Lãnh đạo VFF bị tố cáo nhận hối lộ: Xong vụ này, nhưng còn vụ khác thì sao?
Cuộc xác minh dễ… chưa từng có
Phải 2 tuần sau khi nhận đơn của Nguyên Quyền Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF Nguyễn Văn Chương tố cáo Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nhận hối lộ, đến ngày 24/06, ngành thể thao mới thụ lý giải quyết với việc cho thành lập một Tổ xác minh, cụ thể với trường hợp của ông Tuấn, cán bộ do ngành quản lý. Thế nhưng, cuộc xác minh lại kết thúc dễ và nhanh chưa từng có, khi sau 41 ngày, Tổ “công tác đặc biệt” đã hoàn thành nhiệm vụ để lãnh đạo Tổng cục TDTT thông báo không có cơ sở để kết luận ông Tuấn nhận hối lộ.
Đúng là không thể có cơ sở, bởi trong khi người bị tố cáo phủ nhận các nội dung bị tố cáo còn người tố cáo từ chối cung cấp thông tin, chứng cứ chứng minh. Tổ xác minh cũng chỉ mất đúng 2 buổi làm việc với 2 bên.
Như khẳng định trong kết luận, Tổ xác minh đã tiến hành công việc theo đúng trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo. Thế nhưng, diễn biến và kết quả thực tế để cho ra kết luận lại có gì đó thật… khác lạ.
Sự bị động của ngành thể thao
Tổ xác minh cũng đã làm hết trách nhiệm của mình. Tổng cục TDTT đã có văn gửi gửi 2 bên tố cáo và bị tố cáo, cũng như báo cáo lãnh đạo Bộ VH, TT&DL. Vụ lùm xùm chưa đến mức “chìm xuồng” song coi như khép lại trong bế tắc, theo kiểu hòa cả làng, cho dù ông Chương tiếp tục khẳng định sẽ theo vụ việc tới cùng và chỉ cung cấp thông tin, chứng cứ cho cấp có đủ thẩm quyền. Còn lãnh đạo Bộ VH-TT&DL có lẽ cũng sẽ không có lý do để không đồng ý với kết luận của Tổng cục từ cuộc xác minh dễ chưa từng có ấy (?!).
Tuy nhiên, phía sau sự vụ gây xôn xao dư luận mà chẳng đi đến đâu này có rất nhiều câu hỏi nóng được đặt ra. Không có cơ sở để kết luận ông Phó Chủ tịch VFF nhận hối lộ, còn ông Chủ tịch VFF thì sao? Phải nhìn nhận, xử lý người tố cáo ra sao khi các nội dung tố cáo đều không có cơ sở kết luận, và thậm chí còn từ chối gặp mặt Ban kiểm tra VFF vì bận hay từ chối cung cấp thông tin, chứng cứ cho Tổ xác minh của Tổng cục? Liệu có thể thuyết phục giới chuyên môn và dư luận với cách làm và kiểu đi tới kết luận như vậy?
Phía sau tất cả, người ta thấy sự ứng phó và bị động của ngành thể thao. Tổng cục TDTT, với quyền năng hạn chế, đã gần như chỉ vào cuộc trong tình thế không thể khác. Do không có chức năng thanh tra nên Tổng cục ngoài việc yêu cầu ông Phó Chủ tịch VFF là cán bộ thuộc cấp giải trình rồi hình thành nên một Tổ xác minh. Còn Bộ VH, TT&DL – nơi quản lý các tổ chức xã hội nghề nghiệp như VFF – đứng ngoài từ đầu đến cuối, mặc nhiên coi vụ tố cáo là việc của Tổng cục TDTT, đơn vị được phân cấp rất nửa vời.
Người ta cũng không hiểu tại sao với một sự vụ tố cáo không thuộc diện hiếm trong đời sống thể thao, với chứng cứ xác thực (đến thời điểm này) chưa có gì mà ngành thể thao lại để “mất kiểm soát” đến vậy. Đáng ra ngay từ đầu, các cơ quan quản lý Nhà nước chủ động, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, cũng như cung cấp đầy đủ thông tin, thậm chí họp báo để không chỉ sẵn sàng xem xét giải quyết vụ việc theo đúng thẩm quyền, pháp luật mà còn có thể phản biện với các thông tin sai trái, gây nhiễu tình hình. Khi đó, sự minh bạch và lành mạnh, cùng khả năng làm chủ tình hình sẽ khác hẳn với mớ bung xung như hiện tại, cho dù trên danh nghĩa nó đã được kết luận.
Sỹ Minh
“Là cơ quan trực tiếp quản lý ông Trần Quốc Tuấn – người bị tố cáo, Tổng cục TDTT có trách nhiệm phải xem xét, giải quyết trong thẩm quyền của mình.
Qua quá trình làm việc với người tố cáo và người bị tố cáo, chúng tôi đã không có cơ sở để kết luận về các nội dung tố cáo.
Trong đó, có thể nói, người tố cáo đã bất hợp tác với Tổ xác minh khi từ chối cung cấp các thông tin, chứng minh các nội dung tố cáo của mình trước đó.
Ông Chương khẳng định sẽ chỉ cung cấp thông tin, chứng cứ cho cơ quan có thẩm quyền, và chúng tôi cũng không hiểu đó sẽ là cơ quan nào, trong khi suy cho cùng Tổng cục TDTT, thông qua Tổ xác minh, vẫn là cơ quan mang tính cơ sở, trực tiếp của người bị tố cáo”.
Tổ trưởng Tổ xác minh
Nguyễn Hải Đường.