HLV Park Hang-seo không chỉ có sơ đồ 3-4-3
Suốt 2 năm qua, HLV Park Hang-seo đã giúp bóng đá Việt Nam giành rất nhiều vinh quang trên đấu trường quốc tế ở mọi cấp độ. Thành tích ấn tượng có được ấy theo lý giải của HLV này đó là nhờ có sự nỗ lực và tài năng của chính các cầu thủ còn ông chỉ giúp họ có được hướng đi đúng đắn nhất, cách chơi phù hợp nhất với thể trạng và điểm mạnh của mình.
Sự phù hợp đó được đánh giá là nhờ sơ đồ 3-4-3 vô cùng linh hoạt mà ông đã áp dụng lên các ĐT Việt Nam. Sơ đồ này cùng lối chơi bóng ngắn, nhanh, ít chạm đã giúp các cầu thủ Việt Nam phát huy được hết tố chất của mình là sự khéo léo, nhanh nhẹn và độ tinh quái.
Nhưng cho đến SEA Games 30 này, người ta đã biết thêm một điều nữa là HLV Park Hang-seo không chỉ giỏi mỗi sơ đồ 3-4-3 ấy khi U22 Việt Nam đã linh hoạt hơn rất nhiều trong việc thay đổi sơ đồ thi đấu cho phù hợp với hoàn cảnh và đối thủ. Cụ thể là U22 Việt Nam vẫn cho thấy sự hiệu quả cao khi đá với sơ đồ 2 tiền đạo, có thể là 3-5-2, 3-4-1-2 và có đôi lúc biến thành 5-3-2.
Thay đổi để thắng
Ở trận đấu với U22 Indonesia, lần đầu tiên U22 Việt Nam đá với sơ đồ 2 tiền đạo với việc Đức Chinh vào sân trong hiệp hai để đá cặp cùng Tiến Linh. Sự thay đổi ấy đã giúp U22 Việt Nam làm nên cuộc lội ngược dòng ấn tượng và thắng 2-1 chung cuộc. Trận đấu với U22 Singapore tối nay, một lần nữa sự biến thể tương tự mà HLV Park Hang-seo thực hiện lại giúp “Rồng vàng” giành chiến thắng.
Trong hiệp 1 trận đấu với U22 Singapore, sơ đồ 3-4-3 với Đức Chinh đá cắm đã không phát huy tác dụng. Tiền đạo đang chơi cho SHB Đà Nẵng đã bị đẩy khá xa khung thành và được các trung vệ đội bạn chăm sóc kỹ nên chơi khá mờ nhạt. Tuy nhiên trong hiệp 2, khi Tiến Linh được tung vào sân, Đức Chinh đã cho thấy sự nguy hiểm.
Rõ ràng việc có thêm một tiền đạo cao to, đá cắm tốt, có thể tỳ đè, có tốc độ và chơi đa dạng như Tiến Linh khiến hàng thủ U22 Singapore như bị níu lại. Họ không thể đẩy cao và chơi linh hoạt như hiệp một khi phải chia người để ứng phó cách chơi mới của U22 Việt Nam. Sự bất ngờ và phản ứng chậm của các trung vệ Singapore đã mang đến cho U22 Việt Nam những khoảng trống và Đức Chinh đã thể hiện khả năng di chuyển tốt của mình để thoát khỏi sự đeo bám của đối thủ và thực hiện cú đánh đầu cực tốt ghi bàn mở tỷ số.
Sự thay đổi ở hàng tiền đạo đã giúp chúng ta có nhiều cơ hội hơn. Cả Tiến Linh lẫn Đức Chinh đều có được những cơ hội để dứt điểm. Trong khi đó Hoàng Đức cũng đã có nhiều khoảng trống hơn để tỉa tót và thực hiện những cú đá từ ngoài vòng cấm. Ngay cả 1 tiền vệ trung tâm như Việt Hưng cũng đã thấy được khoảng trống để băng lên dứt điểm.
Ở trận đấu này, việc HLV Park Hang-seo tung Thanh Thịnh vào sân rõ ràng đã khiến khả năng tấn công cánh trái của U22 Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn nhiều. Thanh Thịnh chạy cánh chuyên biệt, hỗ trợ tấn công rất tốt và cánh trái này càng nguy hiểm hơn khi Văn Hậu dù đá trung vệ nhưng cũng vẫn thường xuyên dâng cao hỗ trợ, tạt bóng hoặc sẵn sàng chiếm khoảng trống để dứt điểm.
Tuyến giữa của U22 Việt Nam trong hiệp 2 trở nên đa dạng hơn hẳn, lúc 5 người, lúc 4 giăng ngang và 1 cầu thủ đá cao nhất phía sau 2 tiền đạo (Hoàng Đức). Điều này khiến U22 Singapore bị bối rối, các tuyến bị chia cắt không còn hỗ trợ được cho nhau như hiệp 1. Khả năng di chuyển linh hoạt và phối hợp tốt giúp sức mạnh và tốc độ ở các pha tấn công biên sở trường của U22 Việt Nam cũng gia tăng đáng kể. Dù đã được cảnh báo nhưng rõ ràng các hậu vệ của U22 Singapore vẫn bất lực trong việc ngăn chặn các pha leo biên sở trường của Thanh Thịnh, Trọng Hoàng. Sự khác biệt lớn nhất trong hai hiệp đấu cũng xuất phát từ đây.
Hai lần thay đổi sơ đồ chiến thuật, U22 Việt Nam thắng liền hai trận, giờ thì ai còn nói HLV Park Hang-seo chỉ biết mỗi sơ đồ 3-4-3. Người Indonesia, Singapore đã tâm phục thầy Park và sắp tới có lẽ sẽ là Thái Lan chịu chung cảnh ngộ.