“Dị nhân” Phạm Thúy Vi: Từ kiện tướng, tuyển thủ quốc gia đến “nắm đầu” doanh nhân dạy bơi
Ở tuổi 38, Phạm Thúy Vi đã có trong tay vốn kinh nghiệm mà không nhiều người có được. Từ một kiện tướng bơi lội, Thúy Vi rẽ sang con đường huấn luyện viên từ sớm và có những mối nhân duyên đã khiến chị trở thành một tên tuổi được những người yêu thể thao mến mộ.
Sớm giã từ đời VĐV để “ăn cơm HLV” tuyển Singapore
Ở tuổi 18, Phạm Thúy Vi bất ngờ giã từ sự nghiệp thể thao dù trước đó là một VĐV đầy tiềm năng của bơi lội TP.HCM. Từ năm 2001, chị theo đuổi sự nghiệp làm HLV bằng những khóa học ở đại học thể dục thể thao.
“Quãng thời gian khó khăn nhất với tôi khi còn làm VĐV là khoảng từ năm 14 đến 17 tuổi. Ngày đó, vừa đi học vừa tập bơi, không được học trường nghiệp vụ nên cũng vất vả hơn vì không được ưu tiên gì. Nhưng đó cũng là quãng thời gian vui và đầy kỷ niệm với tôi.
Giải thi đấu cuối cùng khi còn trong đội tuyển là khi tôi mới 18 tuổi, khá trẻ và chỉ vừa chạm mốc thành tích cao nhất của bản thân, đáng tiếc là không ai giữ được tôi ở lại vì chính họ cũng không chỉ ra cho tôi được tương lai sẽ thế nào nếu tiếp tục. Đó là khi tôi quyết định giã từ sự nghiệp VĐV” - Thúy Vi cho biết.
Tới năm 2005, Thúy Vi bắt đầu công việc huấn luyện bơi tại TP.HCM. Những chuyến dẫn học trò đi du đấu đã cho chị thật nhiều kinh nghiệm trong cuộc việc và cả “một nửa cuộc đời”. Năm 2010, trong một lần du đấu ở nước ngoài, Thúy Vi gặp Aloysius Yeo, một người làm quản lý ở đội tuyển bơi Singapore. Nên nhân duyên, Thúy Vi kết hôn năm 2012 và theo chồng sang Singapore lập nghiệp.
Quyết định “theo chồng bỏ cuộc chơi” của Thúy Vi đến khi chị trúng tuyển công việc tại CLB bơi lội danh tiếng của Singapore là Aquatic Performance Singapore Club (APSC), nơi sản sinh ra những VĐV bơi lội có đẳng cấp thế giới và giúp Singapore là cường quốc số 1 Đông Nam Á về môn bơi.
Nhưng sự nghiệp huấn luyện của Thúy Vi lại gắn liền với đội bơi Swimfast, CLB bơi hàng đầu của đảo quốc Sư tử. Chị trở thành huấn luyện viên đội Swimfast và là trợ lý HLV đội tuyển bơi trẻ Singapore trong nhiều năm.
Bước rẽ với 3 môn phối hợp
Phạm Thúy Vi trở thành Nữ VĐV Việt Nam có thành tích tốt nhất tại IRONMAN 70.3 Vietnam 2019 tại Đà Nẵng tháng 5 năm ngoái và giành suất tham dự Giải Vô địch thế giới ở Nice (Pháp) tháng 9 năm đó. Đây chính là thành quả của quá trình “bị rủ rê” đến với 3 môn phối hợp (triathlon) của Thúy Vi.
“Tôi chưa tham dự Ironman ở nước ngoài bao giờ, giải Ironman ở Đà Nẵng hồi tháng 5 năm ngoái là giải đầu tiên trong sự nghiệp của tôi. Sau đó, tôi có thi triathlon giải TriFactor ở Singapore và cũng vô địch nữ toàn giải cự ly Standard.
Tôi bắt đầu tập chạy năm 2017, đến năm 2018 thì tập thêm đạp xe. Nhưng tai nạn xe đạp năm 2018 đã khiến tôi phải rút khỏi cuộc đua Ironman 70.3 ở Đà Nẵng năm 2018, mất hơn 6 tháng để hồi phục và tập luyện lại cho Ironman 70.3 năm 2019.
Việc bước vào môn này tự nhiên như hơi thở. Vốn yêu thể thao, tôi thích tất cả mọi thứ liên quan đến nó. Tôi tập chạy vì muốn giảm cân và được đánh giá là chạy không quá tệ, thế là đội Boidapchay, nơi đang là huấn luyện viên trưởng phụ trách bơi lội, khuyến khích tôi chơi luôn triathlon. Tôi nhanh chóng gật đầu vì ham vui, muốn cùng mọi người tham gia giải và tận hưởng các ‘race-cation’ cùng nhau…”
Những thành công đó ở 3 môn phối hợp đã giúp Phạm Thúy Vi vượt qua cuộc thi tuyển chọn VĐV đại diện Việt Nam tham dự SEA Games 30 ở Philippines tháng 12/2019. Lần đầu tham dự đấu trường Đông Nam Á này, các VĐV Việt Nam đã để lại ấn tượng đẹp với một tấm huy chương đồng nội dung chạy-đạp xe-chạy (duathlon) của Nguyễn Thị Phương Trinh.
Còn với Thúy Vi, một công việc mới với bộ môn triathlon đã giúp chị có thêm những trải nghiệm hoàn toàn khác.
“Nắm đầu” doanh nhân dạy bơi
Mới đây, Phạm Thúy Vi trở lại TP.HCM sau thời gian dài theo chồng đến Singapore. Dự định ban đầu của chị là sống tại quê nhà đến sau giải IRONMAN 70.3 Vietnam 2020 (dự kiến tổ chức vào tháng 5, nhưng đã bị lùi đến tháng 9 vì COVID-19).
Về Sài Gòn, Thúy Vi có thêm công việc mới là huấn luyện cho những người đang luyện 3 môn phối hợp. Công việc đầu tiên là huấn luyện những doanh nhân ở công ty VNG, nơi được coi là “lò người sắt” trong cộng đồng “tri Việt Nam” khi khá đông từ lãnh đạo đến nhân viên của công ty này đang luyện để trở thành Người Sắt.
“Hiện tại, tôi đang làm HLV cho công ty VNG ở quận 7, vừa kết hợp dạy trực tiếp lẫn dạy trực tuyến. Năm nay, Ironman ở Đà Nẵng bị lùi lại nên chúng tôi càng có thêm thời gian để tập luyện. Nghỉ bơi 2 tháng rồi nên cũng có bất lợi và phải cần 1 tháng để mọi thứ trở lại guồng.
Huấn luyện bơi cho những bạn ở VNG rất thích bởi họ là dân công nghệ, rất thông minh nên hiểu vấn đề nhanh. Từ doanh nhân, nhân viên cao cấp đến cả những bạn mới… họ quá nhanh nhạy rồi nên khi chỉ ra logic là họ tiếp nhận ngay.
Việc dạy bơi cho trẻ em ở Singapore với huấn luyện các doanh nhân chơi triathlon ở Việt Nam rất khác. Trẻ con có thể chúng không thắc mắc nhiều, nhưng với những người lớn thông minh thế này, họ luôn muốn biết tường tận tại sao vấn đề lại như thế. Ở Việt Nam, HLV hay bị cái dở là chỉ cách nhưng không chứng minh nguyên nhân…” - Thúy Vi cho biết.
Và khi… chấn thương hỏi thăm khá thường xuyên
Thi đấu thể thao thì chấn thương là chuyện không tránh khỏi. Nhưng với Thúy Vi thì dường như đó là lại cái “nghiệp quật”. Tháng 4/2018, khi luyện cho IRONMAN 70.3 Vietnam năm đó, chị bị tai nạn xe đạp và cú tông xe vào đít xe tải năm đó đã khiến Thúy Vi phải nghỉ dưỡng thương tới nửa năm. Loanh quanh với chấn thương trong thời gian dài khiến phong độ giảm sút, nhưng cũng là cú hích để Thúy Vi trở lại mạnh mẽ hơn.
Tháng 5/2019, Thúy Vi trở lại Đà Nẵng và về đích đầu tiên trong số những nữ VĐV Việt Nam tại IRONMAN 70.3 Vietnam 2019 với thành tích 5 giờ 33 phút. Chị giành vé đến Pháp dự Giải VĐTG và cũng hoàn thành ấn tượng.
Mới đây nhất, chấn thương đến với Thúy Vi cũng hết sức… lãng nhách. Tham dự cuộc đua IRONMAN mini do CLB triathlon của công ty VNG cuối tuần qua (thời điểm đáng lẽ IRONMAN 70.3 Vietnam 2020 diễn ra tại Đà Nẵng nếu không bị hoãn vì COVID-19), Thúy Vi cũng lại gặp sự cố.
“Năm nay hoãn IRONMAN, VNG tổ chức đấu tập cự ly Olympic nên tôi cũng tham gia. Đạp xe vừa hết cự ly thì… bùm: té gãy ngón tay luôn. Lần này tôi quyết định mổ luôn chứ không để như lần năm 2018, chỉ bó thôi nên lâu khỏi. Thế là lại mất tầm 6 tuần ngồi chơi vì chấn thương này đấy” - Thúy Vi cho biết.
Dự định trở lại Singapore sau tháng 5 của Phạm Thúy Vi hiện lại dang dở vì không chỉ giải bị hoãn mà còn vì chấn thương “trên trời rơi xuống” nữa. Có lẽ quê hương đã “ưu ái” mà níu chân chị ở lại thêm chăng?