Vì sao các tay vợt nữ dễ chấn thương giai đoạn đầu mùa giải? (Phần 2)
Một vấn đề khác chính là sự quyết tâm của các tay vợt nữ. Nói cách khác, dân dã hơn, thì là “cái gì nhiều quá cũng không tốt”. Nghe thì có vẻ vô lý nhưng đây là những gì thực tế diễn ra.
Theo Yves Boulais, người đã tham gia đánh tập cùng nhiều tay vợt, trong đó có ngôi sao của quần vợt Canada Eugenie Bouchard, các tay vợt nữ thường khó kiểm soát cảm xúc trong thi đấu cũng như tập luyện: “Mọi VĐV khi đạt đến giới hạn đều muốn vượt ngưỡng, muốn nhiều hơn nữa. Điều này là rất tốt nhưng cần có thời gian. Đối với các tay vợt nữ, họ thường khó tiết chế cảm xúc. Họ luôn cố gắng thắng mọi đường bóng, mọi điểm số. Nếu không, họ sẽ cảm thấy bản thân mắc phải sai lầm nào đó”.
“Giữ được phong độ tốt khi phải thi đấu dưới nhiều áp lực không phải là điều dễ dàng”, Boulais nói: “Nỗ lực quá sức ở một vài pha bóng, kể cả khi tập luyện, rất dễ dẫn đến chấn thương. HLV là người phải biết được khả năng của học trò đến đâu để có những điều chỉnh hợp lí’.
Đồng quan điểm còn có HLV thể lực Allistair McCaw, người đang hợp tác cùng tay vợt nam hạng 14 thế giới Kevin Anderson: “Về mặt thể chất, các tay vợt nữ không bằng các nam đồng nghiệp. Đó là chuyện bình thường, nhưng nhiều nữ tay vợt nữ vẫn muốn một giáo án nặng hơn. Trong trận đấu khi để thua điểm số nào đó, họ sẽ tập luyện tình huống đó nhiều đến mức như bị ám ảnh. Họ đang hà khắc với chính mình”.
Thêm vào đó, McCaw cho rằng, việc chưa coi trọng vai trò của một chuyên gia thể lực, giống như các HLV thực thụ, khiến các tay vợt không có được kế hoạch tập luyện khoa học nhất: “Bạn không thể có được sự tư vấn chất lượng với một số tiền bèo bọt. Thỉnh thoảng tại các giải đấu, tôi lại tự hỏi: “Cái gì? Họ đang làm gì vậy?” khi thấy nhiều tay vợt đang chăm chỉ tập thể lực cùng chuyên gia của họ”.
Cựu số 1 thế giới Jelena Jankovic, người từng bị chấn thương hành hạ suốt 2 năm gần đây, thừa nhận đã từng làm việc với “những người không phù hợp” trong một thời gian dài. Tay vợt người Serbia cho rằng sự tích tụ của nhiều vấn đề khác nhau, khi đạt đến một thời điểm nào đó, sẽ khiến các tay vợt gặp phải chấn thương.
“Đôi khi đó là do việc tập luyện quá nặng hoặc không khoa học. Đôi khi là do thi đấu quá nhiều và không biết điểm dừng. Nếu bạn chơi tốt và tiến sâu, cơ thể sẽ đòi hỏi nhiều thể lực hơn nữa”, Jankovic nói: “Điều quan trọng nhất mà tôi học được, là cần lắng nghe bản thân. Khi cảm thấy mệt mỏi và không có được thể trạng như ý, tốt nhất bạn nên dừng lại”.
Nói thì dễ, làm mới khó bởi ngày nay, khi mà số tiền thưởng ở các giải đấu ngày càng tăng, đồng nghĩa với nhiều cơ hội cải thiện tài chính hơn cho các tay vợt. Phải thẳng thắn rằng, động lực để giữ nhiều tay vợt thi đấu không chỉ đơn thuần là danh tiếng hay tình cảm với giải đấu đó. Sau tất cả, nó còn liên quan đến điểm số và túi tiền của từng cây vợt.
Ngoài ra, hầu như mỗi tay vợt đều có một đội ngũ HLV, chuyên gia đằng sau, luôn đi theo và có mặt tại mọi giải đấu. Dĩ nhiên, tiền lương của họ phụ thuộc lớn vào thành tích và số tiền thưởng mà các cây vợt nhận được. Do vậy, không khó hiểu khi những tư vấn viên đều muốn VĐV đó ra sân càng nhiều càng tốt.
Tuần tới, WTA tour sẽ dừng chân ở Qatar Open, giải đấu với tổng số tiền thưởng lên đến 2,5 triệu USD. Serena và Sharapova chưa thể trở lại nhưng có lẽ hầu hết những tay vợt còn lại trong Top 20 sẽ vẫn góp mặt. Và hãy cùng chờ xem, những Simona Halep, Garbine Muguruza, Petra Kvitova hay Lucie Safarova sẽ thể hiện phong độ và đối phó với các chấn thương ra sao, thứ mà có tồn tại hay không thì chỉ họ mới rõ.