Tuổi 30 của Djokovic: Điểm khởi đầu một hành trình mới
Kể từ ngày khởi nghiệp, có lẽ đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của Novak Djokovic. Các vấn đề hiện tại dường như đang vượt quá những gì Nole dự liệu khi bước sang tuổi 29 một năm về trước và bắt đầu tiến tới sinh nhật lần thứ 30.
Đó là lý do để giờ đây, khi đang trải qua những ngày đầu tiên của ngưỡng cửa mới trong cuộc đời với vị thế hoàn toàn khác so với 12 tháng trước, Djokovic phải thay đổi và sẵn sàng đón nhận những thử thách mới mẻ nếu muốn khắc sâu hơn nữa tên tuổi của mình trong lịch sử.
Không ít vận động viên có suy nghĩ rằng tuổi 30 giống như một cột mốc mà khi vượt qua nó sẽ rất khó để tái hiện phong độ tốt nhất. Các tay vợt thường nghĩ đó là thời điểm bắt đầu của sự kết thúc. Nhưng những gì diễn ra gần đây đã nói lên điều ngược lại: 30 tuổi trong tennis giống như dấu chấm hết của chương đầu tiên sự nghiệp.
Thật khó kỳ vọng Djokovic hay bất cứ tay vợt nào sau tuổi 30 sẽ giành nhiều Grand Slam hơn khoảng thời gian trước. Niềm vui có thể ít đi nhưng cảm xúc mà danh hiệu Grand Slam mang lại ở thời điểm này đối với họ lại cực kỳ đặc biệt, thậm chí còn lớn hơn so với tất cả những gì họ đạt được trước đó.
Pete Sampras là người rất hiểu điều này. Sau 2 mùa giải chật vật trong sự nghi ngờ và chỉ trích, Sampras dẹp tan tất cả với Grand Slam thứ 14 tại US Open 2012. Lúc đó, “Pistol Pete” đã 31 tuổi.
“Tôi đã có thể rời xa sân đấu vào năm 29 tuổi với sự vui vẻ vì những điều đã đạt được”, Sampras nói trong cuốn tự truyện: “Nhưng bên trong tôi nói chưa xong, tôi còn thứ phải thể hiện. Tôi gặp khó khăn để hiện thực nó, chỉ trích xuất hiện nhiều hơn. Nhưng cuối cùng, chính nó càng làm bạn thoả mãn hơn với thành công”.
Gần đây hơn, Roger Federer và Rafael Nadal cũng đang chơi cực hay khi đã ngoài 30 tuổi. Sau chiến thắng trước Nadal ở trận chung kết Australian Open đầu năm, Federer nói rằng đó là một trong hai Grand Slam đáng giá nhất trong sự nghiệp của anh.
“Tôi không thể so sánh lần này với những lần khác, ngoại trừ danh hiệu Roland Garros 2009”, tay vợt 35 tuổi chia sẻ về Grand Slam thứ 18: “Cảm xúc cứ thế tuôn ra, tôi đã vô cùng hạnh phúc. Khoảnh khắc này là vô giá bởi bạn chẳng biết nó có lặp lại không”.
Thật trùng hợp khi Sampras và Federer đều chỉ được chọn làm hạt giống số 17 trong cả 2 chức vô địch đó. Điều đó cũng cho thấy Djokovic ở hoàn cảnh khác so với 2 người đàn anh trước Roland Garros năm nay khi anh đang là đương kim vô địch và là hạt giống số 2.
Mà thực tế Nole không bị đánh giá là hết thời như những gì Sampras và Federer phải nhận trước đây. Sự đi xuống của tay vợt Serbia cũng chỉ mang tính tương đối khi anh vẫn đứng số 2 thế giới, vô địch Doha và lần lượt lọt vào bán kết rồi chung kết 2 giải Masters 1000 tại Madrid và Rome.
Mặc dù vậy, như thế với Djokovic cũng là thất bại. Nhìn lại một năm trước, Djokovic gần như không thể chạm đến nhất là sau khi anh lên ngôi tại Roland Garros để cùng sở hữu cả 4 Grand Slam cùng lúc. Nó khiến sự sa sút của Djokovic trở nên bi thảm và càng lúc càng hoang mang trước cách đáp trả yếu ớt từ phía anh.
Djokovic từng thừa nhận đang gặp phải vấn đề trong cuộc sống cá nhân dù không đi vào chi tiết. Sự ngờ vực tiếp tục dấy lên sau khi Nole chia tay toàn bộ đội ngũ huấn luyện đã giúp anh vươn tới đẳng cấp cao nhất, trong đó có Boris Becker – người nói rằng cậu học trò của mình đã không còn làm việc chăm chỉ.
Nhưng trong vô vàn dấu hỏi và sự bất ổn đó, có một điều chắc chắn là Djokovic đang nỗ lực tìm đường trở lại. Bằng cách này hay cách khác, Nole cho thấy quyết tâm thực hiện kế hoạch mà anh nghĩ giống như “một sự nghiệp mới”.
Trong tư tưởng, Djokovic đang lấy gia đình làm trung tâm để xây dựng cuộc sống và cả sự nghiệp xung quanh. Vợ của Nole, Jelena, tuy đang mang bầu đứa con thứ 2 nhưng vẫn thường xuyên xuất hiện ở các giải đấu.
Một miếng ghép khác trong hành trình mới của Djokovic là hợp tác cùng Andre Agassi. Liệu Agassi sẽ là huấn luyện viên, chuyên gia tâm lý hay cố vấn chuyên môn? Với tình hình hiện tại, tay vợt từng giành 8 Grand Slam có lẽ sẽ nhận vai truyền cảm hứng bởi sự từng trải trong cuộc đời cũng đầy sóng gió và thăng trầm trước đây.
Chuyên gia Paul Annacone nói rằng những kỹ năng của Djokovic không thể tự nhiên mất đi, những phẩm chất xuất chúng nhất vẫn ở lại trong anh nhưng để phục hồi và thể hiện ra, Nole trước tiên cần tìm lại sự tự tin và khát khao cháy bỏng.
Nhiệm vụ của Agassi là vực dậy động lực đang ngủ quên trong Djokovic, với điều kiện bản thân Nole cũng phải dũng cảm đối mặt với những thử thách hiện tại và thực sự hiểu rõ mình muốn gì nếu còn muốn được tận hưởng cảm xúc đặc biệt như Sampras hay Federer.
Trong ngày sinh nhật thứ 30, Djokovic đã tiếp tục "làm mới" mình khi thông báo hợp tác với hãng thời trang Lacoste sau 5 năm gắn bó với Uniqlo. Nhãn hiệu của Pháp sẽ tài trợ trang phục thi đấu cho Nole bắt đầu từ Roland Garros.