Gaston Merlo: “Không hiểu nổi, sao BĐVN lại không phát triển?”
- Thể thao 24h: Cảm giác của anh như thế nào sau 2 năm quay trở lại với BĐVN?
Gaston Merlo: Vui và hạnh phúc. Đó là cảm giác của bất kỳ ai khi lại làm việc tại một nơi đã cho mình tất cả. Tôi cũng không phải ngoại lệ, với đội bóng và mảnh đất này.
- Đã có nhiều lời mời hấp dẫn từ các CLB của Thái Lan nhưng anh lại chọn SHB.Đà Nẵng. Đâu là lý do?
Tôi từng đá ở đây 4 năm và những gì thuộc về CLB rất thân thương, không thể nào quên được. Đà Nẵng như gia đình thứ hai của tôi vậy. Mọi thứ ở đây điều rất tuyệt. Cuộc sống, môi trường sống đều lý tưởng. Hơn nữa, tôi cũng đã hiểu SHB.Đà Nẵng và họ cũng hiểu tôi. Có thể thu nhập ở đây thấp hơn nhưng quan trọng là cuộc sống phù hợp với bản thân cũng như gia đình tôi.
- Sau khi chia tay SHB.Đà Nẵng, bài toán nan giải với HLV Huỳnh Đức là tìm người thay thế Merlo. Cứ lần lượt ngoại binh đến rồi đi, chưa có ai trụ qua mùa thứ hai khiến NHM nơi đây càng nhớ anh. Nó đặc biệt chứ?
Tất nhiên là rất vui rồi. Trong quãng thời gian đó, rất nhiều NHM đã gửi mail, facebook thăm hỏi và cứ luôn vặn hỏi khi nào tôi trở lại. Đối với một cầu thủ thì đó là cả sự hãnh diện lẫn tự hào.
- Trở lại và ghi bàn đều đặn để giúp đội giành kết quả khả quan. Theo anh, đâu là nguyên nhân giúp anh vẫn duy trì phong độ như thời gian đầu thi đấu ở V.League?
Đó là tính chuyên nghiệp. Mỗi năm tôi đều tự đặt mục tiêu cao hơn cho mình đến khi kết thúc sự nghiệp mới thôi. Ra sân tôi chỉ biết cố gắng hết mình và phải đặt quyết tâm ghi bàn để giúp đội nhà giành thắng lợi. Năm ngoái, khi biết tin SHB.Đà Nẵng có thứ hạng thấp, tôi rất buồn. Đó là CLB của tôi và vì thế, nó tiếp thêm động lực để tôi nỗ lực giúp đội bóng đạt thứ hạng cao.
- Mục tiêu của anh ở mùa giải này là gì?
Cố gắng làm sao ghi được càng nhiều bàn càng tốt. Tôi chỉ quan tâm đến thành tích của đội bóng. Thú thật, mục tiêu Top 3 sẽ khó khăn đấy nhưng không gì là không thể.
“BĐVN vẫn dậm chân tại chỗ”
- Hai năm qua, anh có theo dõi tình hình của BĐVN?
Tất nhiên rồi. Mỗi tuần tôi đều lên mạng, liên hệ với bạn bè qua facebook, e-mail. Tôi nhận thấy BĐ VN vẫn vậy, không đi lên mà cũng không đi xuống. BĐVN chỉ mới khoác chiếc áo chuyên nghiệp chứ chưa chuyên nghiệp thực sự. Tôi chỉ đá ở hạng Ba Argentina nhưng thấy chuyên nghiệp hơn bóng đá đỉnh cao của Việt Nam. Chế độ ăn ở, sân bãi đều rất tốt, có nhiều chiến thuật trong một trận đấu. Cầu thủ không đá chặt chém mà họ cố gắng chuyền, phối hợp, lấy bóng đá làm niềm vui. Chỉ có duy nhất một điều, giải hạng Ba ở đó không có nhiều tiền như V.League. Có rất nhiều cầu thủ hay ở đó nhưng thu nhập của họ không cao. Tuy nhiên, họ rất có ý thức và tính chuyên nghiệp cao.
- Trong câu trả lời của anh hàm chứa muốn nói đến ở V.League đá chặt chém. Anh nghĩ gì về nạn bạo lực?
Các cầu thủ ở VN thiếu tính chuyên nghiệp. Họ cần được giáo dục lại suy nghĩ từ nhỏ. Tại tôi cũng làm việc chuyên nghiệp, bạn cũng làm việc chuyên nghiệp. Tôi đi làm việc để nuôi gia đình. Thế nên nếu bạn đã gãy chân tôi thì ai nuôi gia đình tôi đây. Điển hình như chấn thương của Anh Khoa, nó rất kinh hoàng. Tôi nghĩ cần phải thay đổi suy nghĩ ngay lúc này.
- Để tăng tính chuyên nghiệp, theo anh mỗi cá thể trong BĐVN cần làm gì?
Mỗi cá nhân phải cùng nhau thay đổi, từ ngày ngày qua ngày nọ, từ ít lên nhiều. Từ lãnh đạo nền bóng đá, CLB, trọng tài, cầu thủ cho đến khán giả… cần ý thức hơn về sự chuyên nghiệp. Các điều kiện về sân bãi, trang phục thi đấu… cần phải được cải thiện. Và tất cả phải cùng hướng về một phía. Có như thế, BĐVN mới khá, mới phát triển được.
- Thế anh có nghĩ BĐVN có nhiều tiềm năng để có thể phát triển và thay đổi được?
Tôi luôn nghĩ vậy nhưng không hiểu tại sao BĐVN lại không phát triển được. Đó không phải là câu hỏi dành cho tôi mà dành cho Chủ tịch VFF cũng như những người đứng đầu CLB.
"Số 27 đã làm nên tên tuổi của tôi trong 4 năm ở SHB.ĐN. Tuy nhiên, tôi cũng dính nhiều chấn thương khi khoác lên số áo này. Đó là sự không may mắn. Thế nên tôi quyết định chọn số 19 là ngày mà tôi cưới vợ và hy vọng nó sẽ đem đến may mắn”.
Sau khi trở về Argentina từ chấn thương gặp phải vào năm 2014, Gaston Merlo đã trải qua cuộc sống êm đềm tại quê nhà. Trong 5-6 tháng đầu tiên, tiền đạo 31 tuổi này chỉ chú tâm đến hồi phục tâm lý và chấn thương. Mỗi buổi sáng, anh thường đưa con đi học, chiều tập thể lực 1 tiếng. Tại thành phố nhỏ bé chỉ gồm 60.000 dân, dịch vụ vui chơi còn hạn chế nên sở thích của tiền đạo này là ở nhà cùng gia đình và tụ tập bạn bè. Sau quãng thời gian đó, chấn thương bình phục trở lại và Merlo đầu quân cho Ferro Carril Oeste.