Lịch thi đấu V.League 2018 tháng 6 căng thẳng ra sao, đội nào bất lợi nhất?
29 ngày, 7 trận đấu là bài toán không dễ giải với 14 CLB tại V.League. Từ vòng 11 đến vòng 17, kết quả của chặng vượt chướng ngại vật có thể định đoạt kết cục của nhiều CLB.
Lịch thi đấu tháng 6 căng thẳng ra sao?
7 trận/29 ngày, trung bình cứ 4 ngày các cầu thủ lại xỏ giày ra sân đá một trận bóng. Từ ngày 3/6 đến ngày 1/7, khán giả sẽ được chứng kiến guồng quay hối hả nhất của V.League 2018 bên cạnh World Cup 2018.
Kể từ thời điểm cuối tháng, từ HLV Đức Thắng của SLNA đến HLV Đức Thắng khác của FLC Thanh Hóa, từ đội dẫn đầu Hà Nội FC đến đội đang hưng phấn như HAGL cũng đều cảm thấy ngột ngạt khi bước vào những ngày hè tháng 6.
Lịch thi đấu và quãng đường các CLB tại V.League 2018 phải di chuyển trong tháng 6. Ảnh: Trung Thu.
Trong 14 CLB, XSKT Cần Thơ, Sanna Khánh Hòa BVN, Hải Phòng, FLC Thanh Hóa, CLB TPHCM và SLNA là 6 đội có 4 lần phải di chuyển đi đá sân khách. Các CLB ngại nhất khoản di chuyển trong những ngày này. Đội di chuyển nhiều nhất là SLNA với tổng quãng đường 7854 km. Con số ấy với Than Quảng Ninh chỉ là 3206 km, thấp nhất V.League trong quãng thời gian khắc nghiệt của tháng 6.
Với mật độ 4 ngày/trận, trung bình các CLB mất 1 ngày để di chuyển cả đi và về nếu đá sân khách, có tối đa 2 ngày để tập luyện chuẩn bị cho trận đấu tiếp theo. Thời gian để các cầu thủ nghỉ ngơi hồi phục gần như bằng không.
Bài toán phân bổ lực lượng và sức lực vì thế trở thành câu hỏi lớn với 14 nhà cầm quân tại V.League 2018. Bằng con mắt nhìn nhận và suy nghĩ ban đầu, Hà Nội FC, FLC Thanh Hóa được cho là hưởng lợi nhờ một lực lượng dày và tinh nhuệ. Trong khi đó, Nam Định, SLNA hay CLB TPHCM sẽ trải qua một tháng đầy giông bão nếu nhìn vào thứ hạng, phong độ và nhân sự ở thời điểm này.
Than Quảng Ninh (áo đỏ) là CLB có lịch thi đấu dễ chịu nhất về khoản di chuyển nhưng lại gặp nhiều đối thủ khó chơi. Ảnh: Hải Đăng.
Nhiều sự lựa chọn chưa chắc tạo nên lợi thế
Theo danh sách đăng ký cầu thủ từ đầu mùa, các CLB tại V.League 2018 có từ 26 – 29 cầu thủ đủ điều kiện thi đấu. Sau 10 vòng đầu tiên, trung bình mỗi CLB đã sử dụng 21 cầu thủ. SLNA thậm chí có đến 25/27 cái tên đã được hít thở bầu không khí V.League năm nay.
Tổng quát ban đầu như vậy để thấy không có nhiều sự chênh lệch về số cầu thủ được sử dụng ở các đội. Thế nhưng, mấu chốt nằm ở số cầu thủ được sử dụng nhiều nhất (từ 250 phút đến 500 phút). Dĩ nhiên, con số này chỉ đánh giá việc HLV nào có được nhiều lựa chọn hơn về nhân sự, hoàn toàn không quyết định được thứ hạng của CLB trên bảng xếp hạng.
10 vòng đấu, một cầu thủ có thể chơi tối đa 900 phút. Nhìn vào FLC Thanh Hóa, họ có 28 cầu thủ, 21 người đã ra sân nhưng chỉ có 6 người thi đấu trên 500 phút tức thường xuyên được ra sân. Số cầu thủ thi đấu trên 250 phút lại lên tới 17 người. Con số này chỉ ra rằng, HLV Đức Thắng có trong tay 9 cầu thủ có thể dùng để xoay tua.
Con số này với HAGL, Hải Phòng là 8; SHB Đà Nẵng là 7; Quảng Nam, Sanna Khánh Hòa BVN là 6. Nếu chỉ nhìn vào những con số trên thì 6 CLB trên đang có nhiều lợi thế về mặt quân số. Thế nhưng, đây mới chỉ là một phần của câu chuyện.
Số cầu thủ, số cầu thủ đã ra sân thi đấu và số lượng cầu thủ thi đấu thường xuyên qua 10 vòng đấu ở 14 CLB tại V.League 2018. Ảnh: Trung Thu.
HLV Đức Thắng (FLC Thanh Hóa) có nhiều sự lựa chọn như vậy mà còn than thở về thể lực cầu thủ. Nhìn vào thứ hạng hiện tại, HAGL là đội duy nhất nằm trong top 4, trong khi đó, những cái tên còn lại xếp từ vị trí thứ 6 đến 10.
Hà Nội FC, Than Quảng Ninh, XSKT Cần Thơ và B.Bình Dương là 4 đội trong top 5. Mỗi đội có ít nhất 10 cầu thủ chơi trên 500 phút tạo nên một bộ khung ổn định, giúp các HLV chỉ cần tạo nên những thay đổi nhỏ ở một vài vị trí. Không phải ngẫu nhiên mà 4 CLB này đang có thứ hạng cao. Trong một chặng đua đường trường, một tập thể ít xáo trộn nhất sẽ chơi ăn ý hơn, hiểu nhau hơn và tồn tại tốt hơn.
10 CLB vừa được điểm mặt, hai xu thế được điểm qua. Nhóm cuối cùng cũng không phải ngẫu nhiên thuộc về 4 CLB đang xếp cuối trên BXH: TPHCM, SLNA, Sài Gòn FC và Nam Định. 4 CLB này có thể là những tập thể yếu nhất về chất lượng đội hình (Sài Gòn FC, Nam Định), cũng có thể nằm ở phong độ bị ảnh hưởng bởi thất bại liên tục (SLNA, TPHCM). Trên lý thuyết, họ là 4 cái tên dễ bị vỡ trận nhất trong tháng 6 khắc nghiệt.
BXH V.League 2018 sau vòng 10.