Khúc côn cầu dưới nước: Môn mới tại SEA Games 2019
Khúc côn cầu dưới nước có thể xem là môn mới lạ thật sự theo đúng nghĩa đen của từ "mới lạ" khi được đưa vào danh sách thi đấu tại SEA Games 2019. Bởi lẽ, khúc côn cầu trên băng hay trên cỏ đều quá quen thuộc với giới thể thao, nhưng đưa môn này xuống nước để thi đấu thì quả thật xưa nay hiếm. Nếu so về mức độ phổ biến, khúc côn cầu dưới nước chắc chắn kém xa các môn mới cũng được Philippines lạm dụng đợt này như thể thao điện tử eSports, vật Sambo hoặc võ cổ truyền Kurash.
Theo tài liệu để lại, những hình ảnh của khúc côn cầu dưới nước như người bơi lội đeo ống thở và nắm những cây gậy ngắn, cong, lặn xuống đáy hồ bơi rồi lao vào một quả cầu hình đồng tiền khi thi đấu tương tự với “Octopush” - một trò chơi được phát minh tại Anh hồi thập niên 1950 nhằm giúp các thợ lặn duy trì thể trạng vào mấy tháng mùa đông. Theo thời gian, môn này âm thầm len lỏi từ Âu sang Á, nhưng số người chơi cực kỳ ít ỏi.
Vậy mà năm nay, môn thể thao lạ lùng này sắp xuất hiện tại Đại hội thể thao Đông Nam Á - Thế vận hội thu nhỏ 2 năm một lần thu hút hàng ngàn vận động viên trong khu vực. Và đây không phải môn dành cho người yếu tim, vì VĐV phải đánh cầu với tốc độ cao, cố gắng bơi vượt qua nhau và chen lấn khi cố gắng đánh thật mạnh vào quả cầu nặng, khiến nó lướt thật nhanh trong nước. Thỉnh thoảng các VĐV phải ngoi lên mặt nước để thở rồi nhanh chóng lặn xuống thi đấu tiếp.
"Bạn không chỉ phải biết bơi, mà còn phải giữ được nhịp thở," Ishmael Ho - dự kiến là đội trưởng tuyển Malaysia tại SEA Games 2019 cho biết. "Gần như không thể trao đổi bằng lời."
Một trận đấu thường thấy ở môn khúc côn cầu dưới nước bao gồm 2 đội, mỗi đội có 6 người thi đấu trong không gian có kích thước 15x25 mét ở độ sâu 2 mét. Mỗi hiệp kéo dài từ 10-20 phút, tùy thuộc điều lệ giải. Mục tiêu của hai đội là cố gắng đưa cầu vào khung thành đối phương. Khung thành thường là 2 khay kim loại dài đặt ở mỗi đầu "sân".
Tại Malaysia, những người chơi khúc côn cầu dưới nước đầu tiên là sinh viên du học tại xứ Wales 8 năm trước và trở thành đội ngũ tiên phong trong nước từ năm 2016. Hiện có khoảng 50 người ở Malaysia chơi môn này. Họ thường tập 4 buổi hàng tuần, mỗi lần dài 2 giờ.
Dù cả nước chỉ có 50 người biết khúc côn cầu dưới nước, Malaysia sẽ cử 24 VĐV tham gia tranh tài ở cả nam lẫn nữ. Các tuyển thủ này sẽ dự thi bằng tiền túi với hy vọng đạt thành tích sẽ được bù lại. Hy vọng này không thấp vì khúc côn cầu dưới nước có tới 4 HCV, trong lúc số đội tranh tài chỉ bao gồm 5 nước là Malaysia, Singapore, Indonesia, Myanmar và chủ nhà Philippines.