Kinh nghiệm để thi đấu IRONMAN 70.3 Vietnam thành công
Tú Hoàng là một trong số ít VĐV người Việt đã hoàn thành IRONMAN 70.3 Vietnam 2015 ở nội dung cá nhân. Năm nay, anh sẽ trở lại tiếp tục chinh phục thử thách môn thể thao mạo hiểm này. Những thông tin bổ ích được chia sẻ dưới đây của Tú Hoàng, một người sinh ra và lớn lên ngay tại thành phố Đà Nẵng sẽ giúp các bạn, những người chuẩn bị thi đấu hay sẽ thử sức trong những năm tiếp theo bớt đi sự bỡ ngỡ và thêm sự tự tin. Bài viết được dành riêng cho độc giả webthethao.vn
1. TRƯỚC NGÀY THI ĐẤU
Lên danh sách
Việc đầu tiên của bất kì sự chuẩn bị cho một cuộc thi nào là lên danh sách các món đồ cần mang theo (checklist). Xin khẳng định với các bạn là thi ba môn phối hợp đòi hỏi rất nhiều đồ lỉnh kỉnh và có tính chất ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành chặng đua. Do vậy, bạn cần tham khảo những danh sách các đồ dùng cần thiết. Đồng thời, bạn nên ghi ra những thứ mà riêng cá nhân mỗi người sẽ cần thêm.
Làm quen với đường đua.
Đường đua bao gồm những yếu tố mà thông thường bạn khó có thể trải qua đầy đủ ở địa điểm mà bạn thường hay tập luyện. Đó là mặt đường, nhiệt độ, hướng gió, thủy triều. Do vậy, bạn nên đến địa điểm thi đấu trước một hay thậm chí nhiều ngày để làm quen, thích nghi với điều kiện "sân bãi" tốt nhất nếu có thể.
Ăn, uống, nghỉ ngơi
Chắc hẳn không ai trong chúng ta mong muốn phải bỏ lỡ cuộc thi vì những lí do về sức khỏe. Dù bạn tập luyện với cường độ nặng nhẹ như thế nào thì hãy chuẩn bị ăn uống và nghỉ ngơi tốt nhất. Giảm khối lượng các bài tập. Uống đủ nước mỗi ngày. Tránh ăn các món ăn quá lạ để khỏi ảnh hưởng đến hệ tiêu quá. Cố gắng đi ngủ sớm và dậy sớm hơn thường lệ một chút để cơ thể thích nghi với nhịp sinh học mới.
Nắm vững luật chơi
Đừng chết vì thiếu hiểu biết bằng cách trang bị những kiến thức về luật và điều lệ đã được ban tổ chức thông báo bằng văn bản. BTC sẽ có những buổi họp báo công bố rộng rãi đến tất cả các VĐV vào buổi chiều trước ngày thi. Trong trường hợp bạn không tham gia được hoặc chưa hiểu rõ, hãy hỏi những người đồng hành để mọi sự chuẩn bị đều hoàn hảo.
2. TRONG NGÀY THI ĐẤU
A. PHẦN THI BƠI
Là phần thi mà đa phần các VĐV Việt Nam lo lắng vì những kinh nghiệm xử lí khi bơi ở biển là chưa nhiều. Đây là một số kinh nghiệm của tôi:
- Cần đến sớm để chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng trước khi bắt đầu.
- Khởi động kĩ để cơ thể được làm nóng. Thậm chí, bạn có thể lao xuống biển để làm quen với nhiệt độ nước và kiểm tra xem kính có bị vào nước hay không.
- Chụp hình và động viên lẫn nhau trước khi xuất phát.
- Khi xuống nước, bạn cứ đi bộ cho đến khi nước ngang hông. Không cần phải chạy và làm động tác "dolphin kick" như các VĐV chuyên nghiệp.
- Bắt đầu các động tác đầu tiên chậm rãi, thong thả và chắc chắn để định hướng và làm quen với sóng nước.
- Có hai cách quan sát để định hướng: Theo dây hoặc theo bong bóng của người bơi phía trước. Như tôi, cứ sau 10 sải tay là ngoi đầu lên, nhìn phao vàng để quan sát.
- Trong trường hợp có vấn đề, hãy vịn dây để trấn tĩnh sau đó tiếp tục bơi với vận tốc mà bạn vẫn hay tập luyện.
- Khi gặp các loài cá hay sứa bơi dưới biển thì hãy bình tĩnh vì chúng sẽ chẳng ăn thịt bạn đâu mà sợ.
- Hãy tự trấn an mình rằng bạn có một đội tuần tra trong phần bơi luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn nên bạn cứ bơi như đang bơi ở trong...hồ vậy.
Vậy là xong phần bơi.
B. PHẦN ĐẠP XE
Sau khi thấy chân đã chạm nền cát thì có thể nói đa phần chúng ta sẽ nhẹ nhàng đi rất nhiều. Tôi cũng vậy. Do đó, bạn cứ thong thả lên bờ, thay quần áo, mang tất nếu cần thiết để đến với phần đạp xe. Kinh nghiệm của tôi như sau:
- Luôn luôn phải đội mũ bảo hiểm và mang giày vì nếu mà quên là xem như xong.
- Dắt xe đạp ra khỏi khu vực chuyển tiếp. Sẽ có một bảng thông báo và người của ban tổ chức bố trí để ra hiệu cho bạn được phép bắt đầu lên xe và đạp.
- Đến lúc này đây bạn sẽ thấy nếu bạn đọc và nắm rõ luật thi đấu thì bạn sẽ hiểu các khái niệm núp gió, khóa đuôi, không xả rác. Bạn sẽ tránh bị thẻ phạt cho các lỗi trên.
- Nắm vững lộ trình đạp xe, nhất là các phân đoạn với hướng gió đã được webthethao.vn làm rõ. Điều này sẽ giúp bạn phân phối sức lực hợp lí.
- Khi lên xuống cầu, nhất là cầu Thuận Phước, cần sử dụng tay ở ghi đông drop bar. Đừng cầm tư thế aero vì các mố cầu và gió khá lớn khi lên cầu.
- Luôn tiếp nước ở các điểm tiếp nước vì thời tiết có thể sẽ nắng gắt.
- Mang theo các đồ thay thế như săm lốp và các vật dụng để thay lốp trong trường hợp có các sự cố như thủng săm cần phải thay thế.
C. PHẦN CHẠY
Khi bạn cất được xe vào giá thì xin chúc mừng. Bạn đã gần như hoàn thành đến 90%. 10% còn lại, tôi cho đó là các yếu tố tinh thần để chống chịu với cái nóng và vực dậy cơ thể đã rất mệt mỏi sau khi đã hoạt động liên tục lên đến 4 giờ đồng hồ.
- Đầu tiên, bạn hãy xác định thời gian còn lại của toàn bộ cuộc thi để xem mình còn bao nhiêu. Từ đó phân bổ thời gian cho từng mốc cây số như mỗi chặng nhỏ 5 km chẳng hạn.
- Luôn luôn tiếp nước ở các trạm. Khi rời khỏi trạm, bạn hãy cầm theo một chai nước và bọt biển để làm mát cơ thể, nếu cần thiết.
- Hãy cứ đi bộ hoặc thậm chí dừng hẳn để nghỉ ngơi. Một số đoạn đường có các bóng râm, bạn hãy tận dụng chúng.
- Luôn luôn chạy qua các check point để được ghi nhận thời gian. Các check point luôn đặt trên đường nhựa. Do vậy, bạn hạn chế chạy trên vỉa hè.
- Khi đến cổng khách sạn Hyatt, hãy nhớ là bạn còn 200 mét nữa để dẫn ra vạch đích cuối cùng được đặt trên bãi biển. Vinh quang sau bao ngày tập luyện gian khó đã rất gần lắm rồi. Bạn hãy hít một hơi dài chuẩn bị để có một tư thế về đích hoành tráng để nhận "trái ngọt" mà bạn rất xứng đáng được hưởng khi đã hoàn thành.
Phần còn lại là lịch sử.
Chúc bạn may mắn và hẹn gặp ở thành phố Đà Nẵng.