Ngân sách giới hạn, vì sao Sanna Khánh Hoà BVN luôn có ngoại binh tốt?
Nền tảng tài chính thuộc dạng vừa phải, song trong cả 4 mùa giải đá V.League, đội bóng phố Biển chưa bao giờ phải "than khóc" chuyện ngoại binh.
Bay cao trên đỉnh V.League nhờ ngoại binh
Trong lúc gần 2/3 số đội bóng tại V.League đang "lao tâm khổ tứ" vì ngoại binh thì Sanna Khánh Hòa BVN lại ung dung với nhân sự hiện có. Dù đã khá lớn tuổi, song bộ đôi Chaher Zarour và Youssouf Toure vẫn đang duy trì một phong độ ổn định và mang tính xương sống trong đội hình xuất phát.
Từ đầu mùa, ngoại trừ một lần duy nhất rời sân giữa chừng vì chấn thương, trung vệ Chaher Zarour luôn có mặt và chiến đấu trọn vẹn số phút thi đấu còn lại của đội nhà. Không chỉ cáng đáng hàng thủ, lão tướng 35 tuổi còn được tin tưởng ở nhiệm vụ dìu dắt các đồng nghiệp nội. Từ hàng gạo cội như Trọng Bình, Văn Vũ cho đến măng non như Công Thành, khi bắt cặp cùng cựu binh Ligue 1 đều có sự hòa hợp khá tốt.
Zarour Chaher (áo vàng phải) đã 35 tuổi nhưng dồi dào kinh nghiệm và là điểm tựa cho hàng phòng ngự Sanna Khánh Hòa BVN. Ảnh: VPF.
Điều tương tự cũng xảy đến với tiền đạo Youssouf Toure. Thậm chí vai trò của cầu thủ 32 tuổi còn có phần "sáng" hơn người đồng hương khi anh ghi đến 8 bàn thắng, đóng góp 3 kiến tạo (chiếm 60% tổng số pha lập công của toàn đội). Gần nhất, tại vòng 17, đó là tình huống ghi bàn vào lưới XSKT Cần Thơ theo kiểu "kungfu Ibrahimovic", mở đầu cho chiến thắng 2-1 giúp Sanna Khánh Hòa BVN cán mốc ngôi vị nhì bảng.
Đánh giá về hai "viên ngọc quý" trong đội hình, HLV Võ Đình Tân bày tỏ: "Từ ngày về đội, Toure có sự hòa nhập rất tốt với lối chơi. Cậu ta có khả năng cầm bóng, đá cắm tốt, biết cách ghi bàn và có sự tương hỗ hiệu quả với nội binh. Trong khi Zarour chủ yếu thi đấu bằng kinh nghiệm, nhưng đây là một trung vệ có khả năng tốt. Nếu còn đủ sức, chúng tôi sẽ giữ anh ta ở lại mùa giải tới".
Màn thể hiện và những đóng góp tích cực từ cặp đôi người Pháp khiến ông thầy 51 tuổi cảm thấy yên lòng. Vài tuần vừa qua, đội bóng của ông gần như đứng ngoài TTCN giữa mùa. Thay vào đó, họ dành sự tập trung tuyệt đối cho việc rèn giũa lối chơi, ổn định đội ngũ và phát triển các nhân tố mới.
Sanna Khánh Hòa BVN giữ vững vị trí trong top 5 đội mạnh nhất ở 3 mùa giải vừa qua dù không có nhiều bản hợp đồng lớn. Ảnh: VPF.
Ngân sách vừa phải vẫn có ngoại binh tốt, vì sao?
4 mùa giải lên V.League, Sanna Khánh Hòa BVN chỉ phải dùng vỏn vẹn 5 ngoại binh. Xét trên cùng thời gian và hạng đấu, "kỷ lục" này chỉ thua kém mỗi mình Hải Phòng - đội đã dành niềm tin tuyệt đối cho Errol Stevens và Andre Fagan. Nhưng dù là vậy, sự ổn định đáng nể ấy cũng là điều mà 2/3 số đội bóng tại V.League phải thèm muốn.
Thực lực tài chính vừa phải, kinh nghiệm chinh chiến ở sân chơi cao nhất nền bóng đá cũng chỉ dừng ở 4 năm vỏn vẹn, vì đâu Sanna Khánh Hòa BVN lại có "kỹ nghệ săn Tây" hiệu quả còn hơn những đàn anh dày dạn hoặc thiếu gia mới nổi như HAGL, SLNA hay CLB TP.HCM? Giải đáp câu hỏi này, HLV Võ Đình Tân bày tỏ:
"Các đội khác tuyển ngoại binh ra sao thì tôi không rõ. Về phần mình, Sanna Khánh Hòa BVN cũng không có gì đặc biệt đâu. Như Zarour chẳng hạn, anh ta cũng phải thử việc 3-4 trận ở BTV Cup 2016 cùng một số người khác. Nhưng là cầu thủ châu Âu nên họ chỉ ở lại khoảng 1 tuần rồi bay về nước.
HLV Võ Đình Tân vẫn đang lèo lái con thuyền Sanna Khánh Hòa BVN đi đúng hướng. Đội bóng phố Biển là CLB tốt nhất ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ ở thời điểm này. Ảnh: VPF.
Bí quyết giữ chân ngoại binh giỏi
Sở hữu ngoại binh giỏi nhưng Sanna Khánh Hòa BVN chẳng mấy khi đau đầu trước sự chèo kéo của các đối thủ. Một phần cũng vì tính chuyên nghiệp cao của cầu thủ. Mặt khác, họ cũng hài lòng với chất lượng cuộc sống, công việc. 4 năm đã qua, ngoại trừ Sadio Diao và Tales dos Santos rời đi vì không đạt yêu cầu, phần còn lại đều muốn gắn bó lâu dài với đội.
"Cầu thủ Khánh Hòa vốn dĩ là hiền, sống thật thà nên ngoại binh về đây có môi trường tốt để giữ vững và phát huy đức tính chuyên nghiệp vốn có. Bên cạnh đó mình cũng phải sâu sát và rèn giũa họ. Cầu thủ cũng là con người thôi, cũng có những lúc này kia, làm điều không đúng".
Sau đó, chúng tôi tiến hành sàng lọc, thẩm định điểm mạnh, yếu của từng trường hợp rồi quyết định ký với anh này. Với chúng tôi, chuyên môn là yếu tố tiên quyết để đưa ra quyết định có ký hay không. Ngoài ra, tôi cũng chỉ nhận khi cảm thấy anh ta hòa hợp được với tập thể".
HLV Võ Đình Tân dẫn chứng cho chúng tôi về trường hợp của Uche Iheruome. Khi còn ở Nha Trang, tiền đạo người Nigeria từng được coi là "hung thần" của cả giải đấu. Tuy nhiên, sau 2 mùa giải thăng hoa, anh này đã quyết định cập bến FLC Thanh Hóa để rồi nhận thất bại cay đắng trong đời cầu thủ (chia tay chỉ sau 1 năm).
"Nhiều người đã can ngăn tôi hết lời khi quyết định ký với Uche. Họ bảo anh ta là cầu thủ bất trị, hay mè nheo rồi làm trò này nọ. Nhưng thực tế thì Uche về đây rất ngoan, đá rất tốt. Sau này rời đi được 1 năm, anh ta đã cảm thấy rất hối hận".
Youssouf Toure có thân hình khá mập mạp nhưng kỹ thuật và phối hợp ăn sy cùng Quốc Chí, Lâm Ti Phông. Ảnh: VPF.
Để tìm được hiền tài cho đội nhà, Sanna Khánh Hòa BVN cũng tỏ ra chuyên nghiệp trong cách làm việc với những người môi giới. Ở Việt Nam, đây được xem là một công việc phức tạp và có tính nhạy cảm cao. Con đường đưa một cầu thủ đến với đội bóng phù hợp có khi phải đi qua đến 3-4 "trạm" từ người đại diện số 1 đến các "mối quen" của CLB.
Quyền lợi liên quan nhiều người thế nên chuyện rắc rối nảy sinh rồi làm ảnh hưởng đến thương vụ là điều khó tránh khỏi. Nhưng với những người đứng đầu đội bóng phố Biển, chuyện tưởng chừng như rối rắm ấy lại vô cùng đơn giản. "Khi làm việc với bên môi giới, chúng tôi luôn cố gắng chuyên nghiệp và sòng phẳng.
Nếu họ thấy mức giá phù hợp thì sẽ gửi người đến, chứ không có chuyện mè nheo hoặc thay đổi này nọ. Đối với ngoại binh, CLB cũng chỉ có một quỹ lương tương đối dành cho họ mà thôi. Nhưng điều đó không có nghĩa là quá thấp, bởi nếu vậy thì cầu thủ tốt chắc chắn sẽ bỏ đi rồi", ông Tân không ngần ngại tiết lộ.