3 năm, SLNA mất 3 đội trưởng: Sức mạnh của đồng tiền
Chuyện về những biểu tượng
Nếu nói về thương hiệu và giá trị chuyển nhượng, Nguyễn Huy Hoàng mới là cao nhất. Thời đỉnh cao, trung vệ này được nhiều đội bóng chào mời với lót tay và đãi ngộ trong mơ. Lý do là bên cạnh chuyên môn, Huy Hoàng còn có cái uy ở “phòng thay đồ”.
Thế nhưng, hết lần này qua lần khác, Huy Hoàng đều từ chối để “sống chết” với quê hương. Huy Hoàng trở thành tấm gương sáng về sự hy sinh và dễ hiểu vì sao, người ta luôn muốn xây dựng trung vệ này thành tượng đài của bóng đá xứ Nghệ. Kể cả khi Huy Hoàng dính phải câu chuyện đáng tiếc ở Thanh Hoá và sự nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, người ta vẫn nhắc về anh như một hình mẫu của lòng chung thuỷ.
Trước đó, HLV Vũ Quang Bảo cũng từng là đội trưởng của SLNA 8 năm. Chỉ đến khi giải nghệ, ông Bảo mới chia tay đội bóng vì lúc ấy, “lò” đào tạo trẻ chưa có, ông đành vác ba lô về quê trồng lúa mưu sinh. Sau này, khi nhắc đến lịch sử của đội bóng xứ Nghệ, người ta vẫn nói đến Vũ Quang Bảo như một phần không thể thiếu.
HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng có hơn chục năm là thủ quân của đội bóng xứ Nghệ, rồi chuyển sang nghiệp cầm quân. Thậm chí, vì đội bóng, Hữu Thắng còn chấp nhận hy sinh nhiều thứ khó nói. Chuyển sang nghiệp HLV, ông thầy này cũng chỉ muốn trọn sự nghiệp cho SLNA, dù sau khi từ chức ông được rất nhiều đội bóng chào mời với thu nhập “khủng”.
Tiền bạc hơn ý chí
Riêng câu chuyện của Trọng Hoàng, Công Vinh và Quang Tình lại khác. Tất nhiên, không ai trách được họ, vì sự nghiệp cầu thủ ngắn ngủi, vì cơm áo phải nghĩ cho gia đình. Nhưng vấn đề ở đây là sức mạnh ghê gớm của đồng tiền.
Với Quang Tình, đội bóng xứ Nghệ không phải là không cầu thị, khi đã tiếp cận, đàm phán từ lúc mùa giải 2015 chưa kết thúc. Giá lót tay 1,6 tỷ đồng/mùa, kèm mức lương 40 triệu đồng/tháng mà SLNA đưa ra cho Quang Tình đã là nỗ lực lớn. Cái khó của đội bóng xứ Nghệ là không thể ký được 3 năm như nguyện vọng của Quang Tình.
Công Vinh hay Trọng Hoàng trước đây cũng vậy, SLNA nhiệt tình giữ chân và quyền lợi đưa ra cũng tương đối. Nhưng rồi, cả hai đều ra đi, để lại sân Vinh những nỗi buồn. Buồn vì bản sắc, niềm tự hào bóng đá quê hương không đủ sức để níu giữ những cái tên mà họ xác định xây dựng thành tượng đài.
Cầu thủ bây giờ thực dụng và đó là lý do, SLNA không có những biểu tượng kiểu như Hữu Thắng trước đây. Tất nhiên, sẽ là khập khiễng khi so sánh cầu thủ ở những thế hệ khác nhau nhưng vẫn còn đó Huy Hoàng để ta nhận ra, đâu là giá trị của thủ lĩnh, của biểu tượng. Trong sự nghiệp của mình, Huy Hoàng đã từng lắc đầu với số tiền lót tay 7 tỷ đồng để ở lại đội bóng quê hương, khi quyền lợi chỉ bằng 1/4 như vậy.
SLNA đang thiếu một người dám hy sinh tất cả và dễ hiểu vì sao, họ “rào trước” bằng việc ký hợp đồng kỷ lục với Nguyên Mạnh, dù thủ môn này chưa hết hạn hợp đồng.
Huy Hoàng là sự khác biệt
GĐĐH Hồ Văn Chiêm cho biết: “Trong lịch sử, SLNA chỉ ghi nhận Huy Hoàng, người dám hy sinh quyền lợi để ở lại đội bóng quê hương. Bỏ qua những chào mời của rất nhiều CLB, Huy Hoàng ở lại SLNA với giá chỉ hơn 1 tỷ đồng/2 mùa. Đó là hy sinh lớn và từ trước đến nay ở đội bóng xứ Nghệ, duy nhất Huy Hoàng làm được điều đó”.