Những chuyện lạ xung quanh việc chọn và chuẩn bị địa điểm thi đấu của các kỳ SEA Games
Sở dĩ thông thường thủ đô được chọn làm địa điểm thi đấu chính cho SEA Games là do nơi này phải đáp ứng yêu cầu tổ chức ít nhất 5 sự kiện thể thao, theo quy định của SEA Games Federation (SEAGF).
Kế đến, thành phố tổ chức chính phải gánh chịu mọi chi phí, nên ngoại trừ thủ đô, nước chủ nhà không dễ có chọn lựa khác.
Tuy nhiên, những yêu cầu khắt khe của SEA Games Federation xem ra vẫn không đủ để ngăn cản các nước chủ nhà thỉnh thoảng đưa ra chọn lựa ngoài dự kiến.
Như mới nhất tại SEA Games 2019, người Philippines tổ chức Đại hội ở nhiều thành phố và không xem thủ đô Manila như địa điểm chính, thay vào đó là Clark - một thành phố mới cần quảng bá để thu hút du lịch và đầu tư.
Về chọn lựa này, chủ tịch Ủy ban Olympic Philippines là Jose Cojuangco Jr giải thích: "Manila không phải địa điểm thi đấu chính do ách tắc giao thông."
Tại SEA Games 2017, thủ đô Kuala Lumpur vẫn là nơi tổ chức chính, nhưng Malaysia còn trao quyền cho một số bang khác.
Nhưng dù thoạt đầu dự định tổ chức vài sự kiện ở Sabah và Sarawak, Trưởng BTC Zolkples Embong rốt cuộc quyết định ngó lơ toàn bộ các bang miền Đông với lý do chính là "chi phí cao hơn mọi nơi khác".
Ở SEA Games 2011, người Indonesia cũng cho rằng tổ chức riêng ở thủ đô Jakarta là chưa đủ, nên đề xuất thêm West Java, Central Java và South Sumatra.
Nhưng sau khi xem xét kỹ, BTC SEA Games 2011 quyết định chỉ tổ chức ở 2 thành phố do lo ngại một số nước nghèo không đủ chi phí cho đoàn di chuyển ở 4 thành phố, cũng như việc giảm số thành phố chủ nhà còn giúp Indonesia tiết kiệm kinh phí.
South Sumatra được chọn cùng thủ đô Jakarta là do đáp ứng yêu cầu cấm hút thuốc ở mọi địa điểm thi đấu, trong bối cảnh chính quyền Indonesia phát động phong trào bảo vệ môi trường.