Tiết lộ quá trình "phù phép" giá áo đội tuyển bóng đá dự Qatar World Cup
"Tôi định mua cho đứa lớn chiếc áo mới nhất của đội tuyển Anh, nhưng lên tới 60 bảng (gần 2 triệu đồng) cho một chiếc áo bóng đá dành cho trẻ em, có khác nào ăn cướp giữa ban ngày đâu", hoặc "Tôi thực sự không thể tin rằng có người lại trả mức giá cắt cổ nực cười này cho chiếc áo thi đấu mới nhất của đội tuyển Anh. Bất cứ ai mua một cái, đặc biệt là trong thời điểm tài chính khó khăn này, ắt hẳn phải nhiều tiền lắm" là những lời chỉ trích thường thấy gần đây, khi các cổ động viên dự định mua áo mới của đội tuyển quốc gia cho các con hoặc chính họ.
Những lời than thở kiểu đó đang rất dễ nhận được đồng cảm. Bởi mỗi chiếc áo đấu, đơn cử như của tuyển Anh tại World Cup 2022 ở Qatar, đang có giá tới 115 bảng, gần 3,5 triệu đồng. Những chiếc áo cầu thủ xoàng hơn mà người hâm mộ dùng để mặc khi ngồi trên khán đài hiện có giá khoảng 75 bảng, hơn 2,2 triệu đồng. Áo dành cho trẻ nhỏ có giá 59,95 bảng, gần 1,8 triệu đồng. Nếu muốn kèm tên và số áo cầu thủ, người mua phải bỏ ra thêm 15 bảng, gần 500 ngàn đồng.
Với những mức giá như vậy, có đúng là người hâm mộ đang phải trả giá quá đắt cho tình yêu với đội tuyển quốc gia hay không? Câu trả lời xem ra là "có", khi người ta phát hiện một nhãn bên trong những chiếc áo cầu thủ chính hãng cho thấy chúng được sản xuất ở Thái Lan.
Theo các chuyên gia trong ngành may mặc, những chiếc áo đấu có giá xuất xưởng thật ra chỉ ở mức 11-12 bảng, tương đương 320-350 ngàn đồng! Trong số đó, chi phí cho nguyên vật liệu như vải, khuya áo ước tính chỉ khoảng 7,50 bảng, hơn 220 ngàn đồng. Chi phí cắt may không quá 3 bảng, chưa tới 90 ngàn đồng, bao gồm cả chi phí lao động – để lại lợi nhuận khoảng 1,50 bảng, gần 45 ngàn đồng cho nhà máy.
Lần theo dấu vết để lại, truyền thông Anh sang Thái Lan điều tra và biết được công nhân nước này chỉ được trả công 1 giờ ở mức 1 bảng, gần 30 ngàn đồng để gia công áo đấu bóng đá chính hãng; còn trong 1 ngày là 7,8 bảng, khoảng 230 ngàn đồng. Các công nhân cho biết để hoàn thành đơn hàng, họ phải làm việc 60 giờ mỗi tuần, hoặc 8-11 giờ hàng ngày.
Khi áo đấu bóng đá được chuyển đi, chẳng hạn đến Anh với giá 70 bảng, tương đương 2 triệu đồng, nó bị đánh thuế 32%, khiến chi phí vận chuyển áo lên 16 bảng, gần 500 ngàn đồng. Lại thêm thuế VAT 19 bảng (560 ngàn đồng) đánh vào chiếc áo 115 bảng, nên lợi nhuận giữa nhãn hàng với Liên đoàn và các nhà bán lẻ chỉ còn... 80 bảng, gần 2,4 triệu đồng cho mỗi chiếc áo.
Xem ngay Nhận định, dự đoán World Cup 2022: Anh vs Iran | BÓNG ĐÁ QUỐC TẾ