Giới trọng tài nói gì về “quan hệ nhóm của trọng tài”?
Nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh phát biểu của HLV Huỳnh Đức rằng “trọng tài Việt Nam có những mối quan hệ nhóm”.
Ở trận đấu mà SHB Đà Nẵng thua Quảng Nam 0-2, bức xúc với hai chiếc thẻ đỏ mà các học trò nhận lấy, HLV Huỳnh Đức phát biểu rằng: “Tôi biết, trọng tài ở đây có những mối quan hệ thành nhóm. Trong nghề lâu năm tôi biết, họ có một cái nhóm làm việc với nhau. Nhưng thôi, đó là chuyện ngoài lề. Tuy nhiên, họ có những tình cảm khó nói. Làm công tác trọng tài mà thành nhóm thì không thể làm được. Tôi muốn trọng tài phải công tâm”.
Trước phát biểu đó, cựu Còi vàng Dương Mạnh Hùng nêu quan điểm: “Chuyện này là có còn cụ thể như thế nào thì tôi chưa chắc chắn. Tuy nhiên, từ trước đến nay, những nhóm trọng tài để quan hệ với đội bóng là có. Trong các nhóm trọng tài có những người tạm gọi là cầm trịch có quan hệ với các đại diện của đội bóng ở mức độ thân thiết.
Những điều này là luật bất thành văn nhưng ảnh hưởng ghê gớm. Đó là sự trung thực của trận đấu bởi nó đâu chỉ là 1 trận mà một mùa giải có rất nhiều trận. Ví dụ, anh quan hệ đội bóng A thì đâu chỉ mình đội bóng A mà đội bóng A đá với đội B rồi sau đó đội B đá đội C còn đội A đá đội D. Sau đó, anh lại phải quan hệ tiếp với đội B hoặc C hay D. Nó là vòng tròn chứ không chỉ 1 hay 2 đội đâu”.
Vị cựu trọng tài này còn nêu quan điểm thêm: “Theo quan điểm của tôi, trong công việc đã là một thực thể độc lập thì nên làm việc độc lập, không quan hệ với bất cứ đội bóng hay đơn vị nào chứ còn ra ngoài xã hội thì không nói.
Trong quy định của trọng tài hay của giải đấu thì trong mùa giải, khi đang làm nhiệm vụ thì cấm các trọng tài có quan hệ, kể cả bình thường với các đội bóng tham gia giải; thứ hai là tránh tất cả các mối quan hệ với trọng tài địa phương để tránh các mối quan hệ mang tính dắt dây.
Còn sau mùa giải thì anh có mối quan hệ với nhau là chuyện bình thường bởi đó là cuộc sống của mỗi người. Chỉ có giám sát trận đấu được quyền đi làm nhiệm vụ với đại diện của đội bóng địa phương còn trọng tài chỉ ăn, nghỉ, tập luyện rồi làm nhiệm vụ ở những ngày đó. Lý thuyết là như vậy còn thực hiện như thế nào là chuyện chỉ có giới trọng tài mới biết”.
Trong khi đó, một giám sát trọng tài hiện đang làm việc ở các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam xin được giấu tên, cho biết: “Nói thế quá lời quá. Làm gì có chuyện lập ra nhóm trọng tài rồi có quan hệ với các đội bóng được. Toàn anh em đồng nghiệp chơi với nhau chứ làm gì có băng nhóm nào. Nói thế là không đúng”.
Vị giám sát này còn cho biết thêm: “Các đội bóng cần tôn trọng anh em trọng tài. Trọng tài nước ngoài cũng sai đó thôi chứ không thể giờ về giai đoạn cuối thì xảy ra nghi kỵ này nọ. Chẳng hạn, tình huống penalty ở trận FLC Thanh Hóa - Hà Nội, may mà trọng tài Nhật thổi chứ nếu trọng tài Việt Nam thổi thì đội bóng phản ứng khỏi về luôn, mặc dù làm đúng đó. Làm sao xóa tan sự nghi kỵ đó cho anh em trọng tài giảm áp lực.
Anh em trọng tài toàn quốc tới chỗ này có bạn ra đón, chỗ kia có bạn trong nghề ra đón. Đó chỉ là mối quan hệ đồng nghiệp còn việc giao lưu với các đội bóng cũng chỉ là quan hệ xã hội, chứ không có chuyện quan hệ tình cảm ở đây”.
Trong khi đó, nguyên Trưởng ban Trọng tài VFF, Dương Vũ Lâm chỉ ngắn gọn: “Tôi không bàn luận về chuyện trọng tài đâu. Tôi cũng mệt mỏi vì chuyện trọng tài rồi”.