Các nước chủ nhà SEA Games thăng tiến khủng khiếp khi đăng cai và tụt dốc thê thảm như thế nào sau đó
Hiện tượng các nước chủ nhà SEA Games thăng tiến khủng khiếp khi đăng cai và tụt dốc thê thảm sau đó là điều bình thường như tô đường, hộp sữa trong cuộc sống hằng ngày.
Bởi lẽ, khi được nắm quyền đăng cai thì ngay cả các cường quốc số 1 lúc đó trong khu vực đều không ngần ngại tận dụng ưu thế chủ nhà để vơ vét HCV nhằm đảm bảo chiếm ngôi nhất toàn đoàn.
Ví dụ tiêu biểu có thể kể tới SEA Games 1987 tại Jakarta, nơi chủ nhà Indonesia đứng đầu BXH toàn đoàn với 183 HCV - thành tích cao thứ 2 trong lịch sử Đại hội và tương đương với tổng số HCV của các đoàn còn lại!
Vậy mà 2 năm sau tại Kuala Lumpur (Malaysia), Indonesia vẫn về đầu (họ xếp nhất ở 8 trong 9 kỳ đầu tiên), nhưng tổng số HCV rớt gần một nửa chỉ còn 102.
Chuyện cười ra nước mắt nhất là năm 1997, khi chủ nhà Indonesia đứng đầu với số HCV kỷ lục lên đến 194, cao hơn thành tích giúp họ xếp nhì ở Chiang Mai 2 năm trước đến 122 HCV và cao hơn thành tích mà họ xếp thứ 3 ở Brunei 2 năm sau tới... 150 HCV!
Ngay cả ông lớn Thái Lan cũng không ngoại lệ với 2 kỳ Chiang Mai 1995 đoạt 157 HCV và Nakhon 2007 với 183 HCV (đều hơn khoảng 100 HCV so với các SEA ngay trước và sau đó).
Các cường quốc thể thao trong khu vực còn chịu cảnh thăng tiến khủng khiếp khi đăng cai SEA Games và tụt dốc thê thảm sau đó thì càng không cần bàn tới những tí hơn cỡ Brunei hoặc Lào.
Brunei tổ chức SEA Games 1999 và chỉ được 4 HCV. Thế nhưng, đừng nghĩ rằng đây là ngoại lệ. Trên thực tế, thành tích này quá tốt so với 2 năm trước Brunei chỉ kiếm được giỏi nhất là 2 HCB và càng quá xuất sắc so với 2 năm sau khi họ đứng cuối BXH toàn đoàn do không có HCV nào.
Thế nhưng, Brunei có lẽ phải gọi Lào là "cụ". Tại SEA Games 2009 ở Vientiane, chủ nhà Lào đoạt 33 HCV, ngang với Singapore, thậm chí tổng số huy chương nhiều hơn cả đảo quốc Sư tử.
Đây là cuộc "lột xác" không tưởng do 2 năm trước Lào chỉ có 5 HCV tại Thái Lan và 2 năm sau ở Indonesia đạt vỏn vẹn 9 HCV.
Trong quá khứ, Thể thao Việt Nam cũng từng sa lầy vào lệ làng của SEA Games. SEA Games 2003 với những môn mạnh tuyệt đối của Việt Nam được đưa vào chương trình thi đấu, chủ nhà bứt phá từ 33 HCV tại Malaysia lên 158 HCV để đứng đầu toàn đoàn, trước lúc rơi xuống còn 71 HCV tại Manila (Philippines).
Dù vậy, SEA Games 22 lại sắm vai trò cực kỳ quan trọng đưa Thể thao Việt Nam đột phá thật sự: Từ đây, Việt Nam luôn đứng trong Top 3 toàn đoàn.
Đặc biệt tại Philippines 2019, Việt Nam đã qua mặt Thái Lan để trở thành đoàn mạnh nhất SEA Games, chỉ sau chủ nhà.
Đây chắc chắn là một cú hích tích cực để Việt Nam tổ chức SEA Games 31 với tâm thế thoát khỏi ao làng và buộc mọi đối thủ phải "tâm phục, khẩu phục" khi chiến thắng.
>> Phản ứng của các nước sau khi chốt chương trình thi đấu SEA Games 31
>> Vì sao Việt Nam sẽ giành ngôi nhất toàn đoàn tại SEA Games 31?