US Open: Vandeweghe và Anderson với thể hiện hiếm HLV giúp được
Sự cải thiện vượt bậc về tâm lý thi đấu chính là yếu tố cốt lõi cho thành công bất ngờ của CoCo Vandeweghe và Kevin Anderson tại US Open năm nay.
Game thứ 9 của set 2, CoCo Vandeweghe cầm giao bóng để kết thúc trận bán kết với hạt giống số 1, Karolina Pliskova. Tình thế trở nên khó khăn khi quả trái tay của Vandeweghe liên tục đưa bóng ra ngoài vạch hoặc rúc lưới.
Vandeweghe bị dẫn trước 15-30 rồi 30-40, tạo cơ hội bẻ game cho Pliskova. Mất break ở thời điểm này có thể khiến Vandeweghe trả giả đắt khi Pliskova từng thể hiện khả năng ngược dòng ấn tượng ở trận đấu với Zhang Shuai.
Video Vandeweghe đánh bại Pliskova ở tứ kết US Open:
Thông thường ở những tình huống như vậy, Vandeweghe sẽ bắt đầu nổi nóng và mất bình tĩnh. Thực tế tay vợt người Mỹ đã thể hiện điều đó ở set 1 với 1 chiếc vợt phải thay cùng nét mặt giận dữ sau những cú đánh hỏng ăn.
Nhưng Vandeweghe giờ đã khác, thay thế những phản ứng phụ không cần thiết bằng sự thay đổi trong lối chơi. Chủ động né tránh các pha bóng đọ trái, Vandeweghe chuyển sang cú phải và thành quả là 2 điểm winner giúp cô vượt khó, giành chiến thắng chung cuộc 7-6 (4), 6-3 trước Pliskova.
Màn ăn mừng sau đó của Vandeweghe còn gây chú ý hơn. Sau khi khuỵu xuống sân như thể không tin vào chiến thắng vừa giành được, Vandeweghe đã chạy tới khu vực ghế ngồi dành cho người thân các tay vợt để chia vui với HLV Pat Cash.
Một hành động mà khán giả thường chỉ thấy ở những tay vợt vừa giành chức vô địch. Trận thắng này không chỉ giúp Vandeweghe lần đầu lọt vào bán kết US Open, nó còn như lời khẳng định của cô cho sự trưởng thành về tâm lý thi đấu.
Vandeweghe không phải tay vợt duy nhất cho thấy sự thay đổi lớn về bản lĩnh thi đấu. Ở trận tứ kết đơn nam trước đó, Kevin Anderson cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi đối mặt tay vợt nước chủ nhà Sam Querrey.
Sau khi cứu 1 match point ở loạt tie-break set 4, Querrey tự tin hướng đến set point để gỡ hòa 2-2 trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của hầu khắp khán giả trên sân Arthur Ashe. Nhưng như thế là không đủ để cản bước Anderson theo cái cách mà tay vợt người Nam Phi đã thể hiện từ đầu trận.
Bị dẫn 2-5 ở loạt tie-break set 1, Anderson ngược dòng với 5 điểm liên tiếp. Thua trước 1-6 trong loạt tie-break set 2, Anderson có lúc đã cân bằng tỷ số 6-6. Và ở lượt “đấu súng” quyết định, anh lạnh lùng kết thúc trận đấu với tỷ số 9-7.
Có thể nói thể hiện của Anderson ở tứ kết là một trong những màn trình diễn ngoan cường nhất giải. Querrey đã làm mọi cách với sự trợ giúp của khán giả nhà, song không thể khiến Anderson nao núng.
“Tôi cảm thấy mình đã nâng cấp thêm chất lượng trong lối chơi”, tay vợt vừa lợt vào trận bán kết Grand Slam đầu tiên ở tuổi 31 nói về tâm lý khi thi đấu: “Luôn có những điểm số khó khăn, tôi đơn giản cố gắng chiến đấu hết mình trong mỗi cú đánh”.
Cả Vandeweghe và Anderson đều cho thấy bản lĩnh để vượt qua những thời khắc nhạy cảm của trận đấu. Với Vandeweghe là sự kiềm chế cảm xúc, còn Anderson là sự tập trung vào từng pha bóng. Đó là những điều không nhiều chuyên gia hay HLV có thể thay đổi ở các tay vợt, những người phải tự mình xử lý tất cả chỉ trong khoảnh khắc.
Dù không phủ nhận HLV Pat Cash, nhà vô địch Wimbledon 1987, đã giúp bản thân điều chỉnh tốt hơn tâm lý, song Vandeweghe cho rằng nó đến từ kinh nghiệm của một tay vợt lão làng nhiều hơn: “Tôi không nghĩ một chuyên gia tâm lý sẽ tạo ra khác biệt lớn hơn”.
Dĩ nhiên duy trì một trạng thái tâm lý tốt không phải chuyện đơn giản. Không ít tay vợt chơi tốt trong vài tuần, hoặc vài tháng nhưng rồi lại trở về thói quen cũ của mình.
Tuy nhiên màn trình diễn của Vandeweghe hay Anderson tại US Open không chỉ làm giải đấu trở nên thú vị hơn, điều đó còn cho thấy không có điểm yếu nào là chẳng thể vượt qua cả.