CEO MoMo: Hoàn thành Ironman 140.6 nhờ...sợ chết

thứ sáu 9-12-2016 6:56:30 +07:00 0 bình luận
Phạm Thành Đức, CEO Việt Nam đầu tiên trở thành "người sắt" Ironman, từng bị cướp giật ở Sài Gòn khiến anh bị chấn thương đầu gối chỉ 2 tuần trước khi đi thi.

Phạm Thành Đức, lãnh đạo startup ví điện tử MoMo, trở thành CEO đầu tiên ở Việt Nam hoàn thành Ironman 140.6 tại Western Australia cuối tuần qua (4/12). Anh là người có quốc tịch Việt Nam thứ 5 làm được điều này. Ít ai biết rằng "Người sắt" có thể lực, sức bền hơn người từng bị cướp giật đồ dẫn đến chấn thương trong khi tập luyện ở Sài Gòn. 

PV Webthethao.vn đã gặp phỏng vấn vị CEO bận rộn này trong chuyến công tác chớp nhoáng của "người sắt" từ Tp.HCM ra Hà Nội

Chào anh, chúc mừng anh là 1 trong 5 người có quốc tịch Việt Nam đầu tiên hoàn thành Ironman cự ly 140.6 dặm. Theo công thức chung của 3 “người sắt” Việt Nam vừa rồi ở Ironman Langkawi, cứ hoàn thành 2 giải Ironman 70.3 (hay còn gọi là Half Ironman - PV) thì tiến đến chơi Ironman 140.6. Trước giải này, anh đã thi đấu những giải Ironman nào rồi?

Tôi từng thi đấu 3 giải Ironman 70.3. Giải đầu tiên ở Bintan (Indonesia) cùng với cô gái chạy vượt sa mạc Thanh Vũ, hai giải sau ở “ao nhà” Ironman 70.3 Vietnam (Đà Nẵng) và Challenge Vietnam 2016 (Nha Trang).


Các VĐV thi bơi sẽ xuất phát đồng loạt thay vì theo từng lượt như đa số các giải. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thực ra tôi nghe bạn tôi, Đỗ Khắc Cường (người cũng hoàn thành Ironman 140.6 ở giải này - PV) rủ đi thi. Tôi cứ tưởng nhiều bạn bè tham gia đông vui nên gật đầu chứ cũng chưa biết đường xá ở Ironman Western Australia thế nào.

 


VĐV Đỗ Khắc Cường, 1 trong 2 người Việt Nam hoàn thành giải Ironman Western Australia 2016. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Là một lãnh đạo công ty startup bận rộn, anh tập luyện như thế nào để chuẩn bị cho giải?

Thực ra tôi tập không nhiều. Buổi sáng, tôi dành ra khoảng 1 tiếng đồng hồ. Hôm chạy 5km, hôm đạp xe 30km. Cứ 2 tuần, tôi chạy dài 1 lần khoảng 21km hoặc đạp xe 60km vào cuối tuần.

3 lần thi Half Ironman trước, tôi đều hoàn thành môn bơi với kiểu bơi ếch. Riêng lần này, tôi dành thời gian học bơi sải để có thể bơi 3,8km. Tuy nhiên, khả năng định hướng (sighting) của tôi kém nên cứ bơi được một đoạn lại đụng đội cứu hộ. Quãng đường bơi thực tế lên đến hơn 4km.


VĐV Phạm Thành Đức cùng gia đình ra tận nơi cổ vũ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trước ngày thi đấu 2 tuần, tôi bị chấn thương đầu gối. Sự cố khiến tôi vừa tức vừa buồn cười. Trong buổi tập xe đạp, tôi đang dừng lại uống nước ở khu Tân Tạo, giáp quận 7, thì bỗng nhiên người bay về phía trước. Hai tên cướp phóng xe lao qua giật balo đựng nước của tôi vì chúng tưởng balo có ví hay đồ đạc có giá trị. Cú giật khiến đầu gối đập vào pê-đan xe đạp. 

Tôi không đi khám ngay. Mấy hôm sau đau quá tôi mới hỏi bạn bè nên đi khám. Xin bác sĩ cho về sớm để thi. Bác sĩ hỏi thi gì, tôi không dám khai thật thi đấu 3 môn phối hợp, chỉ dám khai chạy marathon 42km. Bác sĩ cho thuốc uống trong vòng 1 tuần. Trước khi đi, người tôi như bị sốt. Rất may, khi sang Úc, tôi lại hồi phục, ăn uống được trước 3 ngày.


VĐV Phạm Thành Đức hoàn thành môn bơi

 

Thế lúc bị cướp, anh có mang theo "ví điện tử" không?

(Cười) May là tôi nhét điện thoại trong áo xe đạp nên không bị mất "ví".

Anh chơi thể thao lâu chưa? Duyên cớ nào anh đến với ba môn phối hợp?

Hồi năm 2010, tôi béo, nặng tới 86 kg do ăn nhậu, bia rượu nhiều. Tập ba môn phối hợp được một thời gian rồi, tôi thấy uống bia rượu nhiều “không vô” như trước nữa. Lúc đó, tôi sợ chết nên tìm đến môn thể thao nào đó để chơi. Chạy bộ thì cực quá, có khi không bằng mấy cụ già vì hồi đó tôi yếu lắm nên chọn môn khác nhẹ nhàng hơn. Tôi đi mua một chiếc xe MTB (Mountain Bike) đạp mỗi ngày từ 10-20km.

 


Khu vực chuyển tiếp ở Ironman Western Australia. Ảnh: Đỗ Khắc Cường

Năm 2013, tôi có chuyến đi đáng nhớ, đạp xuyên Việt cùng một người bạn từ Sài Gòn ra Hà Nội bằng chiếc xe này. Sau đó tôi còn có chuyến đi trên cao nguyên đá Hà Giang gần 300km.


VĐV Phạm Thành Đức trên đường đua môn xe đạp
Thi đấu ở Úc, anh có chú ý đến vấn đề dinh dưỡng?

Tháng 8 vừa rồi, tôi có chạy full marathon ở Đà Nẵng. Do không có kinh nghiệm về dinh dưỡng nên khi chạy đến km thứ 35, cơ thể tôi như bị cạn pin. Sau đó, tôi mới thấm thía là phải chú ý hơn về dinh dưỡng, bù điện giải. 

 


VĐV Đỗ Khắc Cường trên đường đua xe đạp

Trước khi đi Úc, tôi có tham khảo một số anh em cùng chơi 3 môn phối hợp Việt Nam xem phải mang bao nhiêu gói gel năng lượng, loại nào... Số lượng gói gel tôi dùng hôm vừa rồi khoảng 15 gói, 3,4 quả táo cùng với cũng ngần ấy số thanh socola.

BTC cung cấp dưa hấu, chuối, gel năng lượng. Để cẩn thận, tránh sự cố không đáng có về đường tiêu hóa trong khi thi đấu, tôi chủ yếu sử dụng gel mình mang theo.


VĐV Phạm Thành Đức trên đường đua môn xe đạp

Đem chuông đi đấm xứ người, anh thấy giải Ironman Western Australia có gì khác biệt?

Giải không có bữa tiệc nạp năng lượng "load carb" trước khi thi giống như các giải trước mà tôi tham gia, chỉ có bữa tiệc sau khi cuộc thi kết thúc. Khác với cự ly 70.3, đồ thay để bố trí trong 2 túi riêng ở 2 khu vực chuyển tiếp T1, T2 thay vì để ở khay chứa xe đạp. Họ cũng không có thùng nước đá như các giải bên mình để các VĐV tắm đá sau khi thi xong. 
Đường đua không dốc, rất phẳng nhưng gió lớn hơn cả 3 giải Ironman 70.3 mà tôi đã từng tham dự ở Bintan, Đà Nẵng hay Nha Trang. 


Khu vực thay đồ. Ảnh: Đỗ Khắc Cường

Theo anh, chơi thể thao và công việc quản lý của CEO có mối liên quan nào không?
Tập luyện thể thao và làm kinh doanh có nhiều điểm tương đồng.
Phải có phương pháp khoa học (trong cả tập luyện thể thao và làm kinh doanh). Nếu không khoa học, tập luyện thể thao sẽ quá sức, không giúp tăng sức khỏe mà còn có nguy cơ gây tác hại đến cơ thể. Phải từng bước xây dựng nền tảng thể lực rồi từng bước tăng dần thành tích. Làm kinh doanh cũng y như vậy.

Phải kiên trì, bền bỉ. Triathlon không chỉ là ngày thi đấu mà là một quá trình hình thành thói quen tập luyện đều đặn, kiên nhẫn, mỗi ngày một ít, gia tăng dần thành tích. Làm kinh doanh, nhất là startup, cũng y như vậy. Cũng đòi hỏi chúng ta phải nhẫn nại, nhất quán theo đuổi mục tiêu kinh doanh.


Bà xã của anh đi theo cổ vũ từ sáng sớm

Phải có giây phút thăng hoa, nỗ lực điên loạn để đạt kỳ tích. Ngày thi đấu Ironman là kết quả của một quá trình tập luyện, đòi hỏi chúng ta phải bùng nổ, cố gắng một cách khủng khiếp để về đích sau mười mấy tiếng đồng hồ thi đấu. Nó rất giống với những thời cơ vụt đến trong kinh doanh mà bất kỳ ai cũng phải tìm mọi cách nắm bắt.

Khoảnh khắc về đích tạo cảm giác hạnh phúc rất giống với khi ta lập chiến tích trong công việc.


"You are Ironman" - VĐV Đỗ Khắc Cường về đích sau 15 giờ 44 phút. Anh là người Việt thứ 4 hoàn thành Ironman cự ly full 140.6. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Các đối tác có biết anh chơi "sâu" thể thao không? Nhiều người hình dung các sếp khi gặp đối tác sẽ phải tiệc tùng liên miên, không tập thể thao được. Có bao giờ anh phải từ chối khéo lời mời nhậu khi tiếp khách chưa?
Bản chất việc tập luyện thể thao là để phục vụ sức khỏe của cơ thể, để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Đối với các đối tác thân tình, tôi thường xuyên chia sẻ những trải nghiệm tập luyện thể thao và cố gắng truyền cảm hứng để họ cùng tập với mình.
Có sức khỏe, mọi người sẽ yêu đời, yêu công việc và làm việc hiệu quả hơn. 
Do đó, tôi thường không rơi vào hoàn cảnh gọi là "bị ép" uống bia rượu vì mọi người đều hiểu thông điệp vì sức khỏe của tôi, trong khi tôi sẵn sàng uống 1, 2 ly bia với anh em, chiến hữu.


"Vợ con là nguồn cảm hứng rất lớn để tôi giữ vững tinh thần thi đấu"

Gia đình anh có ủng hộ anh chơi thể thao?
Gia đình tôi hiểu biết sâu sắc ích lợi của thể thao. Bố mẹ tôi vẫn tập luyện thể dục thể thao rất đều đặn. Vợ tôi tập yoga 3 buổi/tuần, tập chạy 4 buổi/tuần. Hai cô con gái đầu của tôi đoạt huy chương các loại giải bơi lội cấp trường, cấp quận. Cậu con trai thứ ba 4 tuổi của tôi đã biết bơi. Nói như vậy để thấy mọi người ở nhà là fan của tôi thế nào.


Phạm Thành Đức - "You are Ironman"

Thi đấu 1 mình trong gần 17 tiếng đồng hồ, có khi nào anh thèm nghe 1 tiếng cổ vũ từ người thân, bạn bè hay 1 câu tiếng Việt nào đó trên đường? 
Lần thi đấu này có vợ, con gái thứ 2, con trai thứ 3 cùng gia đình của anh Đỗ Khắc Cường, người Việt Nam cùng thi đấu với tôi, trực tiếp đến tận Busselton, Tây Úc để cổ vũ.

Trước khi bơi, sau khi bơi, khi xuất phát đạp xe, trong quá trình chạy, tôi đều gặp vợ con đứng bên đường cổ vũ tôi trong hành trình và tôi đều dừng lại ôm hôn vợ con. Đó là nguồn cảm hứng rất lớn để tôi giữ vững tinh thần thi đấu tiếp.

Ironman thực sự là một sự kiện gia đình. Các con tôi chắc chắn sẽ nhớ mãi trải nghiệm làm cổ động viên lần này.


Cảm xúc thăng hoa tại vạch đích sau gần 17 tiếng đồng hồ bơi - đạp xe - chạy

Khi về đích gần thời điểm cut-off, anh biểu đạt rất cảm xúc, từ từ chậm rãi cởi áo khoác, quỳ xuống ngay tại cổng đích. Lúc ấy, anh nghĩ gì hay là "ơn giời cuối cùng cũng kết thúc rồi"?
Hành động khi về đích của tôi thuần tuý bày tỏ cảm xúc vui mừng, hạnh phúc sau khi bị chấn thương nhưng đã mạnh khỏe kết thúc cuộc thi. Tôi tin rằng nếu tham gia một cuộc thi Ironman khác, tôi sẽ mạnh mẽ hơn nữa.

Khi cầm huy chương Finisher gặp các "MoMoer", anh đã nhắn nhủ gì với các nhân viên của mình?
Tôi đã nhận được hoa tươi và bánh ngọt của anh em trong công ty chúc mừng trong ngày đầu tiên quay lại với công việc.


CEO Phạm Thành Đức cùng "chiến quả" Ironman Western Australia bên hồ Tây (Hà Nội)


Tôi đã rất xúc động vì trong suốt quá trình tôi thi đấu tại Busselton, anh em trong công ty và các bạn bè ở nhà đã liên tục theo dõi, cập nhật tình hình thi đấu của tôi từ sáng đến tối. Mọi người đã rất lo lắng cho tôi. Thật tuyệt vời.

Huy chương Ironman Finisher chỉ là kết quả của một quá trình tập luyện thể thao cá nhân. Nhưng sự việc đó đơn giản nói lên rằng, khi chúng ta có quyết tâm, sức khỏe, trí tuệ, chúng ta sẽ làm được bất cứ việc gì trên đời này. Điều đó đúng cho cả tập luyện thể thao, học tập, công việc.

Cảm ơn anh. Chúc anh tìm ra những thách thức mới cần chinh phục và truyền cảm hứng để ngày càng có nhiều người hơn chơi 3 môn thể thao phối hợp.
Xem video Ironman Phạm Thành Đức trả lời phỏng vấn Webthethao:

>

Phạm Thành Đức, CEO MService (ví điện tử MoMo)

Sinh năm 1978

Dịch vụ MoMo của MService ra đời từ 2013. MoMo là dịch vụ ví điện tử cung cấp tính năng thanh toán trên di động giúp người tiêu dùng thuận tiện, đơn giản, mang phong cách hiện đại xử lý các nhu cầu thanh toán hàng ngày như đi taxi, ăn uống nhà hàng, trả tiền điện, nước, truyền hình cáp, Internet...hay bất kỳ nhu cầu thanh toán nào trong cuộc sống.

MoMo kết nối trực tiếp với 8 ngân hàng/tổ chức tín dụng, đảm bảo cung cấp dịch vụ ví điện tử cho 80% người dùng ngân hàng tại Việt Nam. Ngoài ra, MoMo kết nối với nhiều nhà cung cấp để giúp khách hàng thuận tiện thanh toán trên 100 dịch vụ các loại trên ví điện tử MoMo

2,5 triệu người dùng dịch vụ MoMo tính đến cuối năm 2016.

Goldman Sachs và Standard Chartered Private Equity là 2 cổ đông lớn của MoMo.

   

.
Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội