Đội tuyển Anh và cái dớp thất bại với "hàng xóm"
Đội tuyển Anh chưa bao giờ vượt qua nổi vòng tứ kết một giải đấu lớn trong 8 lần tham dự cùng các đội bóng thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh, ngoại trừ World Cup 1990 và EURO 1996.
Người Anh chắc hẳn đang rất tự hào khi cả đại diện của họ đều giành quyền vào vòng đấu loại trực tiếp. Xứ Wales thậm chí đã lọt vào tứ kết sau chiến thắng đầy kịch tích trước người hàng xóm Bắc Ireland.
Nhưng có một thực tế tồn tại bấy lâu nay là đội tuyển Anh thường không thể tiến sâu tại các giải đấu lớn khi tham dự cùng các đội bóng thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh.
Ngoại trừ hai trận bán kết World Cup 1990 và EURO 1996, "Tam Sư" chưa bao giờ vượt qua nổi vòng tứ kết, thậm chí là bị loại ngay tại vòng bảng khi bước ra đấu trường quốc tế cùng Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland.
Đáng nói ở chỗ, trong lần duy nhất đội tuyển Anh vô địch một giải đấu lớn là World Cup 1966 được tổ chức ngay trên sân nhà của họ thì không một đội bóng "hàng xóm" nào của họ trong Vương quốc Liên Hiệp Anh tham dự.
World Cup 1954 là lần đầu tiên hai đội bóng thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh là Anh và Scotland cùng tham dự một giải đấu lớn. Năm đó, Scotland bị loại ngay tại vòng bảng với thành tích toàn thua, trong khi Anh thất bại ở tứ kết trước Uruguay.
4 năm sau, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tính đến thời điểm này cả 4 đội bóng thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh cùng tham dự một giải đấu lớn. Nhưng đây cũng chính là một trong những giải đấu đáng thất vọng nhất của đội tuyển Anh từ trước đến nay. Họ bị loại ngay sau vòng bảng khi hòa cả 3 trận trước Brazil, Áo và Liên Xô cũ.
Sau đó, thất bại ở trận play-off với Liên Xô cũ đã chính thức "tiễn" Tam Sư về nước.
Trong khi đó, hai đội bóng bị đánh giá yếu nhất trong số 4 đội là Xứ Wales và Bắc Ireland lại bất ngờ giành quyền đi tiếp. Ấn tượng nhất là Bắc Ireland, họ đã đánh bại Tiệp Khắc cũ và cầm chân các nhà ĐKVĐ ở giải đấu năm ấy là đội tuyển Tây Đức để giành quyền vào tứ kết.
Xứ Wales cũng chỉ có thành tích hòa toàn tập tại vòng bảng giống đội tuyển Anh. Nhưng khi tái đấu với Hungary ở trận play-off, "các chú Rồng đỏ" lại xuất sắc lội ngược dòng để giành vé đi tiếp.
24 năm, Anh cùng Scotland và Bắc Ireland góp mặt tại World Cup 1982, kỳ World Cup đầu tiên số lượng đội tham dự giải được nâng từ 16 lên 24.
Thể thức thi đấu theo đó cũng thay đổi thành 3 giai đoạn. Vòng bảng đầu tiên gồm sáu bảng, hai đội đứng đầu mỗi bảng đi tiếp. Vòng hai gồm 4 bảng, mỗi bảng 3 đội và đội đầu bảng vào bán kết để đấu loại trực tiếp.
Năm đó, Anh và Bắc Ireland cùng vượt qua vòng bảng đầu tiên với vị trí đầu bảng, trước khi bị loại ở vòng hai.
Câu chuyện tương tự tiếp tục diễn ra tại World Cup 1986, Anh, Scotland và Bắc Ireland tiếp tục đại diện cho Vương quốc Liên hiệp Anh tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Nhưng lần này, cả Scotland và Bắc Ireland đều phải dừng chân ngay tại vòng bảng với thành tích 2 thất bại và 1 trận hòa.
Anh khá hơn một chút, họ chỉ bị loại ở tứ kết bởi 2 bàn thắng kinh điển của Diego Maradona. Một là "Bàn tay của Chúa", Maradona dùng tay đẩy bóng vào lưới và ăn mừng như ... thật trước sự phản đối dữ dội của NHM và các cầu thủ Anh. Tuy nhiên, trọng tài chính vẫn quyết định công nhận bàn thắng.
Nhưng đến pha lập công thứ 2 sau đó 4 phút thì người Anh hoàn toàn phải ngả mũ thán phục "Cậu bé vàng". Sau khi nhận bóng từ đồng đội bên phần sân nhà, Maradona thực hiện một pha solo qua 5 cầu thủ đối phương trước khi loại nốt thủ môn Peter Shilton và sút tung lưới đội tuyển Anh. Sau này, pha lập công đó được FIFA bình chọn là "Bàn thắng đẹp nhất lịch sử".
Trận đấu kinh điển giữa Anh và Argentina tại tứ kết World Cup 1986
Màn trình diễn chói sáng của Maradona khiến pha lập công của Gary Lineker vào cuối trận cũng chỉ còn mang ý nghĩa danh dự. Một lần nữa, người Anh lại dừng chân ở tứ kết.
World Cup 1998 cũng vậy, "Tam Sư" vẫn không thể vượt qua rào cản lịch sử khi dự giải cùng Scotland.
Nếu đội bóng đồng hương bị loại ngay tại vòng bảng, thì đội tuyển Anh với thần đồng Michael Owen và dàn hảo thủ David Seaman, Tony Adams, David Beckham, Alan Shearer hay Paul Scholes, cũng chỉ lọt đến vòng 1/8 trước khi bị loại tức tưởi bởi Argentina sau loạt sút luân lưu quyết định.
Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý nhất là tình huống Diego Simeone gài bẫy để David Beckham trả đũa và nhận thẻ đỏ một cách lãng xẹt.
Trước đó, lại là Scotland "ám" đội tuyển Anh dừng chân ngay tại vòng bảng EURO 1992 với vị trí bét bảng, không thắng nổi một trận thua và chỉ ghi được một bàn thắng duy nhất nhờ công của David Platt trong trận thua đội chủ nhà Thụy Điển ở lượt đấu cuối cùng.
Tính ra thì thành tích cao nhất của đội tuyển Anh khi tham dự một giải đấu lớn cùng các đội bóng "hàng xóm" cũng chỉ là bán kết World Cup 1990 và EURO 1996.
Ở giải đấu trên đất Italia vào năm 1990, Scotland không còn là nỗi ám ảnh với người Anh nữa. Đây là giải đấu mà "Tam Sư" đã thể hiện được phần nào bản lĩnh của một đội bóng với những chiến thắng vô cùng kịch tích trong những thời khắc quyết định của trận đấu.
Sau khi dẫn đầu bảng đấu có sự góp mặt của CH Ireland, Hà Lan và Ai Cập với 1 chiến thắng và 2 trận hòa, đội tuyển Anh dưới sự dẫn dắt của huyền thoại Bobby Robson và thiên tài Paul Gascoigne tiếp tục vượt qua đội tuyển Bỉ với bàn thắng vàng của David Platt ở phút thứ ... 119. Ở tứ kết, người Anh lại vượt qua Cameroon với pha lập công trên chấm phạt đền ở hiệp phụ thứ nhất của Gary Lineker.
Nhưng rốt cuộc thì Lineker và đồng đội cũng phải dừng chân tại bán kết khi không thể giải quyết trận đấu trong 120 phút và buộc phải phân định thắng thua trên chấm sút phạt luân lưu với một đội bóng thậm chí còn bản lĩnh hơn mình là Tây Đức.
Mặc dù vậy, "Tam Sư" vẫn xứng đáng nhận được lời khen khi chỉ thất bại trước đội bóng sau đó trở thành nhà vô địch. Chưa kể, Gary Lineker còn ghi bàn san bằng tỷ số trong 10 phút cuối cùng của thời gian thi đấu chính thức để các nhà Á quân World Cup 1986 phải bước vào hai hiệp phụ.
Đội tuyển Anh gục ngã trước người Đức trên chấm phạt đền tại World Cup 1990
Trong lần gần nhất đăng cai một giải đấu lớn là EURO 1996, vẫn là niềm cảm hứng Gascoigne giúp người Anh tiến đến trận bán kết và thêm một lần nữa thất bại trước người Đức trong loạt sút luân lưu may rủi mà cầu thủ sút trượt là hậu vệ Gareth Southgate vẫn còn bị ám ảnh cho đến tận bây giờ.
Rốt cuộc thì hình ảnh đáng nhớ nhất của Tam Sư tại giải đấu năm ấy lại là những giọt nước mắt của Gascoigne sau khi thất bại trước người Đức (giống hệt như khi Gazza khóc như mưa trong thất bại tại World Cup 1990) và siêu phẩm của thiên tài người Anh này vào lưới chính đội bóng hàng xóm Scotland tại vòng bảng.
Bàn thắng tuyệt đẹp của Gascoigne vào lưới Scotland tại EURO 1996
Bây giờ, người Anh lại phải đối mặt với cái dớp không thể tiến sâu tại một giải đấu lớn khi tham dự cùng các đội bóng thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh.
Công bằng mà nói thì đội tuyển Anh được đánh giá cao hơn hẳn đối thủ cả về tương quan lực lượng, danh hiệu cho đến thành tích đối đầu. Tuy nhiên, Iceland cũng chẳng phải đối thủ dễ bị bắt nạt khi chưa thua một trận nào, vượt qua cả Bồ Đào Nha để giành vị trí thứ 2 tại bảng F, bằng điểm với Hungary nhưng thua về hiệu số phụ.
Thậm chí, ngay cả khi vượt qua Iceland thì đội tuyển Anh cũng sẽ phải đối mặt với một thử thách cực lớn tại tứ kết là đội chủ nhà Pháp. Chưa kể đến lợi thế thiên thời, địa lợi và nhân hòa thì người Anh cũng chưa bao giờ thắng được Pháp tại EURO (1 thất bại và 2 trận hòa). Liệu lần này thầy trò HLV Roy Hodgson có thể phá dớp?