HLV Nguyễn Mạnh Hùng: Ký ức lần được gặp Bác năm 1966
Dấu ấn cuộc đời tuổi 17
Tại Đại hội thể thao châu Á (Ganefo) 1966 trên đất Campuchia, dù mới 17 tuổi, lại chưa dự tranh một giải đấu quốc tế nào song Nguyễn Mạnh Hùng đã thi đấu rất xuất sắc. Ông góp công lớn giúp bóng chuyền nam đoạt tấm HCĐ, chỉ chịu xếp sau Trung Quốc và Triều Tiên. Kết thúc giải không lâu, ông được vinh dự tham gia đoàn đến báo công với Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch vào chiều ngày 19/12.
Không nổi bật như xạ thủ Trần Oanh, kình ngư Vũ Thị Sen – những người đã giành HCV, phá kỷ lục nhưng ông Hùng đã được Bác ân cầm nắm tay và hỏi thăm riêng khi là thành viên trẻ tuổi nhất. Ông Hùng vẫn nhớ như in mình đã tự hào, xúc động đến nghẹn ngào và bật khóc ngày ấy. Và lời dặn dò của Bác đã “ghi tâm khắc cốt” với cầu thủ trẻ này: “Thể thao cũng là một công tác cách mạng”, thế nên các VĐV, nhất là VĐV trẻ phải luôn có tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”.
Lần được gặp Bác chính là dấu ấn cuộc đời của ông Hùng. Ông hiểu sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của một VĐV và luôn phấn đấu học theo những lời dạy của Bác.
40 tuổi còn thi đấu, 66 tuổi vẫn dự SEA Games
Từ một tuyển thủ 17 tuổi, giờ Nguyễn Mạnh Hùng đã là một HLV bóng chuyền có thâm niên, thành tích vô đối ở VN. Chiến tích dẫn dắt tới 3 CLB vô địch quốc gia hay đưa cả 2 ĐTQG nam nữ giành huy chương của ông đã trở thành những cột mốc khó ai theo kịp.
Tuy nhiên, điều cốt yếu nhất làm nên đẳng cấp, phẩm chất đặc biệt chính là một niềm đam mê, bền bỉ với nghiệp bóng chuyền, thể thao của ông. Nguyễn Mạnh Hùng tập luyện thi đấu đến tận 40 tuổi mới nghỉ để chuyển sang làm HLV. Và hiện tại, ở tuổi 66, ông thầy kỳ cựu này vẫn còn miệt mài cùng ĐTQG nam trên hành trình gian khó chinh phục tấm huy chương SEA Games 28.
Lãnh đạo, đồng nghiệp và các học trò đều vô cùng kính nể bởi vị HLV lúc nào cũng khiêm tốn, giản dị này chưa bao giờ từ chối hay nhụt chí trước bất cứ công việc gian khó nào cả. Cấp CLB, có một dạo, Bưu điện Hà Nội điều chuyển ông qua lại đội nam và đội nữ tới vài lần. Ngay ở tầm quốc gia, đang dẫn dắt đội nữ ngon lành, ông nhận lời sang làm đội nam lúc đó đang bất lực tìm kiếm một tấm huy chương SEA Games. Quan trọng hơn, ở đâu ông cũng chứng tỏ sự tận tâm, khả năng tập hợp, phát huy năng lực cầu thủ hiếm có của mình. Người ta ví ông như một “Vua Midas” sờ tay vào đâu cũng có thành tích, có lẽ chỉ dựa vào tài năng, kinh nghiệm mà chưa thấy hết tình yêu và sự khổ luyện phía sau.
Ông thầy U.70 này vẫn đang sung sức và máu lửa với nghiệp huấn luyện. Tại SEA Games 28, ông là HLV cao tuổi nhất của cả đoàn TTVN. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Nguyễn Mạnh Hùng dư sức để trụ lại trên đỉnh cao thêm vài năm. Và không phải ngẫu nhiên, hồi đầu năm, ông lại lặn lội về lại đất Ninh Bình trong sứ mệnh tái thiết đội bóng cũ.
Trước SEA Games 28 chỉ 2 tháng, ĐTQG nam bất ngờ phải thay HLV trưởng và các nhà quản lý lại tìm đến một phương án “giải cứu” khả thi và yên tâm nhất: HLV Nguyễn Mạnh Hùng. Như thường lệ, ông đã nhận lời mà không lăn tăn hay đặt ra bất cứ điều kiện gì rồi lập tức bắt tay ngay vào việc. Mọi chuyện ở ĐTQG nam đã ổn thỏa ngay, chưa hề có sự thay “tướng” vốn tối kỵ ngay trước một cuộc đấu quốc tế.
Ngoài HLV Nguyễn Mạnh Hùng đang tung hoành trên các sân bóng, những tuyển thủ Việt Nam xuất sắc từng được gặp Bác Hồ chỉ còn lại cựu kỷ lục gia bơi Vũ Thị Sen còn tham gia hoạt động thể thao. Dù tuổi cao sức yếu song bà Sen vẫn xuất hiện đều đặn tại các giải bơi, lặn quốc gia với vị trí của một cán bộ điều hành hay trọng tài. Thỉnh thoảng, khi sức khỏe cho phép, bà lại ra bể dạy cho trẻ em tại các lớp bơi miễn phí tại Hà Nội do chính bà khởi xướng từ nhiều năm nay. Cựu tuyển thủ giành 2 HCV Ganefo này từng hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ, một lần vào tháng 11/1965 và một lần vào tháng 12/1966.
HÀ THẢO