Kế hoạch sang Đức học hỏi của VPF: Du học hay du lịch?
Bóng đá Việt Nam đang bị dư luận đặt dấu hỏi lớn về mục đích và cách làm, với chuyện VPF đề xuất kế hoạch “du học” ở nước Đức.
Mới đây, VPF đã trình bản kế hoạch đi "du học" dự kiến kéo dài 9-10 ngày trong tháng 10 tại Đức (và 1 nước gần Đức), với sự góp mặt của khoảng 30 thành viên (6 người VFF, VPF; 24 người là Chủ tịch hoặc Giám đốc điều hành các CLB chuyên nghiệp).
Một nền bóng đá yếu kém muốn phát triển thì phải học hỏi các nền bóng đá hàng đầu thế giới là điều hết sức cần thiết. Thế nên VPF muốn "du học" ở Đức có thể là bước ngoặt giúp những người làm bóng đá Việt Nam thay đổi tư duy. Nhưng “du học” để làm gì? Câu hỏi ấy không hề đơn giản với VPF và những người đứng đầu bóng đá Việt Nam.
Với 10 ngày “du học” ở trời Âu, con số dự tính phải mất nhiều tỷ đồng cho cả phái đoàn quan chức của BĐVN cùng đại diện các CLB. Tốn một số tiền lớn như thế nhưng người ta lo ngại họ chỉ sang “cưỡi người xem hoa” theo kiểu... đi du lịch.
Còn nhớ cuối năm ngoái, VPF tổ chức 5 ngày đi Hàn Quốc để “du học”. Có một vị khách đặc biệt là GĐĐH CLB Đồng Nai ông Nguyễn Văn Long. Sở dĩ ông Long được gọi đặc biệt là ông đi “du học” trong bối cảnh đội bóng đang thoi thóp mà chính ông cũng chẳng biết Đồng Nai sẽ nghỉ hay chơi tiếp.
Trong bối cảnh đội bóng bị xuống hạng và “sống chết” chưa rõ thì ông Long đi “du học” cùng VPF bên Hàn Quốc, nó giống như một bức tranh thu nhỏ về chuyện "du học" kiểu bóng đá Việt Nam đầy phản cảm đối với người hâm mộ. Thậm chí, nó gây ức chế với nhiều cầu thủ Đồng Nai, bởi họ bị nợ lương mấy tháng trời còn ông GĐĐH đi “du học” tốn tiền mà chẳng biết để làm gì.
Thực tế, chuyện bi hài đã xảy ra khi ông Long đi “du học” về nước và chẳng có cơ hội để áp dụng những gì đã "học" từ Hàn Quốc. Lý do là vị GĐĐH này không còn làm việc với CLB Đồng Nai, đội bóng này được trả về Sở VH-TT & DL tỉnh Đồng Nai để chơi giải hạng Nhất.
Câu chuyện ông Long đi “du học” chỉ là ví dụ điển hình để nói lên sự bất cập và gây phản cảm với người hâm mộ. Khi điều mà nhiều người đang thấy V.League 2016 vẫn không khá hơn so với những mùa bóng trước, vẫn còn đầy rẫy những tiếng than trách, xuất phát từ chuyên môn yếu kém của trọng tài theo kiểu hệ thống.
Với nhiều tỷ đồng trong chuyến du học nước Đức, VPF dành điều ấy cho chuyện nâng tầm chuyên môn trọng tài có lẽ hợp lý và đúng đắn hơn. Đó mới là điều cấp bách cần thay đổi ngay cho bóng đá Việt Nam sau nhiều năm “sống chung với lũ”.
Dẫu vậy, VPF và các CLB có nhiều tiền để đi du học vẫn đáng hoan nghênh và cần ủng hộ. Nhưng đừng nên có thêm những suất đi “du học” như kiểu ông GĐĐH CLB Đồng Nai hồi cuối năm ngoái.