US Open 2017: Các tay vợt dễ chấn thương do công nghệ phát triển!
Các cây vợt tân tiến được thiết kế nhẹ hơn cùng những yêu cầu thích ứng mới của quần vợt hiện đại đang khiến đe dọa sức khỏe các tay vợt ngày nay.
Dù vẫn là Grand Slam được chờ đợi, song không thể phủ nhận US Open 2017 đã kém sức hút hơn so với vài năm gần đây khi nhiều tay vợt nam hàng đầu như Andy Murray, Novak Djokovic, Stan Wawrinka, Kei Nishikori và Milos Raonic vắng mặt vì chấn thương.
Bên cạnh nguyên nhân từ lịch thi đấu, mặt sân hay chất lượng bóng, nghiên cứu của các nhà khoa học gần đây cho thấy chấn thương của các tay vợt còn do sự thay đổi và những yêu cầu mới trong cách chơi của quần vợt hiện đại.
Video: Federer vất vả đánh bại Tiafoe ở vòng 1 US Open 2017
Mọi thứ bắt nguồn từ sự thay đổi của cây vợt. Ở giai đoạn những năm 1980, 1990 đến thời điểm hiện tại, khung vợt đã thay đổi từ gỗ sang than chì, điều này khiến tennis trở thành môn thể thao thể lực và sức mạnh hơn.
Với chiếc vợt nhẹ hơn, tốc độ mở vợt sẽ phải nhanh hơn để tạo ra lực mạnh tương đương khi dùng cây vợt nặng. Theo bác sĩ Neeru Jayanthi – giám đốc nghiên cứu về y học trong quần vợt ở trường đại học Emory, việc cánh tay vung nhanh hơn sẽ làm tăng dư chấn từ vợt sang cổ tay.
Cộng thêm việc các tay vợt ngày càng ưa dùng kỹ thuật đánh bóng topspin khiến cho cổ tay là trở thành vị trí dễ gặp phải chấn thương. Ông Jayanthi phân tích: “Tennis hiện nay sử dụng những cú đánh nặng, nhanh với nhiều độ xoáy, dẫn đến việc điểm nối các khớp chịu nhiều áp lực và bị kéo căng. Đây là nguyên nhân của nhiều trường hợp chấn thương trụ cổ tay”.
Một nguyên nhân khác đến từ tư thế đánh cú thuận tay. Théo đánh giá của giáo sư Rafael Bahamonde, so với thế đứng đóng kiểu truyền thống để dùng lực từ vai, thế đứng mở hiện tại sẽ giúp tăng lực ở cú thuận nhưng đòi hỏi thêm vận động từ khuỷu tay và cổ tay .
“Vai là bộ phận có thể chịu được tác động lớn khi đánh bóng. Nhưng nếu bạn bắt đầu dùng cổ tay để vụt, vai sẽ không còn trụ chắc nữa”, ông Bahamonde bổ sung thêm: “Số lượng chấn thương vai đang tăng lên, nhưng việc thay đổi kiểu đánh gây ra nhiều hư hại cho khuỷu tay và cổ tay hơn”.
Với những lý do trên, cùng với việc các tay vợt không có nhiều thời gian nghỉ ngơi và phục hồi đang khiến ngày càng có nhiều tay vợt gặp chấn thương ở giải đoạn cuối mùa giải, thời điểm thể trạng của họ không còn đủ tốt sau những tổn thương tích tụ từ nhiều tháng.
“Thiếu vắng các tay vợt hàng đầu sẽ làm giảm sức hút, đặc biệt là ở Grand Slam”, bác sĩ Jayanthi nói: “Nhưng tôi nghĩ tỷ lệ chấn thương trong quần vợt sẽ còn gia tăng nếu không có một sự thay đổi lớn”.