Khi vị trí của những CĐV thích đốt pháo sáng không nằm ở sân bóng

thứ hai 12-3-2018 16:08:08 +07:00 0 bình luận
CĐV đem lại một hình ảnh tích cực cho vòng 1 V.League 2018 nhưng cũng là CĐV, một nhóm nhỏ cá biệt lại tạo nên sự xấu xí với pháo sáng.

CĐV đem lại một hình ảnh tích cực cho vòng 1 V.League 2018 nhưng cũng là CĐV, một nhóm nhỏ cá biệt lại tạo nên sự xấu xí với pháo sáng.

>>> Video: 3 phút "vỡ trận" của BTC sân Hàng Đẫy trước CĐV Hải Phòng

>>> Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bất ngờ có mặt tại Hàng Đẫy xem V.League

Hình ảnh CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng, ném pháo sáng xuống sân Hàng Đẫy khiến dư luận thật sự bất bình. Những người làm bóng đá thì chẳng ai có thể ủng hộ, ngay kể cả những thành viên của Hải Phòng FC là HLV Trương Việt Hoàng hay thủ môn Đặng Văn Lâm.

Video: 3 phút "vỡ trận" của BTC sân Hàng Đẫy trước pháo sáng của CĐV Hải Phòng

>

Vòng 14 V.League 2017, tại SVĐ QG Mỹ Đình, cảnh tượng tương tự diễn ra. Ban kỷ luật VFF ra án phạt cấm CĐV Hải Phòng đến sân khách cổ vũ nhưng án phạt này được thực thi ra sao ai cũng dễ nhận thấy. Một năm sau, mọi thứ lại bắt đầu với một sự việc mới nhưng lại là câu chuyện rất cũ.

Pháo sáng là vật liệu bị cấm ở mọi trận đấu trên thế giới chứ không chỉ Việt Nam. Nó được thiết kế để sử dụng vào mục đích khác, không dành cho cổ vũ bóng đá. "Có pháo sáng mới vui" là lý lẽ khó có thể chấp nhận. Tại sao các khán đài tại Premier League vẫn chật kín khán giả, niềm vui mà không cần pháo sáng?

Năm 2014, một nữ CĐV 20 tuổi và một cậu bé 12 tuổi ở Australia bị bỏng vì pháo sáng trong trận đấu giữa Melbourne Victory và Brisbane Roar tại A-League. Hai CĐV ở tuổi vị thành niên bị cảnh sát bắt giữ vì đốt pháo sáng.


Những vụ việc gây thương tích liên quan đến pháo sáng ở các trận đấu trên thế giới rất dễ để tìm thấy trên internet. Ảnh: The Guardian.

Ông Rick Nugent, đại diện cảnh sát ở thành phố này cho biết việc đốt pháo sáng là bất hợp pháp và rất nguy hiểm: "Pháo sáng cực kỳ nguy hiểm. Chúng có thể cháy ở nhiệt độ trên 1000 độ C và không được thiết kế để đốt ở các khu vực đông dân".

Trở về năm 1993, một CĐV đã qua đời vì pháo sáng bay trúng cổ trong trận đấu giữa đội tuyển Xứ Wales và Romania tại vòng loại World Cup 1994. Nạn nhân là một người đàn ông lớn tuổi. Một nhân chứng kể lại: "Nó bay thẳng vào cổ ông ấy và ngay lập tức giết chết người đàn ông này".

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) từng nhận án phạt 15.000 USD từ AFC vì CĐV nhà đốt pháo sáng trên SVĐ Olympic tại Campuchia. Trận đó đội tuyển Việt Nam thắng Campuchia 2-1 ở vòng loại Asian Cup 2019. Số tiền đó đáng lẽ được dành để thưởng cho đội tuyển lại phải trích ra để trả tiền phạt.


CĐV Hải Phòng ném pháo sáng xuống sân nhưng như mọi năm không một cá nhân nào bị xử lý. Ảnh: Hải Đăng.

Cái hại luôn hiển hiện trước mắt nhưng người chịu trách nhiệm không phải người gây ra hành vi đó, giống như việc BTC sân Hàng Đẫy chắc chắn nhận án phạt sau trận đấu hôm qua. Dần dần, hành động ấy thể hiện sự coi thường với những quy định của một giải đấu.

Hải Phòng FC vẫn còn một cơ hội để tấn công gỡ hòa trước Hà Nội FC nhưng chính CĐV nhà đã tước đi cơ hội cuối cùng ấy. Thời điểm cầu thủ cần sự cổ vũ nhất thì những gì họ nhận lại chỉ là những quả pháo sáng được ném xuống sân. Không cá nhân nào bị xử lý, cầu thủ thì lầm lũi rời sân với sự bất lực.

Gần đây nhất, tại EURO 2016, UEFA kỷ luật Liên đoàn bóng đá Croatia sau khi CĐV nước này ném ít nhất 15 quả pháo sáng xuống sân trong trận hòa 2-2 giữa Croatia và Cộng hòa Séc.

Milan Skoda ghi bàn rút ngắn tỷ số xuống 1-2 cho Cộng hòa Séc và ngay lập tức pháo sáng được ném xuống sân. Trọng tài Mark Clattenburg đã phải tạm dừng trận đấu trong ít phút. Sau đó, Croatia bị gỡ hòa 2-2 ở phút 89.


Nhân viên tại SVĐ Saint Etiené bị thương bởi pháo sáng của nhóm CĐV Croatia. Ảnh: The Guardian.

Một nhân viên của sân đã bị thương khi trúng pháo sáng. Nhiều vật thể lạ cũng được ném xuống sân. Còn Darijo Srna, đội trưởng Croatia vừa trải qua đám tang cha mình vài ngày đã phải cầu xin sự bình tĩnh từ CĐV nhưng anh bị lờ đi bởi một nhóm những CĐV mặc áo thun đen và trùm đầu. Những người này sau đó còn tấn công chính các CĐV Croatia khác.

HLV trưởng Ante Cacic và một số cầu thủ Croatia đỗ lỗi cho một bộ phận CĐV đã khiến họ mất 2 điểm. "Đây không phải người hâm mộ Croatia. Họ là những kẻ khủng bố", HLV Cacic nói.

HLV Cacic còn tuyên bố thêm rằng: "Vị trí của họ không phải là ở trong SVĐ". Và với bóng đá Việt Nam, vị trí của những người thích đốt pháo sáng cũng không nằm ở trong sân.

Video: CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng tại vòng 14 V.League 2017 tại SVĐ QG Mỹ Đình.

Lực lượng an ninh, soát vé tại SVĐ Hàng Đẫy đã quá lơ là trong việc kiểm tra vật dụng cổ vũ của CĐV. Đầu vào dễ dàng thì việc phải đối phó vất vả với pháo sáng trong sân là điều chắc chắn phải xảy ra. Pháo sáng có thể được kiểm soát nếu những nhà tổ chức chặt chẽ và nghiêm túc trong khâu kiểm tra trước trận đấu.

Đối với CĐV Hải Phòng, Trưởng Ban kỷ luật VFF, ông Nguyễn Hải Hường cho biết CĐV Hải Phòng không có danh xưng, không được đội bóng đất Cảng thừa nhận là Hội CĐV chính thức. Vì vậy, Ban kỷ luật VFF rất khó xử lý khi có sự cố liên quan đến họ. Án kỷ luật cấm CĐV Hải Phòng đến sân khách cổ vũ không được thực thi hoàn chỉnh là một ví dụ điển hình.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội