Jamie Vardy: “Què” vẫn chẳng sợ “quẩy”
Có công mài sắt có ngày nên kim. Với , người ta đã ghi nhận và thán phục nỗ lực, tinh thần học hỏi, rèn luyện không biết mệt mỏi để trở thành ngôi sao từ môi trường bóng đá nghiệp dư. Nhưng nghĩa đen của thành ngữ: No pain, no gain (tạm dịch: Không đau đớn, chẳng thành công), có lẽ đúng với anh nhất. Rõ ràng, ý chí kiên cường, tinh thần mạnh mẽ cùng bản năng của một tiền đạo thực thụ, tất cả đang giúp chàng trai 28 tuổi vượt qua mọi nỗi đau về thể xác do những va chạm trên sân, kể cả bị đối phương phạm lỗi ác ý, để ghi danh trên các sân bóng Anh.
Chính xác Vardy đã có 14 bàn và anh vừa vượt qua Van Nistelrooy lập nên kỳ tích nổ súng 11 trận liên tiếp tại Premier League. Nhưng hẳn ít ai biết, khi cởi đôi giày ra sau trận cũng là lúc đôi chân của Vardy phải đeo những bịch đá chườm. Tiền đạo ngôi sao của có thể bị đau từ trước trận, đau trong trận đấu do đối phương phạm lỗi hoặc chơi tiểu xảo, và cơ thể anh đau nhức từ tuần này qua tuần khác, nhưng tinh thần không bao giờ gục ngã. “Tuần nào tôi cũng dính chấn thương, nặng nhẹ khác nhau. Nhưng tôi chưa bao giờ muốn ngừng chơi bóng, đơn giản vậy thôi”, Vardy tâm sự. “Tôi muốn ra sân tối đa và cống hiến cho đội bóng. Có thể khi rời sân bàn chân tôi cần chườm đá, hoặc cần tới sự giúp đỡ của bộ phận y tế, nhưng tuần tới mọi chuyện sẽ ổn. Tôi không nghĩ những cơn đau có thể đánh bại mình”.
Quả thực, nếu sự nghiệp một thời trôi nổi không thể đánh bại ý chí Vardy thì những cú tắc bóng nguy hiểm của các hậu vệ hàng đầu, những vết bầm tím hay kể cả chấn thương không thể đốn ngã anh. Tất nhiên, Vardy cũng chẳng phải… “Kẻ hủy diệt” với mình đồng da thép. Còn nhớ, mùa trước khi Leicester có màn bứt phá trụ hạng ngoạn mục, Vardy là nhân tố chính góp vào thành công và anh sẵn sàng tiêm thuốc giảm đau để ra sân. Điều này ảnh hưởng tới phần mô bàn chân và nó khiến Vardy gặp khó khăn trong mỗi pha tăng tốc.
Mùa này, ở trận gặp Newcastle mới đây, khi đứng trước cơ hội san bằng kỷ lục của Van Nistelrooy, Vardy không ngại ngần tiêm thuốc để quên đi vết đau ở hông và ra sân chiến đấu.Nhưng đó không phải sự lạm dụng chất cấm hay nhờ cậy thuốc để vượt qua vết đau thể xác cũng như tinh thần. Đơn giản là ngoài nỗ lực bản thân, đôi khi cũng cần sự hỗ trợ từ các biện pháp y tế hiện đại, để vượt qua những ranh giới và chạm đến thành công. “Tôi biết mình có thể dính chấn thương ở một thời điểm nào đó. Nhưng ra sân và chơi hết mình, đó là triết lý của tôi. Và tôi sẵn sàng vượt qua mọi cơn đau để đi hết trận đấu”, Vardy chia sẻ.
Phải! Giờ có lẽ cần nhắc đến khái niệm: “Tinh thần ý chí Vardy” để nhiều cầu thủ, thậm chí là những ngôi sao nhìn vào và soi lại mình. Chưa ai quên mới đây HLV Juergen Klopp đã phàn nàn về trường hợp học trò Daniel Sturridge rằng: “Bạn phải học cách nhận biết đâu là chấn thương nghiêm trọng và đâu là vết đau thông thường”. Thống kê chỉ ra rằng từ tháng 01/2013 đến giờ Sturridge đã mất tới 564 ngày để dưỡng thương và riêng tại Liverpool, tiền đạo này đã… 17 lần phải nghỉ để điều trị chấn thương. Chẳng ai biết bao nhiều lần trong số đó nhẽ ra Sturridge vẫn có thể cắn răng thi đấu, nhưng hẳn nhiều người đã phát ớn với hình ảnh một chân sút èo uột và gương mặt chưa bao giờ cho thấy nhiệt huyết cùng tinh thần chiến đấu tuyệt vời. Nhìn Vardy mà học đi!
"Jamie quên sạch mọi thứ khi trái bóng trong chân. Anh ấy bị đau trong trận, có lẽ ai đó đã sút trúng phần xương của anh ấy. Khi nhận thấy Vardy thấm mệt, tôi hỏi rằng: ‘Cậu ổn không, có cần tôi thay ra nghỉ không?’, nhưng anh ấy lắc đầu ngay”. - HLV Ranieri tâm sự sau trận gặp Man Utd mà Vardy đi vào lịch sử.