Dự kiến tổ chức SEA Games 31 vào tháng 5/2022
Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT và ông Trần Văn Mạnh - Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam vừa đại diện Ban tổ chức SEA Games 31 tham dự hội nghị trực tuyến do Văn phòng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) tổ chức vào chiều nay, ngày 17/9/2021 cùng 31 đại biểu đại diện cho 10 Ủy ban Olympic quốc gia khác và lãnh đạo, các thành viên của SEAGF.
Liên quan đến các khâu chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31, phía Việt Nam cho biết về cơ bản, Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ VH-TT-DL và BTC SEA Games 31 về việc lùi thời gian tổ chức đến quý 2/2022, cụ thể là tháng 5. Trong khi đó, các nước lại đề xuất tổ chức vào tháng 6. Khi có quyết định chính thức, BTC sẽ thông báo ngay cho các quốc gia.
Tham dự cuộc họp này, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Indonesia Ferry J. Kono đánh giá các cuộc thảo luận về việc tổ chức SEA Games 31 vẫn còn nhiều khó khăn. Lý do là ban tổ chức cần triển khai công tác theo chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam.
“Chưa có quyết định nào về việc triển khai SEA Games ở Hà Nội. Ủy ban Olympic Việt Nam yêu cầu các thành viên SEAGF kiên nhẫn, vì vẫn đang xin chỉ đạo của Chính phủ. Cuộc họp tiếp theo là vào tháng 10, chúng tôi hy vọng sẽ có quyết định cuối cùng”, ông Ferry thông báo sau cuộc họp kéo dài 2 giờ.
Tháng 7 năm ngoái, SEAGF đã quyết định hoãn SEA Games 31 do số lượng ca COVID-19 ở Việt Nam và đa số các nước Đông Nam Á quá cao. Tại cuộc họp kỳ này, các báo cáo xác định mức độ lây nhiễm COVID-19 ở phần lớn các nước ASEAN đã sụt giảm. Chỉ có Philippines là còn cao. Do đó, các Ủy ban Olympic ở Đông Nam Á cam kết tổ chức nhiều sự kiện đã được lên lịch.
Có ít nhất bốn sự kiện đa quốc tế mà Indonesia sẽ tham gia vào năm 2022, đó là Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á (AIMAG) tại Bangkok-Chonburi, Thái Lan vào tháng 3; Đại hội đoàn kết Hồi giáo (ISG) Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 8; Đại hội thể thao châu Á Hàng Châu vào tháng 9 và Đại hội thể thao trẻ châu Á ở Sán Đầu, Trung Quốc vào tháng 12.
Nhân dịp này, ông Ferry cho biết Indonesia cũng đang gặp khó khăn, nhất là khi nói đến ngân sách. Điều này là do đề xuất ngân sách phải được Bộ Thanh niên và Thể thao đệ trình vào tháng 11, trong đó cần bao gồm các dữ liệu hỗ trợ như thời gian triển khai và các môn thể thao được thi đấu.
“Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn đang tập trung vào nhiều sự kiện có trong lịch 2022. Nếu SEA Games được tổ chức mà trùng với các sự kiện đó thì chắc chắn chúng tôi sẽ khó tham gia. Tuy nhiên, điều này không thể được xác nhận cho đến Cuộc họp SEAGF tiếp theo.
Tôi nghĩ đội tuyển Indonesia nên tập trung cho ASIAD. Nếu tiếp tục, SEA Games thực sự có thể chỉ trở thành một mục tiêu được chăng hay chớ, vì các nước ASEAN khác cũng phải tham gia Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung,” ông Ferry nói thêm.
“Việc chưa có quyết định về SEA Games 31 cũng sẽ ảnh hưởng đến Campuchia, nước đăng cai năm 2023. Ủy ban Olympic Campuchia cho biết nếu không có quyết định vào cuối năm, họ cũng sẽ gặp khó khăn trong việc xếp lịch tổ chức Hội thảo để chuẩn bị sổ tay kỹ thuật, mặc dù Campuchia rất nghiêm túc trong việc xây dựng địa điểm thi đấu và chuẩn bị cho các vận động viên”, ông Ferry tiết lộ.
Một nội dung quan trọng khác của cuộc họp lần này: SEAGF thảo luận về kế hoạch hỗ trợ chính phủ các nước ASEAN để SEA Games chú trọng tổ chức các môn của Olympic và ASIAD. Cho đến nay, các môn thể thao được thi đấu tại SEA Games đều tuân theo Điều lệ SEAGF, cụ thể là nước chủ nhà thi đấu tối thiểu 22 môn thuộc 3 hạng mục.
“Đây có lẽ là điều mà không nhiều người biết, thể loại 1 là những môn thể thao bắt buộc, cụ thể là điền kinh và các môn thể thao dưới nước. Ngoài ra, tối thiểu 14 môn thể thao loại 2 được đề cập đến phải là các môn thể thao bắt buộc của Olympic với ASIAD, và tối đa 8 môn thể thao loại 3 có số lượng trận đấu cũng bị hạn chế vì chỉ nhằm mục đích duy trì các môn thể thao truyền thống của các nước ASEAN," vị lãnh đạo Ủy ban Olympic Indonesia giải thích.