Học viện HA.GL Arsenal JMG: Sự sụp đổ của một biểu tượng
Sau 9 năm đầu tư vào Học viện HA.GL Arsenal JMG, bầu đức đã chi ra số tiền gần 50 triệu USD một con số không hề nhỏ. Nhưng đổi lại bầu Đức đã được gì?
9 năm trước, sau cuộc gặp gỡ với lãnh đạo CLB Arsenal, bầu Đức quyết định mở Học viện HA.GL Arsenal JMG. Ngay lập tức, ông phải chi ngay 2 triệu USD cho CLB Arsenal để được gắn tên Arsenal lên Học viện.
Tuy nhiên, theo thông tin từ chính những người làm việc cho bầu Đức, con số đó không phải 2 triệu USD/năm, bầu Đức phải chi ít nhất từ 4 đến 5 triệu USD/năm để thương hiệu Arsenal được song hành cùng Học viện Arsenal HA.GL JMG. 9 năm qua, bầu Đức chi gần 45 triệu USD vào việc gắn thêm thương hiệu Arsenal.
Mang danh là Học viện Arsenal HA.GL JMG, nhưng giáo án huấn luyện là của Học viện JMG toàn cầu, với những người thầy đến từ nước Pháp.
Chưa hết, thời điểm 9 năm trước để có đất xây dựng Học viện, bầu Đức còn gây sốc khi quyết định đốn hạ 5 hecta cao su đang vào tuổi thu hoạch (bình quân 300 triệu/hecta/năm-thời điểm năm 2007) để lấy quỹ đất xây dựng Học viện. Đầu tư thêm hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất.
Để chăm sóc cho những đứa con cưng như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường...mỗi năm bầu Đức phải tốn hàng tỷ đồng cho việc đi lại, tập huấn nước ngoài... cho lứa cầu thủ này. Sau 9 năm, cỗ máy ngốn tiền đã tiêu hết của bầu Đức trên cả 100 tỷ đồng.
Làm một phép tính cộng đơn giản, sau 9 năm đầu tư vào Học viện Arsenal HA.GL JMG, bầu đức đã chi ra số tiền gần 50 triệu USD tương đương 1 ngàn 122 tỷ 500 triệu đồng, một con số không hề nhỏ. Nhưng bầu Đức thu lại được gì từ đứa con tinh thần của tập đoàn HA.GL.
V.League 2016 khi bộ 3 Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường ra nước ngoài thi đấu, HA.GL gần như mất đi tất cả, biểu tượng Học viện... sụp đổ sau 9 năm xây dựng.
Với nhiều người, việc Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường được ra nước ngoài thi đấu là thành công của Học viện HA.GL Arsenal JMG sau gần 8 năm đào tạo. Bầu Đức cũng tự hào không kém, trong ngày ký hợp đồng Công Phượng cho CLB Mito Hollyhock ông đã hứng thú phát biểu rằng:
"Ở Việt Nam có ai làm được như tôi chưa, không chỉ một mà có đến ba cầu thủ của Học viện HA.GL Arsenal JMG CLB được các CLB ở Nhật Bản và Hàn Quốc mời sang thi đấu".
Nhưng rồi sao? Hơn 9 tháng kể từ ngày Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đặt chân sang J.League 2 và K.League, vị trí quen thuộc của cả 3 là trên băng ghế dự bị. Thời gian được ra sân thi đấu chỉ được đếm trên đầu ngón tay.
Đi du học, nếu sinh viên chỉ được học lý thuyết suôn thông qua các buổi tập. Ngược lại không được thực hành và trải nghiệm thực tế thì chữ thầy rồi cũng sẽ trả cho thầy.
Không rõ, bầu Đức cho Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường ra nước ngoài ngồi chơi xơi nước làm gì? Trong khi ở trong nước, HA.GL chật vật với cuộc chiến trụ hạng vì lực lượng vốn đã mỏng nên còn thiếu bởi sự ra đi của bộ 3 kể trên.
Những cái tên còn sót lại của khóa 1, Học viện HA.GL Arsenal JMG như Đông Triều, Văn Sơn, Nguyễn Lam ngày một bị chìm vào quên lãng. Dấu ấn của Học viện ở đội 1 HA.GL không còn nữa. Thay vào đó những cái tên vô danh hiện đang là cứu cánh của bầu Đức ở V.League 2016.
Sau 9 năm đầu tư vào Học viện HA.GL Arsenal JMG, với lứa cầu thủ đầu tiên gồm 16 cái tên xuất sắc nhất được tuyển chọn từ hàng nghìn thí sinh trên cả nước, giờ chỉ còn vài cái tên được gắn mác Học viện. Như tấm bình phong vớt vát chút danh dự cho bầu Đức.