Đức trả giá đắt khi đánh mất thế mạnh tấn công
Có nhiều lý do dẫn đến việc Đức bị loại ở bán kết EURO 2016, nhưng thất bại toàn cục của họ tại giải liên quan nhiều tới sự giảm sút về sức mạnh tấn công.
Hai năm trước, ở vòng bán kết World Cup 2014, Đức trút vào lưới đội chủ nhà Brazil 7 bàn thắng và lọt vào chung kết. Năm nay, tại EURO 2016, cũng ở bán kết và trước một đội chủ nhà khác, Thomas Mueller và các đồng đội đã không thể làm gì ngoài việc rời cuộc chơi với hai bàn tay trắng.
Có thể nói rằng, đội tuyển Đức đã trải qua một kỳ EURO không như mong đợi xuất phát từ chính việc đánh mất sức mạnh tấn công của mình.
Trên đất Brazil, các chân sút của họ ghi được 18 bàn thắng. Con số này tại EURO 2012 là 10 và tại World Cup 2010 ở Nam Phi là 16.
Trong khi đó sau 5 trận trên đất Pháp, Đức chỉ có vỏn vẹn 7 lần chọc thủng lưới đối phương, gồm 2 thuộc về các trung vệ.
Thất bại trước đội tuyển Pháp ở bán kết càng chỉ ra một thực tế rõ ràng rằng, thầy trò Joachim Loew đang phải vật lộn với một vấn đề lớn của bóng đá Đức, đó là thiếu một thiện xạ.
Cựu thủ môn huyền thoại Oliver Kahn cũng khẳng định, việc không có một trung phong đã trở thành vấn đề cốt lỗi dẫn tới thất bại của Die Mannschaft tại EURO 2016.
Trên thực tế, ngay cả khi lão tướng Miroslav Klose chưa từ giã sự nghiệp quốc tế, đội tuyển Đức đã rời vào tình trạng này với rất ít sự lựa chọn. Năm 2014, Klose tham dự World Cup ở tuổi 36. Năm nay, Mario Gomez sang Pháp khi đã 31.
Nhìn vào danh sách của HLV Loew triệu tập cho giải đấu vừa qua, chỉ có duy nhất Gomez là trung phong thực thụ. Điều tồi tệ ở chỗ, sau khi ghi 2 bàn thắng, tiền đạo của Besiktas đã phải nói lời chia tay do chấn thương.
Kết cục là hàng công Đức mất tích trong trận bán kết với Mueller và Mario Goetze gần như không tồn tại trên sân.
Mueller hẳn là trường hợp gây đau đầu nhất cho Loew tại EURO 2016 khi chân sút này giảm sút đến mức khó tin. Từ chỗ là một “máy ghi bàn” ở World Cup với 10 bàn sau 13 trận, anh đã trải qua 11 trận im tiếng ở sân chơi châu lục.
Mueller đã tung ra 15 cú sút, gồm 12 trúng khung thành nhưng không ghi được bàn nào. Để thấy được sự khác biệt, có thể so sánh với Antoine Griezmann, người đem về 6 bàn cho Pháp chỉ sau tổng cộng 24 cú sút.
Nhưng không chỉ Mueller, cả Goetze - với 7 cú sút, hay Toni Kroos - với 13 lần nỗ lực sút xa, cũng đều bất lực trong việc tìm đến mành lưới đối phương. Rốt cuộc, khi Gomez vắng mặt, đã không ai có thể thay thế thành công trên tuyến đầu.
Dĩ nhiên, khó có thể đổ lỗi hoàn toàn cho Mueller khi anh đã trải qua trận đấu thứ 64 kể từ tháng 8 năm ngoái. Vì thế, khi phải vật lộn với tình trạng thể chất không hoàn hảo, việc chơi bên cánh phải hàng công (4/6 trận) hay số 9 ảo (2/6 trận) đều đem đến trở ngại vô cùng to lớn cho ngôi sao này.
Mueller đã chơi 570 phút tại EURO 2016 mà không được thay thế. Đó cũng là tình trạng chung của hàng công đội tuyển Đức, có nghĩa rất ít phương án thay thế khả dĩ.
Lucas Podolski - người cũng có thể đá trung phong - chỉ vào sân 18 phút; tài năng trẻ Leroy Sane là 11 phút; Andre Schuerrle 71 phút.
Dễ nhận thấy nhất, Die Mannschaft trên đất Pháp thiếu hẳn những “quân bài tẩy” đủ khả năng xoay chuyển tình thế. Tại World Cup 2014, Schuerrle khi vào thay người đã ghi bàn ở hiệp phụ trước Algeria, ghi thêm 2 bàn khác trong trận thắng Brazil.
Tương tự, Goetze trở thành người hùng trận chung kết bằng pha lập công quyết định ở hiệp phụ trong vai dự bị. Tại vòng bảng, Klose cũng làm được điều tương tự trước Ghana.
Còn bây giờ, nếu không tính 2 lần thay người ở vị trí trung vệ, 12 sự thay đổi còn lại tại EURO chỉ đem về cho Đức một bàn thắng không có nhiều ý nghĩa ở trận thắng Ukraine ở vòng bảng (Schweinsteiger thay Goetze).