Nhà đài sẵn sàng trực tiếp V.League nếu VPF và Next Media giải quyết xong tranh chấp
Đại diện hai Đài truyền hình lớn là VTV và HTV khẳng định vẫn sẵn sàng truyền hình trực tiếp các trận đấu của V.League. Vấn đề mấu chốt nằm ở việc giải quyết tranh chấp bản quyền truyền hình với Next Media và VPF.
>>> Chủ tịch VPF tủi thân vì bản quyền truyền hình V.League bị ghẻ lạnh
>>> Chủ tịch VPF tủi thân: "Làm sao niềm tin cho trọng tài tăng lên?"
“Sau khi HĐQT khoá III nhận nhiệm vụ, chúng tôi có rà soát lại các hợp đồng đang có hiệu lực, trong đó có 2 hợp đồng ký với công ty Next Media. Chúng tôi thấy 2 hợp đồng này có một số bất cập về mặt pháp lý và quyền lợi của VPF cũng như các giải VPF đang điều hành. Chúng tôi có làm việc với Next Media về các vấn đề liên quan nhưng phía họ không thể hiện thiện chí hợp tác”, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú chia sẻ trên báo chí.
HĐQT VPF đã ra quyết định thanh lý hai hợp đồng với Next Media và giao cho Chủ tịch Trần Anh Tú đàm phán hợp đồng mới. Tuy nhiên, phía Next Media vẫn đang từ chối các đề nghị của VPF.
Về phía Next Media, họ không chấp nhận việc bị huỷ hợp đồng, Next Media đã gửi công văn tới một loạt cơ quan, đơn vị liên quan để phản đối. Họ cũng đã xúc tiến các hoạt động thương mại liên quan đến phát sóng V.League với một số đơn vị.
Vấn đề này nếu không được giải quyết kịp thời có thể ảnh hưởng đến kế hoạch phát sóng các trận đấu ở V.League 2018 mà trước tiên là vòng đấu thứ nhất.
Ông Phan Ngọc Tiến, Trưởng Ban thể thao Đài truyền hình Việt Nam (VTV), cho biết: "Chưa khi nào chúng tôi từ chối việc phát sóng các trận đấu ở V.League. Đó là nghĩa vụ góp phần vào sự phát triển của bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi chưa thể làm lịch phát sóng vì tranh chấp bản quyền giữa VPF và Next Media. Chúng tôi làm về chuyên môn sản xuất, còn thương thảo hợp đồng là bộ phận khác trong Đài".
Ông Tiến nhấn mạnh: "Vấn đề là bên nào cũng nhận mình có bản quyền. Chúng tôi không thể làm việc khi chưa rõ ràng. Vì vậy, việc phát sóng phụ thuộc vào VPF và Next Media giải quyết tranh chấp với nhau ra sao".
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng Ban thể thao Đài truyền hình TPHCM (HTV), chia sẻ: "HTV sẽ làm tất cả các trận ở khu vực TPHCM có hai CLB TPHCM và Sài Gòn FC. Next Media là đơn vị truyền thông mùa trước của VPF, còn mùa này VPF trực tiếp làm việc với Đài truyền hình TPHCM, không thông qua một đơn vị nào hết. Vì vậy, chúng tôi đứng ngoài việc tranh chấp".
"Tôi nhìn cục diện VPF sau khi thay đổi nhân sự thì vẫn còn bỡ ngỡ lắm. Lãnh đạo nhiệm kỳ trước để đơn vị truyền thông bên ngoài làm, còn giờ VPF trực tiếp làm. Tôi thấy còn lộn xộn, lúng túng. Trong thời gian đầu, tôi nghĩ họ sẽ chưa có được sự ổn định".
Vấn đề bản quyền truyền hình được đặt nặng kể từ khi ông Trần Anh Tú nhậm chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF. Thái độ của ông rất rõ ràng: "Chúng tôi muốn V.League có thể thu được tiền từ bản quyền truyền hình, tức phải có một hợp đồng tốt. VPF chưa đạt được thỏa thuận với VTV nhưng một số đài khác đã chấp thuận. Muốn bóng đá Việt Nam phát triển, vấn đề bản quyền truyền hình phải được giải quyết rõ ràng".
Ngày 12/2, VPF đã gửi công văn thông báo huỷ hợp đồng với Next Media, trong đó có nội dung: “Việc hạch toán, chia lợi nhuận là một trong những mục đích quan trọng mà hai bên tiến hành việc ký kết hợp đồng trên. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện hợp đồng đến nay, phía công ty Next Media đã không thực hiện đúng theo các điều khoản đã cam kết, việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của VPF".
Bên cạnh đó, Một thành viên VPF cho biết Ban Giám đốc nhiệm kỳ 2 của VPF đã ký hợp đồng sản xuất V-League với Next Media tới năm 2022 trong khi nhiệm kỳ này chỉ kéo dài tới đầu năm 2018. Giá trị hợp đồng lớn nhưng không thông qua HĐQT.
Vấn đề này tương tự câu chuyện diễn ra cách đây 10 năm, VFF bán bản quyền V.League cho AVG với bản hợp đồng có thời hạn 20 năm vào cuối năm 2010. Giá bản quyền truyền hình V.League mùa 2011 là 6 tỷ đồng, mỗi năm tăng 10% luỹ tiến. Theo kế hoạch, tới năm cuối của bản hợp đồng trên, năm 2020, giá trị bản quyền truyền hình V.League sẽ là 12 tỷ đồng. Số tiền trên được chia theo tỷ lệ 40% - 40% - 20%.
Đầu năm 2011, VPF được thành lập từ ý tưởng của bầu Kiên. Công ty này đã lấy lại hợp đồng bản quyền truyền hình V.League. Khi nhận quyền chuyển giao từ AVG, phía VPF cam kết sẽ khai thác được tối thiểu 50 tỷ đồng mỗi năm từ bản quyền truyền hình. Tuy nhiên, đến hiện tại, tham vọng đó vẫn chưa thể thành hiện thực.
V.League không phải sản phẩm quá đặc biệt để đòi BQTH
Trưởng Ban thể thao HTV, ông Nguyễn Văn Phú chia sẻ góc nhìn cá nhân: "V.League với cá nhân tôi là sản phẩm chưa đặc biệt để HTV tập trung hết mức. Ở các đài truyền hình chính thống vẫn xem đây là hoạt động giải trí, vui chơi và các Đài có nghĩa vụ tuyên truyền đến cho người dân. Vậy thôi".
"Không có chuyện thu lợi từ sản xuất các chương trình V.League. Các Đài còn phải trả ngược các quảng cáo, tức là được truyền hình trực tiếp nhưng phải trả sóng quảng cáo cho VPF. Rõ ràng các Đài Truyền hình vẫn đang ở đoạn tuyên truyền. Họ không có thấy lợi, không có chế tài, muốn bỏ là bỏ, làm là làm. Vì tiêu chí là phục vụ nhân dân nên thấy cái gì ưu tiên nhất để phục vụ nhân dân thì người ta làm".
HTV sẽ tổ chức Giải đua xe đạp Cúp truyền hình TPHCM vào cuối tháng 3 đến hết tháng 4. Ông Phú khẳng định HTV sẽ khó tường thuật trực tiếp các trận đấu tại V.League trong thời gian này.