nó chỉ càng khiến tài năng quần vợt của tay vợt 18 tuổi trở nên đặc biệt hơn.

"Những thứ không thể hạ gục bạn sẽ càng khiến bạn mạnh mẽ hơn". Nghịch cảnh lấy đi khả năng nghe của Lee Duck-hee, nhưng nó chỉ càng khiến tài năng quần vợt của tay vợt 18 tuổi trở nên đặc biệt hơn.

Gia đình là nền tảng

Số phận đã sớm thử thách Lee Duck-hee từ lúc anh mới cất tiếng khóc chào đời. Những năm tháng đầu tiên, Lee thiếu hẳn hơi ấm của cha khi ông bố Lee Sang-jin thực hiện nghĩa vụ quân sự, mọi trọng trách và sự chăm sóc dồn cả vào người mẹ Park Mi-ja.

Đến năm Duck-hee 2 tuổi, gia đình choáng váng khi bác sĩ chẩn đoán Lee bị khiếm thính, mất hoàn toàn khả năng nghe. Thế nhưng thay vì chìm trong đau khổ, bà Park và chồng cùng nhau vực dậy không chỉ cho bản thân, mà trên hết là vì Duck-hee.

Năm lên 4, Duck-hee được gửi đến một ngôi trường dành cho trẻ khuyết tật cách ngôi nhà ở Jecheon 1 giờ đi đường. Trong khi phần lớn học sinh ở tại khu tập thể của trường, chủ yếu gặp gia đình vào mỗi cuối tuần thì Duck-hee được mẹ đưa đón mỗi ngày. Đặc biệt, bà Park còn cho Duck-hee theo học tại trường thông thường để cậu thực sự cảm nhận cuộc sống của một người bình thường.


Lee Duck-hee và mẹ Park Mi-ja

Bên cạnh những buổi trên lớp, bà Park còn dạy cho con trai cách nói và đọc khẩu hình mỗi buổi tối bằng những hình ảnh thể hiện các cử động khác nhau của môi. Sau vài năm nỗ lực, Duck-hee “thoải mái” rời trường khiếm thính và quan trọng hơn, anh không cần dùng ngôn ngữ ký hiệu để nói chuyện. Những người bị điếc thường dẫn đến câm song với Duck-hee, anh có thể giao tiếp ở mức độ nhất định "đủ hiểu" với người xung quanh.

Nếu như bà Park giúp Duck-hee hòa nhập với cuộc sống bình thường thì ông bố Lee Sang-jin xem thể thao là con đường tốt nhất cho cậu con trai. Biết Duck-hee khó có thể chơi những môn mang tính đồng đội, ông Sang-jin tập trung vào các môn cá nhân như golf, bắn cung hay bắn súng. Nhưng khi nhìn thấyngười anh họ Woo Chung-hyo chơi tennis, Duck-hee biết đây mới là nghiệp đấu của mình.

Dù nhanh chóng thể hiện tài năng đặc biệt ở độ tuổi của mình, Duck-hee vẫn nhận phải không ít nghi ngờ. Bà Park nhớ lại: “90% HLV và gia đình học viên khác đều nhận xét con tôi không thể chơi chuyên nghiệp. Họ luôn nói đây chỉ là cấp tiểu học, bóng đi rất chậm. Nhưng ở cấp độ chuyên nghiệp, đường bóng rất nhanh và Duck-hee sẽ không thể đánh trả, vì nó không thể nghe”.

Bỏ ngoài tay những lời phê phán, thợ cắt tóc Park Mi-ja và phóng viên Lee Sang-jin vẫn quyết định đầu tư cho cậu con trai Lee Duck-hee, với mục đích không đơn thuần chỉ là tennis: họ muốn con trai thực sự làm chủ cuộc đời như một người bình thường.

Âm thanh ảnh hưởng thế nào đến người chơi?

Là người bình thường chơi quần vợt đỉnh cao đã khó, trở thành tay vợt khiếm thính thì thử thách còn lớn hơn gấp bội. Hãy cũng tìm hiểu những khó khăn thực sự mà Lee Duck-hee phải đối mặt.

Trong tennis, chỉ việc nhìn là chưa đủ. Như những tay vợt hàng đầu thế giới thừa nhận, nghe âm thanh từ bóng giúp họ phản ứng nhanh hơn. Khoa học đã chứng minh con người phản ứng với sự việc khi nghe nhanh hơn là khi nhìn. Theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe Mỹ năm ngoái, con người mất khoảng 180-200 mili giây tiếp nhận thông tin từ thị giác và khoảng 140-160 mili giây từ thính giác.

Andy Roddick cho biết anh tính toán cú đánh của mình bắt đầu từ thời điểm nghe thấy tiếng bóng chạm vợt đối thủ: “Những pha bóng bạt, mạnh hay các cú bỏ nhỏ có âm thanh hoàn toàn khác nhau. Bạn sẽ biết mình phải làm gì tiếp theo dựa vào âm thanh tốt hơn là chỉ nhìn”.

Trong cuốn sách “Bản chất tennis” của Timothy Gallwey, ông cho rằng nghe thấy tiếng bóng sẽ giúp VĐV tạo ra những cú đánh tốt hơn: “Việc nghe âm thanh khi đánh bóng sẽ phát ra tín hiệu và giúp não ghi nhớ. Khi thực hiện một pha bóng tương tự, cơ thể có chiều hướng lặp lại những hành vi tương tự đã tạo ra âm thanh đó”.


Mái che sân Arthur Ashe khiến Andy Murray khó chịu vì không nghe thấy tiếng bóng khi trời mưa

Huyền thoại Martina Navratilova là tay vợt cực kỳ ủng hộ tầm quan trọng của âm thanh trong quầnvợt. Tay vợt có hơn 59 danh hiệu Grand Slam ở các nội dung phản đối mạnh mẽ những tay vợt có tiếng hét lớn trên sân khi đánh bóng. Thậm chí, Navratilova còn có lần bực tức vì… tiếng máy bay lởn vởn trong trận đấu.

“Bạn thực sự cần nghe tiếng bóng, đặc biệt khi lên lưới. Nếu bạn không thể nghe thấy, tình huống đó coi như vứt đi. Đôi lúc tôi volley hỏng chỉ vì không nghe thấy tiếng bóng”, Navratilova nói: “Mỗi cú đánh đều có độ xoáy hay lực khác nhau, các tay vợt có thể cảm nhận sự khác biệt qua tiếng bóng vọng lại”.

Ở US Open vừa qua, Andy Murray cũng gặp khó khăn với âm thanh chói tai từ mái che mới trên sân Arthur Ashe khi trời đổ mưa: “Các tay vợt dùng cả tai để thi đấu, không chỉ là đôi mắt. Đôi tai giúp chúng tôi đoán tốc độ, độ xoáy của quả bóng. Dĩ nhiên bạn vẫn có thể thi đấu nếu bịt tai lại, nhưng sẽ vô cùng khó khăn, chắc chắn là vậy”.

Đó mới chỉ là những khó khăn về mặt chuyên môn, trên thực tế, Duck-hee cũng gặp rào cản không nhỏ trong những tình huống khiếu nại, thắc mắc hay đơn giản chỉ là không nghe thấy tiếng hô của trọng tài sau mỗi pha đánh bóng ra ngoài. Tất cả đều khiến trận đấu của Duck-hee trở nên phức tạp hơn.

Biến mất mát thành vũ khí

Những tổn thất từ việc mất khả năng nghe là rất lớn, song bù lại Duck-hee có những yếu tố hơn người khác. Paige Stringer – người sáng lập Quỹ toàn cầu cho trẻ khiếm thính sau chuyến thăm Việt Nam và bản thân cũng là một người khiếm thính – cho rằng: “Khi một bộ phận bị hư hại, những giác quan khác sẽ phát triển thính nhạy hơn. Những người sinh ra mất khả năng nghe thường có trực giác và thị giác nhạy bén, với khả năng đọc ngôn ngữ chuyển động cơ thể tốt hơn người bình thường”.

Nói cách khác, phán đoán là điểm mạnh của Duck-hee. Anh họ và cũng là HLV của Duck-hee,Woo Chung-hyo nói rằng Lee có thể đoán trước cú đánh của đối thủ khi anh ta bắt đầu mở vợt với việc quan sát tỉ mỉ, vốn đã trở thành bản năng.


Lee cho rằng anh có sự tập trung cao hơn so với các tay vợt bình thường

Christopher Rungkat – đối thủ cũ của Lee – là người hiểu rõ điều đó nhất: “Anh ấy dường như biết trước tôi sẽ thực hiện pha đánh bóng ở đâu. Tôi không nghĩ là đoán bừa, nó giống như việc anh ấy đọc được suy nghĩ của tôi”.

Với Lee, anh thậm chí còn chẳng bận tậm chuyện mình không thể nghe được: “Tôi không nghĩ đấy là bất lợi. Ngược lại, tôi hoàn toàn có thể hoàn toàn tập trung vào trận đấu mà không bị ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài. Một ưu thế lớn của tôi so với các tay vợt khác”.

Video: Lee Duck-hee và hành trình biến đôi tai điếc thành vũ khí

>

Ước mơ trở thành số 1 thế giới

Lee Duck-hee bắt đầu tham dự các giải Men’s Futures từ năm 14 tuổi. Tính tới thời điểm này, tay vợt người Hàn Quốc đã giành được 10 danh hiệu tại các giải đấu trong khuôn khổ ITF Junior và từng vươn lên hạng 3 trẻ thế giới năm 2014.

Dù chưa lọt vào vòng đấu chính một giải ATP hay Grand Slam nào, năm 2016 vẫn là mùa giải thành công với Duck-hee khi anh lần đầu đi tới trận chung kết giải đấu thuộc hệ thống Challenger hồi tháng 9 và 2 trận bán kết khác.

Kết thúc năm 2016, Duck-hee đứng ở vị trí 149 thế giới, là tay vợt số 2 Hàn Quốc và chỉ sau Chung Hyeon (hạng 104 thế giới). Nếu xét riêng những tay vợt 18 tuổi, Duck-hee đứng hạng 3 thế giới. Thành tích không tưởng đối với một tay vợt khiếm thính!


Những buổi phỏng vấn trang trọng gây ra nhiều khó khăn cho Lee

Trong khi Lee không tin đôi tai của mình là vấn đề trên sân, một điều luật khác có thể là trở ngại cho anh. Theo quy định, tất cả các tay vợt bắt buộc tham dự buổi họp báo sau mỗi trận đấu nếu truyền thông yêu cầu. Lúc đó, Lee sẽ phải đọc khẩu hình từ người phiên dịch và “tam sao thất bản”, đôi khi ý nghĩa mà tay vợt này muốn truyền tải sẽ không hoàn toàn chính xác.

Tuy nhiên, những khó khăn này lại đem về lợi thế cho Lee như người đại diện Lee Dong-yeop thừa nhận tay vợt 18 tuổi rất có sức hút với nhiều nhà tài trợ “bởi chưa từng có tay vợt khiếm thính nào làm được như cậu ấy”.

Một trong những nhà đối chính của Lee là Huyndai. Hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới bắt đầu tài trợ cho Lee từ năm 13 tuổi và mới đây đã gia hạn đến năm 2020.

Năm ngoái, trong đoạn chiến dịch quảng cáo của ANZ trước Australian Open, Lee thổ lộ giấc mơ trở thành tay vợt 1 thế giới: “Nhiều người cho là hoang đường nhưng tôi tin mình sẽ làm được. Tôi sẽ không bỏ cuộc cho tới khi đạt được mục tiêu”.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội