Chủ tịch VPF trăn trở: "Làm thế nào để niềm tin với trọng tài tăng lên?"
Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), tiếp tục khẳng định công tác trọng tài là vấn đề được đặt lên hàng đầu ở V.League mùa giải 2018.
>>> Vì sao lịch thi đấu V.League 2018 chưa được VPF công bố?
>>> Chủ tịch VPF kiêm nhiệm thêm chức danh Tổng giám đốc VPF
Đặt chân vào VPF và trở thành người lãnh đạo cao nhất, bầu Tú đang nỗ lực để đi những bước tiến dài và nhanh để nâng tầm Giải bóng đá VĐQG của Việt Nam. Trong đó, một trong những vấn đề ông nhấn mạnh ở mùa giải 2018 là nâng cao niềm tin của người hâm mộ với đội ngũ trọng tài.
* PV: V.League 2018 chỉ còn một tuần nữa là khởi tranh, vấn đề trọng tài được đặt ở vị trí nào trong những vấn đề trọng tâm cần cải thiện của VPF thưa ông?
Chủ tịch Trần Anh Tú: Chúng ta thường nói trọng tài là cha, là mẹ hay "vua sân cỏ". Nói vậy là thấy rõ vai trò của trọng tài. Công tác trọng tài luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu đối với BTC giải.
Trong những năm vừa qua, trọng tài vẫn còn mắc khá nhiều sai sót. Tất nhiên, tôi nghĩ sai sót là tất yếu của trọng tài. Tuy nhiên, mức độ sai sót là khá nhiều và đặc biệt, điều chúng ta quan tâm nhất là lòng tin đối với công tác trọng tài rất thấp, NHM rất thiếu lòng tin với công tác trọng tài.
* Vậy ông sẽ làm gì để cải thiện niềm tin của người hâm mộ?
Thật sự đây là một công việc vô cùng khó khăn, vấn đề này phụ thuộc vào con người. Trọng tài thường xuyên có sự sai sót nhưng tôi muốn nói rằng để lấy được lòng tin phải xuất phát từ cái tâm. Cái tâm của người lãnh đạo như chúng tôi, cái tâm của người làm là trọng tài. Khi chúng ta thực sự vô tư trong mọi tình huống thì tôi nghĩ rằng dần dần người hâm mộ sẽ hiểu trọng tài, hiểu đấy là sai sót của một con người bình thường.
Chúng ta thấy ở nước ngoài sai sót của trọng tài không bị đào bới, không bị gây áp lực trong khi ở Việt Nam lại khác. Vấn đề là lòng tin. Chúng tôi sẽ quyết tâm lấy lại lòng tin của NHM thông qua công tác trọng tài. Cố gắng giảm sai sót, hoặc giúp cho mọi quyết định xử lý thật vô tư không bị áp lực nào cả thì sau 1 năm, 2 năm, 3 năm, dần dần công tác trọng tài sẽ lấy lại được niềm tin từ NHM và thật sự giúp cho các giải VĐQG tốt hơn.
* Quan điểm cho rằng, chế độ đãi ngộ dành cho trọng tài là một phần nguyên nhân khiến một số vị vua áo đen chưa công tâm và bị xao nhãng. VPF có chính sách nào để các trọng tài cảm thấy an tâm sống với nghề?
Năm nay, chúng tôi vẫn giữ nguyên chế độ dành cho trọng tài như trước. Tại sao lại như vậy?
Thứ nhất, tôi mới tiếp quản VPF, việc kêu gọi tài trợ chúng tôi cố gắng phấn đấu là bằng với năm 2017 hoặc hơn một chút. Tuy nhiên, với mức độ tài chính như vậy thì khó có thể tăng chế độ cho các trọng tài nhưng chế độ dành cho họ hiện tại là không thấp.
Chúng tôi sẽ có cơ chế khen thưởng trọng tài để khuyến khích họ. Đồng thời, họ cũng có danh dự nghề nghiệp của mình, khi họ được thưởng như vậy cũng cảm thấy mình đã làm tốt và được hưởng thành quả. Tôi nghĩ rằng các trọng tài khác sẽ nhìn vào đấy để phấn đấu và có được phần thưởng từ VPF, từ BTC. Đấy là cái chúng tôi nghĩ đến và sẽ hay hơn là chỉ nhăm nhăm nâng chế độ của họ lên.
* Các thành viên trong Ban trọng tài có tự nhận họ gặp khó khăn gì trong quá trình làm việc không thưa ông?
Chúng tôi là đồng nghiệp, thường xuyên gặp gỡ và trao đổi trong công việc. Điều đầu tiên mà các thành viên Ban trọng tài luôn nói với tôi đó là vấn đề phân công trọng tài phải có sự công minh, để cho các trọng tài cảm thấy không bị sức ép và đảm bảo cho yếu tố minh bạch.
Thứ hai, công tác đào tạo và bồi dưỡng trọng tài cho Giải VĐQG chưa mạnh nên lực lượng trọng tài của chúng ta vẫn còn yếu. Ban trọng tài cũng phải đưa một số trọng tài từ giải Hạng nhất lên phục vụ mùa giải mới. Điều đó cũng là một sự lo ngại. Tuy nhiên, chúng ta phải làm như vậy để các trọng tài trẻ có cơ hội phát triển.
Bản thân tôi cũng là thành viên trong Ban thường trực VFF. Tiếng nói của tôi có sức nặng hơn, thuyết phục hơn, chắc chắn các vấn đề phối hợp giữa VPF với Ban trọng tài, Ban kỷ luật sẽ tốt hơn và hiệu quả hơn trước.
* Vấn đề lòng tin như ông nói chắc chắn chưa thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều. Điều đó có nghĩa VPF vẫn sẽ tính đến phương án mời các trọng tài ngoại điều khiển những trận đấu then chốt?
Bản thân tôi vẫn muốn sử dụng trọng tài người Việt Nam. Trọng tài Việt Nam hoàn toàn không kém. Chúng ta thấy rằng nếu NHM đã có niềm tin với trọng tài nội rồi thì cần gì lăn tăn về chuyện thuê trọng tài ngoại. Tuy nhiên, cần có thời gian để lấy niềm tin.
Những trận đấu có nhiều yếu tố nặng về tâm lý có thể chúng tôi vẫn sẽ thuê trọng tài ngoại. Trong trận đấu giữa Than Quảng Ninh và Hà Nội FC ở mùa trước, trọng tài người Singapore mắc khá nhiều sai sót nhưng rõ ràng áp lực dành cho trọng tài gần như không có nhưng nếu đó là của trọng tài Việt Nam thì kết quả chắc chắn sẽ rất khác. Chúng ta sẽ gặp vấn đề là "vì trọng tài ấy Quảng Nam mới vô địch". Tùy trường hợp cụ thể chúng tôi vẫn phải thuê trọng tài nước ngoài.
Bầu Tú đang kiêm nhiệm rất nhiều chức vụ lớn
Ở mùa giải 2018, VPF sẽ không thành lập Ban tổ chức giải mà lập Ban điều hành trong đó bầu Tú là Trưởng ban. Đây là thay đổi lớn so với những mùa giải trước đây. Với chức vụ này, bầu Tú sẽ kiêm nhiệm ít nhất 5 chức vụ là Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TPHCM (HFF), Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HĐQT VPF, Trưởng ban điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
"Ở VPF tôi là người phát ngôn. Quan điểm của tôi là tất cả thông tin đều được đến với các cơ quan báo chí, truyền thông một cách rõ ràng, minh bạch hơn. Đó là quan điểm của tôi và những phát ngôn của tôi chính là những phát ngôn chính thức. Tất nhiên, phát ngôn vẫn nằm trong quy định của điều lệ VFF. Nhưng trong mùa giải này, tất cả những thông tin tôi gửi đến truyền thông mong rằng sẽ giúp ích cho họ và cả CĐV", bầu Tú chia sẻ.