Cựu tuyển thủ Phạm Văn Quyến: Sợi dây
Tôi nghĩ thể thao hay bóng đá nói riêng cũng không khác việc kinh doanh của các Ngân hàng, bất động sản… là mấy, vì ở đó vẫn là những con người đó lãnh đạo, điều hành. Có thể Ngân hàng A đang sắp phá sản nhưng họ lại nhận được sự cứu trợ từ Ngân hàng B, vì lãnh đạo của 2 bên chơi với nhau và có tình cảm, mối liên hệ. Trong bóng đá cũng vậy, một đội bóng A đang “hấp hối”, còn đội B thừa “sức sống”, đội A và B lại có quan hệ với nhau (bao gồm cả lãnh đạo, BHL và cầu thủ), chắc chắn họ cũng không tiếc gì điểm số để “bơm oxy” cho nhau. Tài chính rất quan trọng nhưng đôi khi nó không thể quyết định được mọi việc. Trong khi đó, tình cảm lại có thể làm những điều không thể.
Cứ nhìn vào con người của HA.GL và SLNA các bạn sẽ biết. Họ đều là những cầu thủ trẻ, có người cùng quê, có người chơi với nhau từ nhỏ, rồi khi lên Tuyển họ sinh hoạt, ăn ở với nhau cả tháng trời. Không thân và chơi với nhau mới là chuyện lạ.
Cũng từ những câu chuyện na ná như trên nên trong làng bóng Việt Nam không thiếu những “câu chuyện tình cảm” trong giới cầu thủ. Họ có thể bỏ qua lợi ích của đội bóng để cứu bạn, bởi chỉ cần thiếu tập trung hoặc nhẹ nhàng trong những tình huống “tắc” bóng, đọc tình huống, cục diện trận đấu đã đi theo hướng hoàn toàn khác.
Hôm nay, đến lượt Hà Nội.T&T lên Pleiku, họ cũng như SLNA và nếu đá “thẳng chân” chắc chắn HA.GL không có cửa để chơi bóng. Nhưng tình cảm, tình thương và sự chia sẻ với đồng nghiệp có thể sẽ khiến trận đấu kết thúc với kịch bản bất ngờ nhất.
Một phần của bóng đá, bởi có những chuyện, những vấn đề chỉ bóng đá mới hiểu và giải thích kiểu gì cũng khó…
PHẠM VĂN QUYẾN