Nhà báo Nguyễn Nguyên: VPF đang bị “biến dạng”
Năm đầu hoạt động, điều quyết liệt nhất VPF làm được là hoạt động theo đúng luật doanh nghiệp lẫn luật công ty cổ phần bởi “chủ quyền” thuộc về các ông bầu, các CLB (tham gia 65% cổ phần so với VFF là 35% cổ phần). Lần đầu tiên bản quyền V.League bán được với cái giá đáng kể sau khi VPF lấy lại bản quyền từ AVG. Sau đó, khi VPF mất người cầm trịch lẫn hiểu biết về luật cũng như đủ cơ để “đấu” lại những thế lực muốn lấy lại các giải đấu để tổ chức thì VPF dần “biến dạng”.
Sự “biến dạng” này đã được Chủ tịch LĐBĐ Hải Phòng kiêm Chủ tịch CLB Bóng đá Hải Phòng chỉ ra những phần sai mà VPF đánh mất đi chức năng hoạt động của công ty cổ phần để bị “lái” theo hoạt động như “công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên” (theo cách nói của ông Trần Mạnh Hùng).
Ông Hùng dẫn chứng các cổ đông chiếm 65% cổ phần không còn được tôn trọng mà thay vào đấy là VFF mà đứng đầu là CT Lê Hùng Dũng và PCT Trần Quốc Tuấn chỉ đạo hết. Từ việc cấy người của VFF vào HĐQT đến việc “ép” phải đưa người của Phòng thi đấu VFF Nguyễn Minh Ngọc vào làm trưởng BTC giải. Sau đó là ép luôn việc đưa ông Ngọc làm Phó TGĐ và có ý định đẩy lên thay ông Phạm Ngọc Viễn làm TGĐ.
Chính từ việc VFF lấn hết phần và quyền của 65% cổ đông còn lại điều hành V.League khiến giải đấu này y hệt như hồi VFF điều hành các giải đấu. Ông Hùng cũng chỉ ra phần bất hợp lý mà nếu thực sự VPF điều hành thì phải tính đến yếu tố con người mà VPF thuê để làm sao có lợi nhất cho công ty. Đằng này toàn là người được gài vào từ VFF, thậm chí là gài vào để ăn lương hay để mượn chức quyền trong VPF làm kinh tế.
Đó là việc ông Trần Mạnh Hùng đã hỏi thẳng Chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng về việc tại sao thuê một Phó TGĐ Phạm Phú Hòa suốt gần 4 năm trả lương mỗi tháng 45 triệu đồng; bao tiền vé máy bay, ăn ở đi đủ mọi nơi mà không mang về được một đồng nào tài trợ nhưng VPF vẫn è cổ ra trả lương. Khi bị chất vấn như thế, ông Võ Quốc Thắng không thể trả lời được và đó cũng là điều cho thấy ông này bất lực và lép vế hoàn toàn trước những nhân vật mà VFF cài vào dù ông Thắng danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT.
Một điều khác nữa mà BĐVN đang tranh luận rất nhiều, đó là Quy chế bóng đá chuyên nghiệp được thông qua có những điểm và những phần bất hợp lý (như vụ Quế Ngọc Hải phải bồi thường toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương cho Anh Khoa) nhưng vẫn có hiệu lực sau khi được thông qua. Đó là quyền góp ý để hoàn chỉnh quy chế liên quan quyền lợi đội bóng, của cầu thủ và của CLB nhưng đại diện của các CLB thường đi họp qua loa. Nói như những thành viên từng dự họp về kể thì “vui là chính” trong khi phần nội dung cần đóng góp thì lại bị bỏ qua.
Sau V.League 2015, sẽ có bản tổng kết và nguy hiểm nhất là bản tổng kết đấy lại quay về điệp khúc như thời bao cấp lẫn thời VFF điều hành với những mỹ từ “thành công tốt đẹp” hay về “đích an toàn”.
NGUYỄN NGUYÊN