Những con số thú vị của vòng bảng EURO 2016
Vòng bảng EURO 2016 đã khép lại, nhưng những "bí ẩn" như đội nào chạy nhiều nhất, sút nhiều nhất, cầu thủ nào sút tốt nhất, dở nhất hay... đen đủi nhất vẫn còn là ẩn số.
Chạy nhiều có còn ra chiến thuật?
Trước giải, đã có không ít những nghi ngại dành cho Tuyển Italia khi họ đến với Pháp với đội hình có độ tuổi trung bình "già" thứ 5 trong 24 đội dự VCK EURO 2016, và cũng là Tuyển Italia "già" thứ hai trong lịch sử các kỳ EURO.
Nhưng nỗi lo "tuổi cao, sức yếu" có thể khiến các "ông già" Italia như Barzagli, Buffon, Motta hay De Rossi sớm quỵ ngã trước những trận đấu hiện đại ngày càng khắc nghiệt đã hoàn toàn tan biến, chí ít là sau vòng bảng nếu nhìn vào BXH những đội chạy nhiều nhất tại VCK EURO 2016.
Top 10 đội bóng chạy nhiều nhất vòng bảng (đơn vị tính: mét)
337.179: Italia
336.377: Ukraine
336.314: CH Czech
334.159: Đức
330.270: Bắc Ireland
329.982: Nga
328.101: Ba Lan
326.452: Slovakia
326.180: Anh
324.766: Iceland
Italia vẫn được đánh giá là đội bóng thi đấu nặng về chiến thuật nhưng có lẽ thống kê trên sẽ khiến nhiều người phải bất ngờ. Thầy trò HLV Antonio Conte cũng là một trong ba đội giành vé vào vòng 1/8 chỉ sau 2 loạt trận đầu, cùng với Tây Ban Nha và chủ nhà Pháp.
Có một thống kê thú vị cho thấy quãng đường di chuyển của Tuyển Italia khủng khiếp cỡ nào, đó là nếu chạy tiếp sức với quãng đường như trên, không ăn không ngủ, chỉ có chạy và chạy thì chỉ mất 2 ngày là họ sẽ chạy được từ thủ đô Paris tới địa điểm đóng quân của mình trên núi Le Grammont, giáp biên giới Pháp - Thụy Sỹ.
Ngoài ra, tiền vệ Marco Parolo cũng lập kỷ lục là cầu thủ di chuyển nhiều nhất trong một trận đấu với quãng đường 12.570 m trong trận Italia thắng Bỉ 2-0.
Nhưng nếu chú ý đến BXH những cầu thủ chạy nhiều nhất vòng bảng dưới đây thì sẽ thấy một thực tế nghiệt ngã, có tới 4 trong 5 cầu thủ trong Top chạy nhiều nhất phải ra về ngay sau vòng bảng, và chỉ có Gylfi Sigurdsson của Iceland là lọt vào vòng 1/8.
Top 5 cầu thủ chạy nhiều nhất vòng bảng (đơn vị tính: mét)
37.394: Vladimír Darida (CH Czech)
35.112: Amir Abrashi (Albania)
34.731: Taras Stepanenko (Ukraine)
34.551: Gylfi Sigurdsson (Iceland)
34.433: Juergen Baumgartlinger (Áo)
Ai mới thật sự có hàng công khủng?
Trước giải, cũng không thiếu những dự đoán về màn trình diễn của những hàng công thượng thặng tại giải đấu năm nay, như của ĐKVĐTG Đức, ĐKVĐ giải Tây Ban Nha hay dàn sao trẻ của Anh. Và cũng không ít những dự đoán về khả năng tỏa sáng của những chân sút lợi hại bậc nhất thế giới thời điểm hiện tại, như Cristiano Ronaldo, Zlatan Ibrahimovic, Robert Lewandowski, Thomas Mueller và Harry Kane...
Nhưng sau vòng bảng, Hungary và Xứ Wales mới là 2 đội bóng ghi được nhiều bàn thắng nhất với mỗi đội có 6 pha lập công. Trong danh sách những đội ghi được 4 bàn trở lên, cũng chỉ có Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp và Bỉ được nhận diện là những đội có hàng công mạnh.
Xét về hiệu suất ăn bàn, Hungary và Xứ Wales cũng dẫn đầu khi tung ra trung bình 6,17 cú dứt điểm là ghi được 1 bàn. Trong khi đó, Bồ Đào Nha của Ronaldo để có được 4 bàn đã phải tung ra tới 69 cú đứt điểm, trung bình 17,25 cú sút/trận. Con số này nếu đặt cạnh tổng số 17 cú sút của Bắc Ireland sau vòng bảng rõ ràng là một sự chênh lệch quá lớn.
Top 3 đội ghi bàn hàng đầu
6 bàn: Hungary, Wales
5 bàn: Croatia, Tây Ban Nha
4 bàn: Bồ Đào Nha, Pháp, Bỉ, Iceland
Top 3 đội sút nhiều nhất
69 cú sút: Bồ Đào Nha
65 cú sút: Anh
59 cú sút: Bỉ, Đức
Trong số những siêu sao tấn công được đặt nhiều kỳ vọng nhất, cũng mới chỉ có Gareth Bale của Xứ Wales là chứng minh được giá trị. Bale cùng với Alvaro Morata của Tây Ban Nha đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới với cùng 3 pha lập công.
Bale cũng là cầu thủ sút trúng đích nhiều nhất sau vòng bảng với tổng cộng 11 lần, trong khi đó Morata chỉ cần 6 lần là đã bỏ túi 3 bàn. Hiệu suất làm bàn của Morata cũng là tốt hơn Bale, khi anh chỉ cần trung bình 73 phút để phá lưới đối phương, con số này của Bale là 87 phút 40 giây.
Nếu Bale và Morata đang "trên đỉnh" thì những Ibrahimovic, Lewandowski, Mueller và Kane đang "dưới đáy" vì dù ra sân trọn vẹn cả 3 trận vòng bảng, nhưng tổng số bàn của 4 người này gộp lại... là bằng 0. Trong đó, Ibrahimovic và Tuyển Thụy Điển thì đã phải dừng bước.
Thomas Mueller có thể đổ tại vận đen khi chưa cho anh có được bàn thắng đầu tiên trong sự nghiệp tại EURO, vì tiền đạo Tuyển Đức đang dẫn đầu danh sách sút trúng... xà ngang, cột dọc sau vòng bảng với 2 lần.
Ronaldo đã có được 2 bàn nhưng tỷ lệ chuyển hóa cú sút thành bàn của anh lại rất tệ, khi có tới 13 lần dứt điểm chệch mục tiêu và 11 lần khác bị đối phương cản phá, trong khi mới sút trúng đích có 8 lần.
Cầm bóng ít hay nhiều mới có lợi?
Giống như phòng ngự hay tấn công, lối chơi nào mới thật sự là đỉnh cao của bóng đá, thì cầm bóng nhiều hay cầm bóng ít, thậm chí là... không thèm cầm bóng mới có lợi nhất vẫn là điều còn gây ra vô số tranh cãi.
Mùa 2015/16, chỉ tính riêng 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, nếu như những nhà vô địch của Tây Ban Nha (Barcelona), Đức (Bayern Munich), Pháp (PSG) và Italia (Juventus) đều được biết đến là những bậc thầy về kiểm soát bóng thì vẫn còn đó Leicester City tại Anh, chỉ kiểm soát trung bình 47% thời lượng bóng lăn nhưng vẫn vô địch.
Và tại giải đấu số 1 cấp CLB, Champions League, Atletico cũng đi tới chung kết sau khi đánh bại cả Barcelona và Bayern Munich với thời lượng kiểm soát bóng trung bình 49%.
Đến VCK EURO 2016 này, không chỉ những nền bóng đá nổi tiếng về kiểm soát bóng giành được vé đi tiếp, mà có những đội kiểm soát bóng rất ít nhưng cũng có tên tại vòng 16 đội cuối cùng.
Top 3 đội cầm bóng trung bình nhiều nhất vòng bảng
66%: Đức
61%: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha
58%: Thụy Sỹ, Anh
Top 3 đội cầm bóng trung bình ít nhất vòng bảng
34%: Bắc Ireland
35%: Iceland
42%: Albania
5 đội nằm trong Top 3 có thời lượng kiểm soát bóng trung bình nhiều nhất sau vòng bảng cũng chính là những đội có tỷ lệ chuyền bóng thành công cao nhất trong 24 đội dự giải.
Top 3 đội có tỷ lệ chuyền bóng thành công cao nhất
93%: Tây Ban Nha
91%: Đức, Thụy Sỹ
89%: Bồ Đào Nha, Anh
Làm ít nhưng vẫn được nhiều?
Trong số 16 cái tên đi tiếp vào vòng knock-out, có tới 1/4 số đội chỉ ghi được vỏn vẹn 2 bàn sau 3 trận, đó là Ba Lan, Bắc Ireland, CH Ireland và Thụy Sỹ. Và như thống kê phía trên, Bắc Ireland và Iceland cũng là 2 đội kiểm soát bóng ít nhất giải.
Nhưng giống như Thụy Sỹ (2 bàn), Anh và Đức dù kiểm soát bóng nhiều cũng chỉ mới ghi được có 3 bàn. Và Đức cũng chính là đội có tỷ lệ quy đổi bàn thắng từ kiểm soát bóng kém nhất giải, khi phải mất trung bình 59 phút 24 giây cầm bóng trong chân, họ mới ghi được 1 bàn. Trong khi, con số này của Iceland chỉ là 23 phút và 37 giây, đạt tỷ lệ quy đổi cao nhất giải.
Trận đấu duy nhất sau 36 trận không có bàn thắng nào được ghi là trận Đức - Ba Lan, và đây cũng là hai đội chưa để thủng lưới bàn nào tại giải này.
Những đội ghi ít bàn nhất
2 bàn: Ba Lan, Bắc Ireland, CH Ireland, Thụy Sỹ
3 bàn: Anh, Đức, Italia, Slovakia
Top 3 đội thủng lưới ít nhất:
0 bàn: Đức, Ba Lan
1 bàn: Pháp, Italia, Thụy Sỹ
2 bàn: Tây Ban Nha, Bỉ, Anh, Bắc Ireland