Những bí quyết giúp Andy Murray tìm lại phong độ đỉnh cao
Tập luyện gyrotonic là một trong những bí quyết giúp cho Andy Murray trở thành một trong những tay vợt dẻo dai nhất hiện nay, với thành quả vừa đạt được là danh hiệu thứ 2 tại Wimbledon.
Con đường đi tới thành công chẳng bao giờ suôn sẻ. Sau chức vô địch lịch sử tại Wimbledon 2013, Andy Murray đã gặp phải chấn thương lưng, buộc anh phải lên bàn mổ.
Đối với mỗi VĐV tennis, có 3 vị trí mà họ không muốn chấn thương nhất: cổ tay, đầu gối và lưng. Khi Murray phải phẫu thuật, nhiều người đã lo lắng cho sự nghiệp của tay vợt 26 tuổi khi đó.
“Tôi từng tập rất nặng. Tôi không nghĩ rằng mình đã chăm sóc cơ thể đủ tốt”, Murray thừa nhận: “Không chỉ là vấn đề ở lưng như nhiều người nghĩ, nó còn khiến tôi khó chịu ở hông, gân khoeo và nhiều bộ phận khác”.
Tuy nhiên, có lẽ cũng “nhờ” chấn thương lưng mà Murray có khoảng thời gian nhìn lại quá trình tập luyện của mình để điều chỉnh, đồng thời tìm thêm phương pháp mới nhằm phục hồi nhanh chóng và cải thiện thể trạng, trong đó có việc tập luyện gyrotonic dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Teresina Goheen – một cựu diễn viên múa.
Gyrotonic, hay còn gọi là gyro, được sáng tạo bởi vũ công ba-lê Juliu Horvath những năm 1980, khi ông bắt đầu tìm tòi những bài tập nhằm phục hồi chấn thương gót Achilles và thoát vị đĩa đệm của bản thân.
Gyrotonic là hệ thống các bài tập giúp kết nối các khớp xương, khai thông huyệt đạo, tăng cường sự dẻo dai và sức chịu đựng. Phương pháp tập luyện này dựa trên sự chuyển động liên tục, có sự kết hợp từ các kỹ thuật thở của yoga đến động tác Thái Cực Quyền.
Trước đây, Murray không thực sự coi trọng những bài tập kiểu “mềm mại” như vậy. Nhưng sau ca phẫu thuật năm 2013, những giáo án tập luyện đó là một phần không thể thiếu trong lịch tập thể lực hàng ngày của Murray.
Với gyrotonic, Murray sẽ tập trung vào những động tác chuyển động xoay tròn, cải thiện sức rướn và giúp cơ thể cứng cáp và cân bằng hơn.
“Tôi ước gì mình tập luyện như vậy khi còn trẻ. Tôi đã tập trung quá nhiều vào tập đánh bóng mà quên đi những thứ khác”, Murray nói: “Khi 19, 20, tôi thức dậy mỗi ngày và tập nặng theo đúng lịch rình. Những năm sau đó, khi tham gia các giải đấu, cơ thể tôi bắt đầu đau nhức”.
Năm ngoái, Murray đã mời Goheen đi cùng đến Barcelona để chuẩn bị cho mùa đất nện. Ở Miami, nơi Murray sinh sống chủ yếu, tay vợt Vương quốc Anh vẫn tiếp tục duy trì tập gyrotanic với một hướng dẫn viên khác. Khi trở lại London, Murray sẽ làm việc cùng các giáo viên tại trung tâm Cobham ở phía nam London.
“Tôi tập luyện nhiều hơn với các bài tập đòi hỏi sự linh hoạt và dẻo dai. Nó không chỉ giúp ích cho việc thi đấu mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của tôi”, Murray chia sẻ: “Cái lưng của tôi giờ không còn gặp vấn đề gì nữa”.
Andy Murray là tay vợt đầu tư rất lớn trong việc cải thiện thể chất, thể lực. Ngoài Goheen, Murray còn có Mark Bender và Shane Annun (2 chuyên gia vật lí trị liệu), Steve Kotze (HLV thể lực), Glenn Kearney (chuyên gia dinh dưỡng) và chuyên gia thể chất Matt Little, người đã làm việc cùng Murray trong suốt 9 năm qua.
Trong số các bài tập phải thực hiện hàng ngày, Murray “ngán” nhất là tập cardio, những bài tập làm tăng và kiểm soát nhịp tim.
“Thành thực mà nói, cardio luôn là thử thách với tôi”, Murray nói: “Tôi khá giỏi ở những bài tập về nâng tạ, tập bụng, hông, lưng. Chỉ có cardio, những bài tập thay đổi nhịp điệu, là hai thứ tôi gặp nhiều khó khăn khăn”.
Trong những buổi tập trên sân, ngoài việc tập đánh bóng, Murray còn tập gym, thỉnh thoảng là những bài tập thay đổi nhịp điệu với những bước di chuyển trong tennis hoặc tập thêm với Medicine Ball, bóng chuyên dụng để tập thể lực.
Nếu Murray tập cardio hoặc nâng tạ trong phòng gym, thời gian tập luyện trên sân sẽ được rút ngắn để anh có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi.
Ở Wimbledon vừa qua, Murray cũng tiết lộ chế độ ăn uống của mình. Vào bữa sáng, Murray sẽ ăn trứng khuấy, bánh bagel kèm lạc bơ, một quả chuối, smoothie dâu và dưa hấu.
Trước trận đấu, để đảm bảo đủ protein và carbohydrate, Murray dùng cá hồi và cơm. Sau trận, món ăn ưa thích của Murray là pasta, cải xanh và thịt gà.
Không chỉ rèn luyện thể chất và ăn uống, còn một khía cạnh quạn trọng khác mà Murray không hề thơ ơ, đó chính là tâm lý thi đấu.
“Đối với một tay vợt, họ phải trải qua những giải đấu giống nhau, với lịch thi đấu kéo dài cả năm. Tôi đã chơi như thê trong vòng 12, 13 năm qua”, Murray nói: “Tôi cần đảm bảo mình luôn giữ được động lực và chuẩn tinh thần thi đấu tốt nhất trước mỗi trận đấu”.
“Để làm được điều đó, bạn cần chiến thắng ở những giải lớn, nơi bạn thi đấu với những tay vợt xuất sắc nhất. Nếu không giữ được sự tập trung, bạn rất dễ đi chệch hướng”.
Murray cho biết anh thường tìm đến chuyên gia tâm lý trước mỗi giải đấu, đôi khi là vài ngày một lần ngay khi giải diễn ra.
“Tôi thường dành thời gian suy nghĩ và ghi chú về những thứ trên sân đấu”, Murray nói về thói quen bỏ ra 30 phút để xem xét trước khi bước vào sân: “Đôi khi là chiến thuật, đôi khi là những chú thích nhằm nhắc nhở tôi tập trung hơn, thi đấu theo kế hoạch đã vạch ra”.
Video Andy Murray vô địch Wimbledon sau chiến thắng trước Milos Raonic: